Chiến tranh Pháp–Phổ
Khi bức điện tín từ Bad Ems được gửi đến, đang ăn tối cùng Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck trong căn hộ của ông ở Berlin là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Albrecht von Roon và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Phổ Helmuth von Moltke. Bức điện tín là bản báo cáo về cuộc gặp mặt giữa vua Wilhelm I của Phổ vị sứ giả từ nước Pháp tại Bad Ems vào sáng ngày hôm đó. Vị sứ giả, Bá tước Benedetti, đã lên tiếng một cách mà theo mô tả là “thiếu nhã nhặn” với vị vua nước Phổ xung quanh vấn đề về ngai vàng nước Tây Ban Nha. Các vị chính khách Phổ sau khi đọc xong nội dung bức điện đã nhanh chóng đi đến đồng thuận: một bức điện vốn vô hại sẽ trở thành một thứ có thể khiến một cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức là không thể tránh được:
Kỳ I: Căng thẳng Pháp–Phổ
Đối với những người đương thời, Napoleon III là một nhân vật bí ẩn: tuy tỏa sáng nhưng lại là một con người mâu thuẫn, một “Nhân Sư bên bờ sông Seine”. Người cháu của vị hoàng đế lừng danh Napoleon Bonaparte đã trở thành nhân vật quyền lực nhất nước Pháp sau cuộc đảo chính năm 1851 và rồi đăng quang ngôi vị Hoàng đế của người Pháp một năm sau đó sau một cuộc trưng cầu dân ý. Ông hứa với dân chúng nước Pháp rằng, “Đế quốc chính là hòa bình”. Dưới những chính sách tự do của mình, ông đã thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa của nước Pháp. Sự tăng trưởng về mặt kinh tế đã mang lại cho ông sự ủng hộ từ dân chúng. Napoleon III đã thúc đẩy xây dựng và mở rộng hệ thống kênh rạch, đường xá, đường sắt, biến Paris từ một thành phố còn mang dáng dấp thời Trung Cổ trở thành một trong những thành phố hiện đại nhất Châu Âu. Chính đô thị mới này là một công cụ tuyên truyền hiệu quả cho chế độ của ông.
Tham vọng vọng của Napoleon III không chỉ được thể hiện bằng những cải cách, chính sách trong nước, mà còn về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng nhận được những kết quả không như mong đợi. Ông can thiệp quân sự vào Mexico, hy vọng thiết lập một chính quyền phụ thuộc tại nước này, nhưng phải hứng chịu thất bại khi Hoàng đế Mexico là Maximilian đệ Nhất – nguyên là một Hoàng thân Áo – bị bắt và bị xử tử năm 1867. 2 năm sau đó, ông lên tiếng ủng hộ người Ba Lan giành độc lập, nhưng đã không can thiệp quân sự và kết quả là cuộc khởi nghĩa Ba Lan đã bị quân đội Nga dập tắt một cách đẫm máu.
Danh tiếng của Hoàng đế Pháp đặc biệt bị tổn hại nghiêm trọng sau cuộc chiến tranh Áo-Phổ. Bởi vì Phổ sau khi giành chiến thắng trước dòng họ Habsburg đã sát nhập toàn bộ lãnh thổ vốn trước đó là Hannover, Kurhessen, Nassau và thành phố tự do Frankfurt. Cùng với các tiểu quốc còn lại ở miền bắc nước Đức, Phổ đã thành lập Liên minh Bắc Đức, qua đó củng cố vị thế của Berlin tại châu Âu. Vị thế của Pháp trên chính trường châu Âu vốn đã trở nên lung lay vì việc nước Phổ trỗi dậy, nay càng yếu thế trước những thắng lợi mà Bismarck gặt hái được.
Đối với nước Pháp lúc bấy giờ, ở ngay bên cạnh “vườn nhà mình” đã không biết từ đâu xuất hiện một quốc gia hùng mạnh về mặt quân sự lẫn công nghiệp. Chỉ vài năm trước, vào năm 1860, dân số nước Phổ không bằng một nửa nước Pháp. Vậy mà nay, với sự thành lập của Liên bang Bắc Đức, con số không còn chênh lệch là bao: một bên là nước Pháp với khoảng 38 triệu người, bên kia là hơn 30 triệu người Đức, được thống nhất dưới chính quyền ở Berlin. Với Chế độ quân dịch ở Phổ, quân số Liên bang Bắc Đức thậm chí còn lớn hơn 1/3 so với Pháp.
Ngay trước trận đánh Königgrätz năm 1866, Napoleon III đã từng tuyên bố rằng ông sẽ lợi dụng cuộc chiến tranh Áo-Phổ để mở rộng nước Pháp và sẽ khiến hai nước này phải nhượng bộ lẫn nhau: Ông vốn nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài. Thất bại chóng vánh của Áo đã khiến Napoleon III bị sốc vì ông không hề chuẩn bị trước cho một chiến thắng của Berlin.
Napoleon III không thể nhân nhượng thêm bất kỳ một sự mở rộng nào nữa của Phổ, đặc biệt là vào miền nam nước Đức – vùng lãnh thổ phía nam sông Main. Dưới áp lực từ Napoleon III, các quốc gia miền nam nước Đức trong hiệp ước hòa bình giữa Áo và Phổ đã được đảm bảo nền độc lập. Biên giới ở sông Main là thắng lợi duy nhất có thể trông thấy của Napoleon III – một chiến thắng nhỏ, nhưng vô giá trị. Vô giá trị là bởi vì đối với Bismarck, ông không coi sông Main là biên giới. Ngay khi đàm phán hòa bình với Áo, Bismarck đã âm thầm ký một hiệp ước liên minh tương trợ với các nước Nam Đức là Bayern, Baden và Würtemberg. Điều này có nghĩa là trong trường hợp xảy ra chiến loạn, các nước này sẽ phải giúp sức cho quân đội Phổ. Đây là một mối gắn kết bí mật mà Paris chẳng hề hay biết.
Napoleon III lúc bấy giờ đang rất cần một chiến thắng ngoại giao mới có thể làm xoa dịu dân chúng nước Pháp, những người đang khát khao yêu cầu mở rộng lãnh thổ. Napoleon III mong muốn ít nhất cũng phải sáp nhập được Luxembourg và coi đó như là một sự đền bù xứng đáng cho sự thất bại trong việc ngăn chặn Liên bang Bắc Đức thành lập.
Đại Công quốc nhỏ bé Luxembourg lúc bấy giờ đang nằm trong liên minh cá nhân với Hà Lan và được cai trị từ Den Haag. Điều này có nghĩa là Quốc vương Hà Lan cũng đồng thời là Đại Công tước Luxembourg. Cho đến năm 1866, Luxembourg vẫn là một thành viên của Liên bang Đức (một liên minh lỏng lẻo các quốc gia Đức vốn được thành lập sau cuộc chiến tranh Napoleon năm 1815) và vẫn có quân Phổ đóng ở đó.
Vào tháng 3 năm 1867, Napoleon III đã ngỏ lời muốn mua đứt Luxembourg từ Hà Lan. Bismarck đã không ngần ngại phá ngang khi công bố yêu cầu của Pháp ra trước dư luận. Và không ngoài mong đợi, tại Đức đã dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt “sự hèn hạ” của Pháp khi dám có ý định chiếm đất đã thuộc về người Đức từ thời xa xưa. Dưới áp lực từ dư luận, Quốc vương Hà Lan đã sợ hãi và quyết định không ký hiệp ước, khiến phi vụ mua bán thất bại.
Một lần nữa, Napoleon III phải hứng chịu một thất bại ngoại giao nhục nhã và một lần nữa, kẻ phá đám phá hoại những yêu sách lãnh thổ của Pháp không phải ai khác ngoài Phổ. Dân chúng nước Pháp cảm thấy bị xúc phạm và yêu cầu trả thù. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Phổ Helmuth von Moltke yêu cầu tổng động viên toàn quốc. Ông cho rằng một cuộc chiến với Pháp sớm muộn rồi cũng sẽ xảy ra và cầu xin hành động ngay lập tức. Bismarck tuy nhiên đã từ chối, ông không muốn chỉ vì một Luxembourg nhỏ bé, hay chỉ vì vẻ huy hoàng nhất thời mà mạo hiểm một cuộc chiến. Chỉ khi không còn thứ gì có thể cứu vãn được nền hòa bình thì Bismarck mới sẵn sàng để làm như yêu cầu của Moltke. Có lẽ bản thân ông cũng hy vọng rằng, cuộc tranh chấp với Pháp là đủ để gắn kết các quốc gia Đức lại với nhau.
Một hội nghị quốc tế tại London năm 1867 đã đi đến kết quả: Luxembourg được tuyên bố trở thành một “quốc gia trung lập vĩnh viễn”. Dù điều này có nghĩa là Phổ phải rút quân ra khỏi Đại Công quốc, nhưng Napoleon III cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với vùng đất này.
Dân chúng và quốc hội Pháp ngày càng giận dữ yêu cầu chính phủ trả thù Phổ. Các báo phe đối lập không mệt mỏi đăng tin lan truyền thông tin rằng nước Pháp sau những thất bại ngoại giao này chỉ còn là một “quốc gia hạng ba”. Dư luận Pháp không ngần ngại chỉ trích Napoleon III là một thằng hề.
Đối với Napoleon III, chiến tranh với Phổ dường như là biện pháp duy nhất giúp ông có thể ổn định tình hình chính trị trong nước. Chỉ một chiến thắng mới có thể làm xóa tan đi mọi chỉ trích và những nghi ngờ liệu rằng ông có còn đủ khả năng để dẫn dắt chính quyền. Và đúng như vậy, những thất bại về mặt chính trị đã khiến sức khỏe vị hoàng đế này ngày một đi xuống. Căn bệnh sỏi thận khiến Napoleon phải hứng chịu đau đớn cực độ về thể xác và chẳng còn có thể đi vững. Đôi khi ông ngủ thiếp đi trong lúc hội nghị vì sử dụng thuốc Morphin liều cao để giảm đau.
Bismarck ngay lúc này cũng đang phải đứng trước áp lực rất lớn. Kể từ năm 1866 ông đã theo đuổi tham vọng thống nhất nước Đức dưới sự thống trị của gia tộc Hohenzollern nước Phổ. Và ông đã nhanh chóng vạch ra kế hoạch tôn vua Phổ lên làm Hoàng đế. Bởi vì chỉ dưới một vị hoàng đế, giống như suốt 850 năm Đế quốc La Mã Thần thánh, các vương hầu người Đức mới chịu tập hợp lại với nhau, còn dưới một vị vua của Phổ thì điều này rõ ràng chẳng có hy vọng.
Cuộc khủng hoảng Luxembourg đã không hề thúc đẩy mong muốn thống nhất dưới một lá cờ của người Đức. Tình hình ở miền nam nước Đức không mấy tốt đẹp khi dân chúng nơi đây lo ngại rằng họ sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến mà những nạn nhân đầu tiên sẽ có thể là họ.
(còn tiếp)