CHIẾN TRANH NHÂM THÌN. (6)
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
*kì trước kết thúc chiến tranh Nhâm Thìn lần 1.
Kì 6: Quay trở lại.
Rời xa Hàn Quốc, hãy cùng đến với lâu đài Osaka vào mùa thu năm 1596, tại đây, Hideyoshi đang chào đón nhóm phái viên tới từ Bắc Kinh. Các cố vấn của Hideyoshi đã làm ông chắc mẩm là đoàn ngoại giao Trung Quốc sẽ đến với thái độ nhún nhường kèm với các thỉnh cầu khiêm tốn. Ngược lại, người Trung Quốc lại tin rằng nhiệm vụ của họ sẽ là chứng thực sự thuần phục của Hideyoshi dành cho nhà Minh, thông qua chiếu sắc phong vua nước chư hầu. Mọi thứ rõ ràng hơn với tổng tài nước Nhật, khi các văn bản đàm phán được thông dịch bởi một nhà sư, trong này có đoạn: “Yêu cầu ngươi, Toyotomi Hideyoshi, phải tuân theo các yêu cầu thể theo mong muốn của chúng ta. Và để duy trì sự tồn tại của đất nước, phải luôn nghe theo mệnh lệnh của thiên triều.”
Sau đó, Hideyoshi nổi cơn tam bành. Ông quăng mũ miện, xé tan áo bào, những thứ được nhà Minh phong tặng. Người Trung Quốc bị tiễn về nước trong sự sợ hãi. Từ đây, cuộc tái xâm lược Hàn Quốc lại sắp diễn ra.
Sự trở lại này của người Nhật được phía Hàn Quốc gọi là chongyu jearan (chiến tranh Đinh Dậu), trong lần tái chiến này, phe Nhật tiến hành chậm nhưng bài bản hơn lần trước. Nhật Bản triển khai các hoạt động quân vận rầm rộ bắt đầu từ tháng 3 năm 1597, liên tục trong suốt mùa hè cho tới khi 141.490 lính tiếp cận bờ nam Hàn Quốc. Nhưng chúng chưa tiến sâu vào đất liền ngay mà sẽ chờ tới tận tháng 9 khi Hàn Quốc chuẩn bị vào kì thu hoạch, một tính toán chu đáo cho công tác hậu cần. Hơn nữa, tháng 9 cũng là lúc hạm đội hải quân đáng sợ của người Hàn năm xưa giờ đang trên bờ vực tan rã sẽ rời vùng biển phía nam, lúc đó quân Nhật sẽ không còn gặp chướng ngại vật khó chịu nào nữa cả.
Trong khoảng thời gian hòa bình giữa hai cuộc chiến, danh tướng Yi Sun-sin liên tục chịu lời gièm pha rồi bị buộc tội là kẻ bất tuân và hèn nhát, không dám chiến đấu. Một phần những rắc rối mà ông gặp phải, đến từ những chiến công vang dội của Yi trên biển trong nữa đầu chiến tranh Nhâm Thìn, đã khiến triều đình Hàn Quốc đặt quá nhiều kỳ vọng vào những trận hải chiến tiếp theo. Tuy nhiên, rõ là người Nhật đã thận trọng, e dè hơn và rồi chẳng còn chiến thắng nào diễn ra nữa. Đáng tiếc, vua quan Hàn không hiểu cho Yi Sun-sin. Cuối cùng, tin vào vài báo cáo thiếu chính xác của tướng Won Kyun, chỉ huy cánh hữu hải quân Kyongsang, người luôn bất đồng với Yi Sun-sin, bộ chỉ huy Hàn ra quân lệnh ép đô đốc Yi tấn công một nhóm quân Nhật thậm chí không tồn tại. Khi từ chối thực hiện chiến dịch ma này, ông đã bị cách chức vì tội kháng lệnh và sẽ phải đối mặt với tòa án binh vào tháng 3 năm 1597. Sau một tháng bị cầm tù và tra tấn, cuối cùng án tử treo trên đầu Yi cũng bị hủy bỏ. Ông ra tù ngày 16/5 và được áp giải về phía nam, làm lính dưới trướng Won Kyun, lúc này đã lên chức Tổng tư lệnh.
Ngày 26/6, Yi Sun-sin mở sách bói toán để dự đoán xem điều gì sẽ đến với Won Kuyn, kẻ thay thế ông làm chỉ huy tối cao của hải quân Hàn Quốc. Trong nhật ký của mình ngày hôm đó ông có ghi: “nước, sấm sét, và tai ương; Ông Trời đang chuyển mình, một điềm báo xấu.”
Chỉ hai tháng sau, ngày 20/8/1597, Won Kyun cùng hạm đội của mình thừa lệnh từ Seoul, tiến đánh hải quân Nhật Bản tại Seoul. Các tàu của ông dễ dàng bị đánh bật trở lại, buộc phải rút lui về eo biển Chilchon, dọc bờ biển phía bắc đảo Koje. Một tuần sau, quân Nhật đánh lớn, tiêu diệt hải quân Hàn và giết luôn Won Kyun. Tin bại trận nhanh chóng tới Seoul, và gần như ngay lập tức Yi Sun-sin được phục chức, trước khi ông kịp nhận ra, trong tay mình chỉ còn lại 13 chiến tàu.
Cuối cùng tháng 9 cũng tới, giờ đây các cánh đồng trên khắp Hàn Quốc đã bạt ngàn bông lúa trĩu cành. Theo kế hoạch, đã đến lúc các chỉ huy của Hideyoshi triển khai đổ bộ quy mô lớn. Chúng chia quân làm hai đạo, Tả quân đi theo hướng tây vào tỉnh Cholla, Hữu quân tiến sâu lên phía bắc. Mục tiêu đầu tiên của chúng là trấn Namwon, nơi 3.000 lính Trung Quốc và 1.000 lính Hàn đang thường trực đồn trú, đề phòng mọi cuộc tấn công. Tả quân quét sạch nơi này vào cuối tháng 9, sau đó tiếp tục phá hoại các vùng nông thôn phụ cận. Đến Namwon ngay sau thời điểm giao tranh, nhà sư kiêm bác sĩ Keinen đang phục vụ trong quân đội Nhật đã viết trong nhật ký của mình: “những con người duy nhất ở đó là những người đã chết, nằm rải rác trên khắp mặt đất. Sáng hôm sau, khi nhìn quanh thành, tôi thấy toàn thi thể chết đống dọc lề đường”.
Sự tàn phá kể trên chính xác là những gì Toyotomi Hideyoshi mong muốn, lần xâm lược này vì thể diện hơn là vì mục đích chinh phục. Ông muốn chứng minh cho người Trung Quốc thấy ông không hề sợ họ và cũng muốn cho người Hàn nếm mùi trừng phạt vì dám chống lại ông. Năm năm về trước, Hideyoshi tràn đầy tự tin chiến thắng, do đó, ông yêu cầu quân đội khoan hồng cho dân chúng nếu họ không cố gắng kháng cự và cướp bóc là không cần thiết. Nhưng lần này sẽ không có chuyện đó, Hideyoshi muốn lính của mình tàn sát cả quân lẫn dân Hàn Quốc và gửi bằng chứng liên tục về cho ông ta. Xét về khoảng cách địa lý, sẽ là không thực tế nếu dùng bằng chứng là những cái đầu. Thế nên, thay vào đó các võ sĩ của Hideyoshi chọn cách xẻo mũi nạn nhân, có thể tới 100.000 cái. Chúng được chuyển tới các trạm thu gom dọc miền nam Hàn Quốc và được đóng thùng, gửi về Nhật Bản thường xuyên.