CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.(3)
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
Kì 3: Bắt đầu phản công.
Tướng Zhao và quân đội của mình tiến đến Bình Nhưỡng trong cơn mưa như trút nước, rạng sáng ngày 23/8. Trời tối cùng cơn mưa giúp quân của Zhao che dấu được hành tung. Quân Nhật trong thành đã hoàn toàn mất cảnh giác. Tận dụng tối đa lợi thế đang có, Zhao điều quân của mình ồ ạt tiến vào cổng Chilsongmun (cổng bảy sao) vốn không được canh giữ. Binh lính của ông đã tràn ngập trong thành trước khi người Nhật kịp nhận ra. Ban đầu, các chiến binh của Koshini buộc phải xông xáo chém giết để tìm đường máu, trước khi chúng nhận ra quân Minh thực ra không quá đông. Chúng ổn định lại đội hình, rồi tản ra, khiến quân Minh phân tán bằng cách dụ họ đuổi theo chúng trên các con đường hẹp trong thành phố. Khi đã xé lẻ được đội của Zhao thành nhiều phần, quân Nhật tổ chức phản công. Thế là quân Trung Quốc, dù số lượng đông đảo hơn, nhưng trước hỏa lực rất mạnh của quân địch đã phải rút lui về phía cổng Chilsongmun, dọc theo hướng bắc.
Quả thật, Hideyoshi và các samurai của ông thực sự là mối đe dọa lớn với Trung Quốc. Điều này buộc Bắc Kinh phải gửi một binh đoàn có quy mô đáng kể tới Hàn Quốc. Tướng Li Rusong vừa trở về kinh đô sau thành tích chống Mông Cổ nổi bật, thừa lệnh lĩnh 35.000 quân chuẩn bị viễn chinh. Quân đoàn của Li vượt sông Yalu cuối tháng 1 năm 1593, chính thức tham gia chiến tranh Nhâm Thìn.
Trong khi đó, Nhật bắt đầu sa lầy tại Hàn Quốc. Để tiếp tục tiến lên phía bắc, lương thảo và quân tiếp viện phải sẵn sàng ở Bình Nhưỡng. Theo kế hoạch, hậu cần sẽ được triển khai bằng các chuyến tàu bắc tiến qua biển Hoàng Hải. Khi tàu chiến Nhật tổ chức thăm dò hải vực phía tây, nhằm tìm kiếm một tuyến đường qua vô số đảo và các eo biển, chúng đụng độ với đội hải quân nhỏ bé của Yi Sun-sin. Trong một loạt trận chiến mà sau này Yi gọi là “chiến dịch tàn sát”, ông đã hủy diệt 200 tàu Nhật mà thậm chí không mất một chiến tàu nào trong 50 chiếc ít ỏi của mình. Hạm đội của Yi Sun-sin chiếm thế thượng phong trong suốt mùa hè năm 1592. Vào tháng 10 cùng năm, ông tấn công thẳng vào sào huyệt thủy quân Nhật tại Pusan, với 500 chiến thuyền đang neo đậu. Người Nhật ngao ngán khi phải chiến đấu với hải quân Hàn trên biển, chúng rời tàu, leo lên bờ và hy vọng hỏa lực của mình có thể đánh đuổi Yi Sun-sin. Đạn của quân Nhật hiệu quả với bộ binh bao nhiêu thì vô dụng với vỏ tàu của đô đốc Yi bấy nhiêu. Kết thúc trận chiến tại Pusan, 130 tàu Nhật bốc cháy hoặc bị đánh chìm.
Người Hàn với tàu chiến chắc chắn hơn, được trang bị tốt hơn đã làm chủ chiến trường trên biển. Phổ biến trong hải quân của Yi Sun-sin là tàu panokson, hay tàu mái che. Đó là một con tàu được chế tạo đồ sộ, chắc chắn; chủ yếu chạy nhờ sức người, với phần boong tàu được tách làm hai phần riêng biệt dành cho các tay chèo ở phía dưới, và lính chiến ở phía trên. Nó nặng hơn bất cứ con tàu nào người Nhật từng sở hữu, được trang bị đại bác, thứ mà tàu Nhật không có. Đô đốc Yi còn sở hữu một loại tàu rất mạnh nữa, đó là tàu kobukson, hay tàu con rùa. Con tàu này trông như một phiên bản xe tăng trên mặt nước. Nhìn chung nó tương đồng với panokson ở nhiều điểm, nhưng phần sàn chiến đấu của kobukson được bao phủ bởi một mái nhà với hàng loạt thanh gỗ nhọn, trông như mai rùa vậy. Yi Sun-sin không sở hữu quá nhiều tàu kobukson: trong những tháng đầu cuộc chiến, ông chỉ có một chiếc, sau đó thì có khoảng ba tới năm chiếc. Kobukson gần như không xi nhê gì trước các đợt công kích của tàu chiến đối phương, nó sẵn sàng lao vào giữa vòng tàu địch đông đảo, để hạn chế khoảng cách và nả đại bác chính xác hơn.
Trong khi Yu Sun-sin giành liên tiếp thắng lợi trên biển, thì trên đất liền, quân dân Hàn cũng gấp rút chuẩn bị phản công. Từ mùa hè năm 1592, hai nhóm bộ binh được thành lập riêng biệt: lực lượng dân quân gọi là uibuyong, hay “nghĩa binh” và lực lượng “tăng binh” do nhà sư Huyjong lãnh đạo. Hai nhóm này kết hợp với quân triều đình, tổ chức chiến tranh du kích khiến quân Nhật phải lùi vào thành, không thể tự do hành quân cũng như rất khó khăn trong tìm kiếm lương thực.
Một trong những thủ lĩnh cầm đầu các nhóm du kích nổi tiếng nhất là một học giả thượng lưu tên Kwak Jae-u – Hồng y tướng quân. Ông dùng tiền của mình, để đài thọ cho một nhóm quân du kích nhỏ ở tỉnh Kyonsang, phía đông nam. Danh hiệu “Hồng y tướng quân” mà người đời gọi ông này, đến từ việc ông ra trận với chiếc áo được nhuộm bằng máu kinh nguyệt lần đầu của một cô gái trẻ. Ông tin rằng khí âm của người phụ nữ có thể đầy lùi được khí dương trong thuốc súng của kẻ thủ. Không biết có phải do chiếc áo không, nhưng ông thực sự sống sót sau cả cuộc chiến và chỉ chết vì tuổi già.
Ngày 5/2/1593, 60.000 lính Trung Quốc và Hàn Quốc tập trung sát Bình Nhưỡng, nơi điểm cực trong hành trình chinh phạt của người Nhật. Các tăng binh của Huyjong là những người tiên phong, họ tiến đánh một đơn vị Nhật đang giữ đồi Moranbong, cao điểm sát thành phố. Mất tới hai ngày đêm, cùng 600 người họ mới chiếm được mục tiêu. Sau đó, vào sáng ngày 8/2, Bình Nhưỡng bị bao vây, cuộc tấn công chính thức bắt đầu. Liên quân đông hơn nhiều quân Nhật trong thành, họ hoàn toàn áp đảo các tuyến phòng thủ ngoài và nhanh chóng áp sát tường thành. Quân của Konishi chưa đầu hàng, chúng lùi vào một pháo đài ở trung tâm thành phố, và cho thấy quyết tâm tử chiến.
Do hao phí nhân lực, Li Rusong ra lệnh cho quân mình rút lui. Trong thời gian tạm lắng, ông gửi thư tới cho Konishi: “Đội quân của ta dư sức tiêu diệt các ngươi, nhưng ta không muốn giết thêm nhiều mạng nữa. Do đó ta sẽ ngừng tấn công, chừa chổ cho ngươi rút lui”. Rõ ràng, đây là một lời đề nghị mà Konishi khó lòng khước từ, hắn đã mất 2.000 người và không thể chịu thêm tổn thất được nữa. Hắn đồng ý rút quân từ Bình Nhưỡng về Seoul. Tướng Li tập hợp quân của mình theo sát Konishi.
Li gặp phải trở ngại lớn ngay khi vượt sông Imjin, đó là quân đoàn số sáu được chỉ huy bởi Kobayakawa Takakage, đóng quân tại Pyokje, cách 15km theo hướng bắc Seoul. Kobayakawa là chỉ huy lớn tuổi nhất mà Hideyoshi cử sang Hàn Quốc, bỏ qua lời can ngăn của đồng đội ông quyết giành lại thành phố. Ông nói: “Các người ở dưới trường Hideyoshi, người chưa bao giờ biết mùi thua cuộc. Vậy nên các người chẳng biết gì thất bại, cũng chẳng biết chuyển bại thành thắng. Nhưng ta với kinh nghiệm già giặn, biết chỉ có tử chiến thì mới có thể chiến thắng. Giờ là lúc tìm sự sống giữa cái chết.”
Trận chiến Pyokje ngày 27/2 xứng đáng để Kobayakawa già nua tự hào. Với 20.000 người cộng với quân tiếp viện từ Seoul, ông đã đè bẹp quân Trung quốc trong một cuộc quần chiến của 61.000 người. Với số lượng người khủng khiếp chen chúc nhau trong một thung lũng hẹp, không đủ không gian cho các xạ thủ hỏa mai triển khai sở trường. Địa hình lầy lội cũng vô hiệu hóa luôn các kỵ binh Trung Quốc xuất sắc. Thế là kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào giáp chiến tay đôi, giữa một bên là các thanh đao cứng, hai lưỡi của người Trung Quốc với các thanh katana, cong, chỉ có một lưỡi nhưng sắc tới mức chém tận vào xương của người Nhật. Lực lượng của Li Rusong, cuối cùng buộc phải lui quân, bỏ lại phía sau xác của 1 vạn quân.