CHỈ QUÁN DUNG THÔNG

Sư ông Làng Mai

Thiền quán đi theo thiền chỉ như hình với bóng, hễ có chỉ là có quán. Tại vì khi để ý tới một cái gì đó thì tự nhiên mình thấy nó rõ hơn. Mà thấy rõ hơn tức là quán. Ban đầu mình chú ý tới hơi thở, chú ý quá thành ra thấy được hơi thở một cách rất rõ ràng. Từ hơi thở ta bắt đầu chú ý tới thân, rồi vì chú ý tới thân nhiều thành ra ta tập trung nơi thân, tập trung nơi thân thì thấy được chiều sâu của thân. Trong khi nhìn vào thân của mình, ta thấy rõ thân thể này chứa đựng cả thân của cha, thân của mẹ, thân của tổ tiên. Chúng ta có tổ tiên là con người, nhưng chúng ta cũng có tổ tiên là các loại động vật, và chúng ta cũng có tổ tiên thảo mộc và đất đá, tại vì con người xuất hiện muộn hơn nhiều loài khác ở trên thế giới. Ban đầu thì chỉ có những sinh vật đơn tế bào xuất hiện ở trong nước rồi từ từ mới có những sinh vật đa tế bào, các loài thảo mộc, rồi các loài động vật và lâu lắm, mãi sau này mới có con người xuất hiện. Cho nên chúng ta không chỉ có nguồn gốc từ con người mà còn có nguồn gốc từ các loại thực vật, động vật và khoáng vật nữa.

Khi chúng ta trở về tiếp xúc với hình hài của mình một cách sâu sắc thì chúng ta thấy tất cả tổ tiên đều ở trong mình, và mình chính là sự tiếp nối của tổ tiên, mà tổ tiên trẻ nhất là bố mẹ, ông bà mình. Nhưng mình không chỉ là sự tiếp nối của con người, mà mình còn là sự tiếp nối của các tổ tiên sinh vật nữa. Khi học về nhân chủng học, sinh học, lịch sử, khảo cổ học thì ta thấy những điều này rất rõ ràng.

Thấy được như vậy rồi thì ý niệm về một cái ngã, một cái ta riêng biệt có thể bắt đầu rã ra. Cái ý niệm về ta giống như một cái nhà tù, một khi bị kẹt trong cái nhà tù đó thì ta có rất nhiều khổ đau. Cho nên sự quán chiếu này giúp chúng ta vượt thoát khỏi ranh giới của nhà tù đó. Nó giúp ta thấy ta không phải là ta, ta là cha ta, ta là mẹ ta, ta là ông bà, là dòng họ, là cả tổ tiên của ta. Trên mặt lý thuyết, điều này có thể được hiểu một cách dễ dàng. Chúng ta có thể học điều đó tại trường, qua sách vở, nhưng đó mới chỉ là hiểu bằng trí năng, bằng lý luận thôi chứ chưa cảm, chưa thấy, chưa chứng thực được điều đó. Tiếp tục quán chiếu thì tới một ngày nào đó, cái thấy chín muồi và ta cảm thấy điều này rất là rõ ràng. Ta cảm thấy đó là sự  thật chứ không phải là điều mình học hỏi bằng trí óc nữa.

Thiền quán cũng vậy. Ta cứ tưởng mình là một cái ngã riêng. Ta quên rằng ngày xưa mình đã từng là bố mình, là mẹ mình, là tổ tiên của mình. Ta quên phắt đi cái giai đoạn đó. Ta tưởng mình là một cái gì hoàn toàn khác biệt. Ta bị cái ý niệm về ngã giam giữ nên cứ ôm khư khư khổ đau từ ấy đến nay. Trong lúc ngồi thiền chúng ta có những bài thực tập:

“Thở vào tôi nhận biết sự có mặt của bố tôi trong từng tế bào cơ thể của tôi, thở ra tôi mỉm cười với bố tôi trong từng tế bào cơ thể của tôi”.

Lần đầu tập như vậy có lẽ ta thấy hơi ngồ ngộ. Bố làm sao mà chui vào trong tế bào của mình được? Nhưng thực tập một hồi thì nó chín, mình bắt đầu thấy được chân tướng của bố. Bởi vì bố trong ý niệm của mình là cái ông ở ngoài mình và nhiều khi mình và ông ấy giận nhau, không buồn nhìn mặt nhau. Cái thấy của mình về bố hiện giờ cũng đang rất là cạn cợt. Có nhiều người sống với bố bốn mươi năm, năm mươi năm mà vẫn chưa biết bố là ai, và cũng không hề biết chính mình là ai. Mình rất chắc ăn, cứ tưởng mình biết mình là ai rồi, mình tưởng mình biết bố của mình là ai rồi, nhưng sự thật thì vẫn còn xa, còn xa lắm.

Như tôi đã kể, có lần tôi hỏi một sư cô:

– Trông ai mà quen vậy nhỉ? Con là ai, con là ai mà thầy thấy quen quen.

Sư cô đó trả lời:

– Dạ, con cũng không biết nữa, con không biết con là ai hết.

Nói rất là hay. Đúng là một cặp thầy trò. Thầy biết đùa mà trò cũng biết đùa lại, sư cô nói đùa lại với tôi, nhưng sư cô nói rất thật. Con không biết con là ai hết. Con chưa biết. Mình đang là hành giả, mình đang thực tập nhìn sâu. Mình là ai? Mình chưa biết mình là ai đâu! Mặc dù được nghe thầy giảng rất nhiều nhưng cái thấy biết của mình vẫn chỉ là trên mặt lý thuyết thôi. Phải trở về với hơi thở, phải nhận diện hình hài, phải thấy được cái tâm và phải bắt đầu nhìn cho sâu, càng nhìn càng thấy rõ, cứ nhìn cho sâu sắc và bền bỉ thì từ đó dần dần mới biết được mình là ai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *