Vertu được thành lập từ năm 1998 và là một phần của thương hiệu Nokia. Năm 2012, doanh nghiệp Phần Lan đã bán Vertu cho EQT. Đến năm 2015, Vertu được đổi chủ cho Godin Holdings (Trung Quốc). Tháng 3/2017, Baferton (Thổ Nhĩ Kỳ) mua lại hãng này. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, ông chủ Murat Hakan Uzan của Baferton thất bại trong việc cứu Vertu khỏi phá sản, khiến các nhà máy của Vertu tại Anh dừng hoạt động, khép lại 19 năm sóng gió của hãng điện thoại “sang chảnh” bậc nhất thế giới.
Sự thất bại của Vertu đã có thể dự đoán từ trước đó, khi mà thương hiệu này liên tiếp gặp phải những vấn đề về doanh số và tài chính. Mỗi lần rơi vào khủng hoảng, hãng lại được đổi chủ, tuy nhiên không có cái tiến đáng kể nào được tạo ra.
Có thể nói, thất bại của Vertu gói gọn trong hai chữ: khác biệt. Được mệnh danh là gã nhà giàu thích “chơi ngông”, Vertu tự đặt ra câu hỏi “Nếu tiền không phải là giới hạn, điện thoại có thể “chất” tới đâu?”. Với triết lý ấy, mọi chiếc điện thoại của hãng đều được chế tác từ những chất liệu tinh túy nhất, dưới bàn tay của những nghệ nhân hàng đầu.
Chết vì…quá đắt
Ra đời năm 1998, Vertu luôn được mệnh danh là gã nhà giàu của làng di động thế giới. Chính vì triết lý “Nếu người dùng có thể bỏ ra hàng chục ngàn USD để mua 1 món trang sức, tại sao không thể bỏ ra số tiền tương tự để mua 1 chiếc điện thoại di động?” mà các sản phẩm của thương hiệu này luôn có giá vài ngàn, thậm chí là vài chục ngàn USD. Với mức giá trên trời đó, Vertu cực kì kén khách hàng, thực tế chỉ có doanh nhân thành đạt hay những tay chơi thích khoe của mới “dám” sở hữu thương hiệu này. Hệ quả tất yếu, khi smartphone ra đời thì tệp khách hàng của Vertu đã ít nay càng tiệm cận về không. Với định vị khách hàng “sang chảnh”, nguồn vốn để sản xuất 1 chiếc điện thoại ở mức vài ngàn USD, không dễ gì cho Vertu có thể xoay chuyển cục diện trong 1 sớm 1 chiều, và sự sụp đổ là không phải bàn cãi.
Chết vì…quá lỗi thời
Vertu vẫn được biết tới như 1 thương hiệu có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất thế giới, nhưng về mặt chuyên môn, Vertu lại gây thất vọng với hệ điều hành và hệ thống quá…lỗi thời. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – thế nhưng Vertu quá tập trung vào “nước sơn” mà quên đi mất cái cốt lõi là “gỗ”. Các trang công nghệ lớn nhất thế giới như Wired hay The Verge thậm chí gọi những mẫu điện thoại của Vertu là “sản phẩm vô vị” và “hạn chế về công nghệ”. Trong thời đại công nghệ 4.0, tin tức luôn được cập nhật thường xuyên, smartphone nhờ đó mà lên ngôi, Vertu lại quá bảo thủ trong việc phát triển công nghệ và phần mềm. Liệu có 1 doanh nhân nào vung tiền để mua 1 sản phẩm chỉ biết “nghe – gọi” giữa thời đại số này?
Chết vì…quá khác biệt
Từ khi sinh ra, Vertu luôn muốn xây dựng 1 thương hiệu khác biệt, nhưng chính sự khác biệt đó đã đi ngược lại với xu thế phát triển và tạo nên cái kết buồn cho thương hiệu này. Suốt lịch sử, điện thoại di động luôn được cải tiến sao cho tiện nghi nhất, đa năng nhất thì Vertu vẫn cố giữ cho mình cái…lỗi thời, phần mềm và ứng dụng không khác nào của 15 năm về trước. Khi thế giới phát triển dây chuyền sản xuất để giảm giá thành, Vertu vẫn trung thành với việc lắp ráp thủ công tốn kém. Khi ngày càng có nhiều sản phẩm điện thoại phù hợp với mọi giai cấp, mọi lứa tuổi thì Vertu vẫn 1 tôn chỉ nhắm tới giới thượng lưu trong xã hội. Có thể nói, đó là sự khác biệt mà thương hiệu này đã cất công gây dựng, nhưng Vertu đã sai khi cố chấp giữ lấy cái giá trị không còn phù hợp với thời thế. Người ta thường nói “khác biệt hay là chết”, còn đối với Vertu, họ chết vì quá khác biệt!
P/s:
Tuy Vertu đã tuyên bố phá sản năm 2017 nhưng ông chủ của hãng vẫn được phép sử dụng thương hiệu Vertu cùng với các công nghệ và giấy phép thiết kế của hãng điện thoại này.
Tháng 10/2018, Vertu bất ngờ quay lại thị trường thông qua việc trình làng mẫu điện thoại mới Aster P tại Trung Quốc.
