Cham: Đôi điều cùng bạn đọc
Khi nhìn thấy Aw Kamei (Áo dài Cham) tôi choáng váng, xây sẩm mặt mày. Cái gì đang đập vào mắt mình thế này? Và tại sao lại là như thế? Đi tìm những nghiên cứu về Aw Kamei và Áo Dài cũng có một số bài. Nhưng… dường như người viết không dám tiến sâu hơn vì e… tổn thương người Việt?
Cho nên ở chừng mực nào đó tôi cảm nhận được tâm lý của người đọc khi tôi cho rằng trong Việt có rất nhiều Cham.
Cham góp phần cố định vững chắc context Đông Nam Á của Việt Nam (Khái niệm từ Giáo sư Trần Quốc Vượng). Từ ngực trở lên ta là context Đông Bắc Á (Tầu) nhưng từ ngực trở xuống ta lại là context Đông Nam Á. Cái đó làm nên Việt Nam.
Thưa cùng bạn đọc, thưa bác Mõ Tám Nguyễn!
Bài viết đến giờ mới được 15 tiếng trên nhóm, nhưng đã có rất nhiều tương tác. Động viên khuyến khích có, phản biện (dữ dội) có và cả cà khịa cũng có luôn. Tôi cho thế là thành công. Thành công ở điểm người viết đã tổng hợp những kiến thức mình có được và viết lại một cách đơn giản, dễ đọc nhất.
Vẫn xin nhấn mạnh rằng: Thông tin trong bài có thể đúng, có thể sai.
Vì sao bài viết lại tồn tại cùng lúc thứ đối kháng nhau như vậy?
Trước hết là kiến thức nền về Cham của đại đa số người Việt ta không nhiều (trong đó có tôi). Đôi khi những nhận thức về Cham còn bị chi phối áp đặt bởi ý thức mình là “Bên thắng cuộc” . Thứ hai là có rất nhiều các quan điểm, nhận thức khác nhau về Cham.
Nghiên cứu hiện đại đầu tiên về Liên Bang Champa các vấn đề lãnh thổ, văn hóa phong tục, phải kể tới các học giả như: Georges Maspero với cuốn Lịch sử vương quốc Champa (tiếng Pháp, xuất bản năm 1928), Gs. Ts. Pièrre-Bernard Lafont với cuốn Champa với Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử và việc thành lập Trung tâm Lịch sử và Văn Minh bán đảo Đông Dương (1968), …
Có thể nói họ là người mở lối, tiên phong để “phục hưng” văn hóa, văn minh Cham mới khuất lấp, lãng quên chưa lâu. Nguồn sử liệu mà họ có được là cổ sử Việt, Trung, Bi Ký, các ghi chép của thời thương mại tự do trên Biển Đông (Đông Ấn Hà, Bồ,…) tài liệu điền dã…
Ở Việt Nam có: Giáo sư Lương Ninh (ở khoa Sử trường Nhân Văn Hà Nội – ông được coi là vị giáo sư hàng đầu nghiên cứu về Cham và Phù Nam). Tú Trung Hồ, Đổng Thành Danh (nick name Danh Đổng), bác Inra Sara một Cham và rất yêu Cham.
Cham hải ngoại cũng có những nhóm nghiên cứu của mình, thành tựu và công hiến lớn nhất phải kể tới Pgs. Ts. Po Dharma (một cựu Fulro).
Còn rất nhiều những nhà nghiên cứu khác mà bằng sự hạn hẹp của mình tôi không biết hết, chưa thể đọc hết những công trình của họ.
Nghiên cứu về Cham cũng có “nội chiến”. Sau sự tiên phong của Viễn Đông Bác Cổ và Trung tâm Lịch sử và Văn Minh bán đảo Đông Dương thì có phái Xét Lại. Rồi lại có Tân Xét lại, tức là đi xem lại việc đúng sai của cả hai dòng nghiên cứu trước đây. Lại có nhóm Copenhagen.
Trong một trăm năm lớp trước đè lớp sau, sách ra, luận ra nhiều khi xung đột, chỉ trích nhau gay gắt. Thực khiến người ta hoang mang.
Riêng cái Lâm Ấp cũng tranh cãi rất dữ. Nào là Lâm Ấp là gì? Là Cham hay Môn Khờ Me, nào là Lâm Ấp có phải là Indrapura không, rồi thậm chí là có hay không Indrapura?
Rồi cái bia Võ Cạnh cũng cãi nhau dữ dội, nào là của Cham hay của Phù Nam hay của ai ai đó!
Khổ nhất là Georges Maspero bị mắng chửi tơi bời bởi các ông Xét Lại, Tân Xét Lại. Nhà sử học Michael Vicker công kích Michael Vicker rất dữ dội. Mặc dù Georges Maspero đã thành thiên cổ và chẳng đối chất được.
Đấy tơi bời hoa lá thế mà Cham lại kỳ ảo lung linh vừa gần gũi vừa lẩn quất mơ hồ. Nên thực sự tôi không thể đủ hết kiến thức mà phán định đúng sai.
Tìm Cham, xin với bạn đọc bỏ đi cái tâm thức Sovanh, dân tộc chủ nghĩa, bình thản và khách quan để phán định vấn đề. “Ta là Bá Lạp Đồ, Ta là Khang Đức… thánh hiền là ta, ta là thánh hiền” – Phan Sào Nam: Khổng Học Đăng
Nhẹ lòng nghe dân ca Cham nhé!