CHA MẸ CÓ NÊN NÓI CHO CON BIẾT TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH THỰC SỰ CỦA GIA ĐÌNH KHÔNG?

Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, chắc lớp 5 gì đó, hàng tháng khi mẹ tôi nhận lương, mẹ sẽ đặt tiền lên bàn và viết vào một tờ giấy: Tiền ăn uống… tiền điện nước.. tiền tiết kiệm bao nhiêu đó, nếu còn dư thì mẹ sẽ đưa tôi một ít gọi là tiền tiêu vặt, nếu không dư thì thôi.
Tôi cũng không bao giờ đòi mua những thứ linh tinh, nếu lúc nào thực sự muốn mua gì đó, tôi sẽ nói với mẹ, lúc đó mẹ sẽ lấy tờ giấy đó ra, tính một hồi xem có thể chắt chiu được từ khoản nào ra không, nếu được thì tôi sẽ mua, còn không được thì tôi không mua nữa.
Tôi cũng ghen tị vì bạn bè đều có có đồ ăn ngon, có đồ chơi đẹp, nhưng tôi không nghĩ mình phải có nó, vì tôi biết mẹ đã làm lụng rất vất vả để chăm lo cho gia đình, tôi cũng rất rõ về số tiền dùng để chi tiêu cho gia đình hàng tháng, từ lâu mẹ tôi đã nói rằng số tiền tiết kiệm được chỉ dùng khi có chuyện khẩn cấp hay chuyện lớn chứ không phải để tôi tiêu xài hoang phí.
Sau này khi thu nhập của mẹ tôi tăng lên, gia đình cũng trở nên khá giả hơn, mẹ cũng cho tôi thêm tiền tiêu vặt, bà nói: “Nuôi con không thành vấn đề, cho con ăn học cũng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng con nhớ cho mẹ, con phải cố gắng học tập, không được phung phí tiền bạc, nhà mình không có tiền để làm chuyện đó”
Tôi luôn chuyên tâm học hành, trải qua cuộc sống của một nữ sinh bình thường, tôi ý thức rất rõ về chuyện tiền bạc, không tiêu tiền một cách bừa bãi.
Một lần nọ tôi về nhà nghỉ lễ, tôi có xách theo một chiếc balo mới, cũng không phải brand cao cấp gì, giá tầm 300 tệ, mẹ hỏi mua ở đâu thì tôi bảo mua từ tiền tiết kiệm tiêu vặt. Mẹ tôi mới bảo: “Con muốn mua gì thì nói với mẹ, nếu được thì mẹ sẽ mua cho con, con không được nhận lung tung đồ của người khác, con biết không? Còn nữa, đừng lấy tiền ăn để mua, mẹ nuôi con được mà” Tôi nói vậy mẹ mua cho con chiếc túi Chanel nhé, mẹ hỏi nó là cái gì, tôi bảo đó là cái túi 2 vạn tệ. Mẹ liền bảo: “Thôi những lời vừa rồi coi như không tính, mẹ không nuôi nổi con”
Sau này mẹ kinh doanh phất lên, tôi cũng bắt đầu đi làm, mẹ sẽ nói cho tôi biết mẹ có bao nhiêu tiền, nói xong thì bảo: “Con đã lớn rồi, tiền của mẹ không liên quan gì đến con nữa” Ôi vậy là chúng ta đã cùng nhau vượt qua khó khăn, nhưng giờ đây không thể sung sướng? Mẹ tôi nói: “Nếu khoảng cách giàu nghèo quá lớn thì không tiện để cùng hưởng sung sướng đâu”
Sau này công việc làm ăn thất bát, mẹ hết tiền, rồi thị trường khởi sắc và mẹ lại kiếm được tiền, những chuyện này tôi đều biết hết, số dư thẻ ngân hàng bà ấy cũng nói với tôi. Khi mẹ có tiền, lúc nào mẹ tặng quà cho tôi tôi cũng vui vẻ, khi mẹ cần tiền gấp, tôi cũng dứt khoát đưa hết tiền tiết kiệm của mình cho bà ấy. Nếu bà ấy không nói gì với tôi, làm sao tôi có thể chia sẻ với bà ấy đắng cay ngọt bùi?
Bây giờ tôi cũng có một cô con gái. Khi con học mẫu giáo, tôi đã nói với con rằng nhà chúng ta có bao nhiêu tiền, còn đổi sang số kem KFC để con bé dễ hiểu, vì con bé không có khái niệm số lớn hơn 100, chỉ biết nhà mình rất giàu vì có thể mua rất nhiều kem. Dần dần tôi nói cho con bé biết mỗi tháng nhà mình phải chi bao nhiêu tiền, chi tiêu những gì, để có được số tiền đó, tôi phải làm việc vất vả thế nào..
Khi con 5 tuổi, con và tôi đang ăn quán mì gần nhà, chủ quán nói 12 tệ 1 tô, con tôi mới bảo: “Đắt quá đi, hôm qua cháu ăn mì có 8 tệ thui” Nói xong còn quay đầu sang hỏi tôi: “8 tệ ít hơn 12 tệ đúng không mẹ?” Chủ quán vui vẻ, nói rằng nhà ông ấy bán mì bò, sẽ cho con bé thêm nhiều bò hơn. Đúng thật, khi chủ quán mang tô mì ra, họ đã cho con tôi nhiều bò hơn những người khác.
Con bé tự giữ tiền lì xì của mình, cất hết vào ngăn bàn, năm nay tôi đếm thì thấy số tiền đã lên tới hơn 5.000 tệ, tôi đưa một chiếc thẻ ngân hàng cho con bé rồi dẫn con bé đi gửi tiết kiệm. Con bé hỏi: “Sao tiền của con lại viết tên mẹ vậy? Rồi có thành tiền của mẹ không ạ?” Tôi mới nói: “Thì mật khẩu là ngày sinh của con đó” Con bé bảo lại “Mẹ biết mật khẩu của con mà, tên cũng là tên của mẹ” Sau đó con bé lấy cái thẻ bỏ vào túi, nói muốn cầm thẻ. Tôi nói: “Vậy thì mẹ sẽ đem căn cước ra và bảo với cô ngân hàng là mẹ bị mất thẻ, vậy là mẹ lấy lại tiền được rồi. Nhưng mẹ sẽ không động vào tiền của con nếu không có sự đồng ý của con đâu”. Con bé phải hỏi tôi mấy lần mới dám tin tưởng.
Con bé nói muốn tiết kiệm tiền để học đại học, tôi nói sẽ trả tiền học đại học cho, con bé nói lớn lên muốn mua một chiếc máy tính, tôi nói khi nào con vào đại học sẽ mua cho con. Con bé nói lớn lên muốn mua nhà, thôi riêng chuyện này tôi không giúp được, nhà này là của tôi, con bé phải mua nhà cho riêng mình.
Con bé rất thờ ơ với tiền. Một lần rửa bát được 5 tệ, một tháng kiếm được 20 tệ là không rửa nữa, bảo đủ tiền rồi. Có lần đi siêu thị, tôi hỏi con bé có muốn mua gì không? Con bé suy nghĩ một lúc rồi nói không, cuối cùng cũng chẳng mua gì cả. Con bé cũng hay mời bạn bè uống sữa chua, mua đồ ăn ngon ở cửa hàng bánh ngọt gần trường thì lúc nào cũng mua cho tôi một phần. Một hôm tôi nói tôi mệt quá không muốn làm gì cả, con bé chạy vội về phòng lấy thẻ đưa cho tôi, bảo: Mẹ nghỉ làm đi, tiền của con cho mẹ hết”
Tôi nghĩ rằng tình hình kinh tế của một gia đình thực sự liên quan đến mỗi người, mọi người trong gia đình đều có quyền được biết, nếu không muốn nói cho con cái biết thì bạn không tin tưởng con mình đến mức nào?
Những người che giấu sự nghèo khó của gia đình và muốn con mình yên tâm sẽ không thể che giấu được nữa, trừ khi họ có thể nhanh chóng thoát nghèo và trở nên giàu có. Khi con cái cần đi du học, mua nhà và tiêu tiền, những đứa trẻ biết được sự thật sẽ không còn vô tư nữa.
Những người che giấu sự giàu có của mình và không dám mua đồ chơi, đồ ăn vặt cho con, thậm chí bỏ lỡ luôn các chuyến đi chơi của con, khi những đứa trẻ đã bỏ lỡ tuổi thơ vô tư, chúng chợt nhận ra rằng gia đình chúng có tiền và có thể mua được những đồ chơi và đồ ăn vặt đó, vậy con sẽ vui hay buồn?
Khi bạn cố gắng giới hạn bản thân vì cho rằng mình nghèo khó, bạn tưởng mình đang gánh vác trách nhiệm gia đình giúp bố mẹ, nhưng cuối cùng bạn phát hiện ra đó chỉ là lời nói dối, điều này không chỉ khiến bạn buồn mà còn tức giận.
Đừng cho rằng mọi thứ sẽ diễn ra như chúng ta mong đợi.
Đừng đánh giá quá cao bản thân và cũng đừng đánh giá thấp con cái.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *