Đây là cây cảnh gợi nhớ tuổi thơ của không ít người. Ngày xưa, khi hàng xóm láng giềng nếu không cách nhau bằng “rặng mùng tơi xanh rờn” thì rất có thể là 1 rặng dâm bụt tốt tươi, nở hoa rực rỡ.
Ý nghĩa của cây cảnh dâm bụt
Khi dâm bụt còn chúm chím nụ, nhiều đứa trẻ đều thích rút hoa để mút mật ngọt dưới đáy hoa. Chút xíu ngọt ở đầu lưỡi trong tuổi thơ vô tư như vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi và trong ký ức của nhiều người.
Dâm bụt là cây cảnh cực kỳ dễ trồng, dễ sống nên nhiều gia đình chỉ cần cắt cành, giâm xuống đất là ít lâu sau có cả bụi dâm bụt lớn.
Màu hoa sặc sỡ, xốn xang của nó cũng in đậm trong nỗi nhớ quê hương của những người xa quê.
Tuy nhiên, trong quan niệm của nhiều người Việt, dâm bụt (vì có chữ “dâm”) nên có ý nghĩa không được hay ho lắm, cho rằng dâm bụt giống như những cô gái “lẳng lơ”, không đứng đắn, thiếu chung thủy.
Do đó, họ không coi trong cây cảnh này, e ngại trồng cây cảnh này trong nhà, chỉ trồng ở cổng hoặc làm hàng rào.
Ở nhiều nước, cây cảnh này cũng có ý nghĩa rất khác nhau. Tùy theo mỗi quốc gia và đặc điểm nền văn hóa, hoa dâm bụt thể hiện mỗi ý nghĩa khác nhau.
Ở quần đảo Hawaii, hoa dâm bụt gắn liền với bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc, hoa thường được những cô gái trẻ cài trên tóc để thể hiện tuổi trẻ và sắc đẹp.
Ở Malaysia, hoa râm bụt chính là quốc hoa, người Malaysia mượn 5 cánh hoa để thể hiện cho 5 triết lý của đất nước.
Trung Quốc: mang nhiều màu sắc rực rỡ, ý nghĩa hoa dâm bụt tại quốc gia tỷ dân tượng trưng cho danh vọng và vinh quang.
Bắc Mỹ: tượng trưng cho người phụ nữ và người vợ hoàn hảo.
Nhưng trong phong thủy, với hình dáng của hoa dâm bụt, người ta ví nó như lọng che của Phật. Và vì thế, trong phong thủy, hoa dâm bụt thể hiện phúc lành và bình an cho gia đình. Đặc biệt, sắc đỏ của hoa cũng cho thấy sức sống dồi dào và sự may mắn.
Ngoài ra, ý nghĩa của loài hoa này còn tùy theo màu. Dâm bụt màu trắng thể hiện sự tinh khiết và nữ tính như vẻ đẹp của người phụ nữ;
Màu vàng là sắc màu tươi sáng là biểu tượng của hạnh phúc và niềm vui đầy lạc quan; Màu tím là màu của sự chung thủy khi thể hiện qua hoa dâm bụt lại mang ý nghĩa huyền bí, đẳng cấp và thể hiện một điều phi thường;
Màu đỏ là sắc màu phổ biến nhất của hoa dâm bụt, tượng trưng cho đam mê, tình yêu và sự lãng mạn; Màu hồng bày tỏ ý nghĩa của tình bạn và tình thân.
Song song với những ý nghĩa hoa dâm bụt ở góc nhìn phong thủy và tinh thần, hoa còn mang đến nhiều ứng dụng phổ biến và hữu ích trong cuộc sống.
Trong đông y, tất cả các bộ phận của cây dâm bụt đều có thể trở thành một vị thuốc với nhiều tác dụng tốt. Lá dâm bụt có thể giảm nhanh các cơn cảm lạnh và ức chế của phụ nữ trong kì kinh nguyệt, giúp giải độc, làm sạch da
Vỏ rễ cây dâm bụt có thể làm thuốc điều kinh, tẩy máu và rửa mụn nhọt, còn hoa dâm bụt dùng làm trà thanh nhiệt, chữa một số bệnh như tiểu đường, hạ sốt, ngăn ngừa rụng tóc…
Đặc điểm của cây cảnh dâm bụt
Dâm bụt có tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis L thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae), tên tiếng Anh là Rose – mallow, Chinese hibiscus hoặc Chinese rose) còn có nhiều tên gọi khác như bông bụt, bông lồng đèn, mộc cận, chu cận, đại hồng hoa, phù tang, phật tang…
Cây cảnh này có nguồn gốc từ Trung Quốc, hiện đã được lan rộng ra trên thế giới, không chỉ các nước châu Á mà châu Âu, châu Mỹ đều ưa thích cây cảnh khỏe mạnh, rạng rỡ này.
Ước tính có hơn 200 loài được biết đến trong chi dâm bụt (Hibiscus) và hàng trăm giống cây trồng và giống lai khác.
Cây cảnh dâm bụt thuộc dạng cây thân gỗ, phân nhánh nhiều, lá cây màu xanh, viền có răng cưa, lá mọc xen kẽ nhau.
Hoa dâm bụt có thể nở quanh năm nhưng thường nở rộ từ tháng 5-7 hàng năm, hoa nở đã xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông đón một mùa hè ấm áp, tràn ngập ánh nắng.
Những bông hoa có nhiều màu sắc khác nhau như màu vàng, đỏ, hồng, cam, tím…đua nhau khoe sắc.
Hoa dâm bụt to mọc đơn ở từng nách lá, những cánh hoa nhẹ nhàng mang màu sắc trẻ trung, tươi tắn. Hoa dâm bụt có thể có cánh đơn hoặc cánh kép, có loại hoa to như cái bát nhưng có loại nhỏ hơn.
Cũng có 1 số hoa dâm bụt cánh xẻ, hướng xuống bên dưới được gọi là “dâm bụt lồng đèn”. Dù có vẻ đẹp rực rỡ nhưng hoa dâm bụt héo rất nhanh, nở vào buổi sáng và mỗi lần nở chỉ kéo dài 1 ngày, khép lại và héo vào buổi tối.
Có lẽ vì vòng đời ngắn ngủi mà loài hoa này đã phô diễn hết sức màu sắc và vẻ đẹp viên mãn của mình. Mỗi bông hoa có vòng đời ngắn nhưng may mắn thay cây cảnh ra hoa rất khỏe, do đó, bạn có thể liên tục được nhìn thấy hoa dâm bụt nở.
Mật hoa này rất ngọt nên thu hút khá khá lượng chim ruồi lượn lờ xung quanh để hút mật ngọt khiến cho sân nhà bạn càng thêm xinh đẹp, sống động.
Cách trồng cây cảnh dâm bụt
Cây cảnh àny rất dễ sống và không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật trồng. Theo laidbackgardener, để giúp cây cảnh phát triển tốt nhất, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
Ánh sáng
Cây cảnh dâm bụt cần nhiều nắng mới phát triển tốt. Vào mùa đông, hãy đặt hoặc trồng cây cảnh này ở nơi có nhiều ánh nắng nhất mà bạn có, có thể là vị trí hướng về phía Nam.
Khi mặt trời bắt đầu gay gắt hơn vào mùa xuân, nếu là cây non, bạn có thể che nắng cho chúng, ít nhất là vào những giờ nóng nhất trong ngày. Nhưng vào bất kỳ mùa nào, cây cảnh sẽ luôn cần ánh sáng rực rỡ để nở hoa tốt.
Tưới nước
Trong khi cây cảnh dâm bụt của bạn đang phát triển tích cực, hãy tưới nước thật nhiều ngay khi thấy đất khô nếu là cây cảnh trong chậu.
Tùy thuộc vào điều kiện trồng trọt, kích thước của chậu và kích thước của cây, có thể thực hiện thường xuyên 4 ngày một lần hoặc không thường xuyên là 2 tuần một lần.
Nếu cây cảnh trồng ở sân vườn cũng nên thường xuyên tưới cho cây 1-2 lần mỗi ngày vào mùa nóng. Đừng để lá héo vì thiếu nước.
Nếu lá cây bị héo, cây vẫn có thể phục hồi, nhưng mỗi lần héo, cây cảnh sẽ mất nhiều lá và nhiều nụ hoa hơn. Nếu cây của bạn liên tục héo, có thể rễ cây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiệt độ
Mặc dù cây cảnh này có thể chịu được nhiệt độ thấp, tới -1-2 độ C, tuy nhiên chỉ được 1 thời gian ngắn là chúng sẽ bị chết cóng. Để giữ cho cây phát triển tốt, nó cần nhiệt độ trên 10 độ C.
Dù là cây cảnh nhiệt đới nhưng dâm bụt cũng không chịu được nhiệt độ khá cao. Ở nhiệt độ trên 32 độ C, nụ hoa của nó có thể bị rụng. Do đó, trong đợt nắng nóng, có thể nên di chuyển chậu đến một vị trí râm mát hơn, mát hơn hoặc che nắng cho cây cảnh.
Độ ẩm
Tránh để cây cảnh dâm bụt tiếp xúc với không khí khô, nguyên nhân chính khiến nụ rụng mà nhiều người làm vườn trong nhà phàn nàn.
Không khí khô cũng khiến lá của cây cảnh này bị vàng và nhiễm côn trùng. Do đó, nên thường xuyên phụ nước cho cây cảnh khi không khí khô vào mùa đông.
Bón phân
Cây cảnh này là có nhu cầu dinh dưỡng cao. Nó thích được bón phân thường xuyên. Nhưng vào mùa đông, ở nơi có nhiệt độ thấp thì nên dừng bón phân từ tháng 10 đến cuối tháng 2 để cây phát triển chậm lại.
Còn trong mùa cây sinh trưởng và ra hoa, hãy bón phân thường xuyên cho cây cảnh.
Thay chậu
Nếu cây cảnh của bạn trồng trong chậu thì cần thay chậu sau 2-3 năm trồng. Việc chậu quá chật sẽ làm giảm lượng hoa của cây cảnh.
Thời điểm thay chậu tốt nhất là cuối mùa đông (cuối tháng 2 hoặc tháng 3).
Cắt tỉa
Rất nhiều người làm vườn ngần ngại cắt tỉa cây cảnh này vì nó nở hoa ở đầu cành. Do đó, rõ ràng là việc cắt tỉa sẽ luôn loại bỏ một số bông hoa sắp nở.
Trên thực tế, sẽ mất vài tháng để các cành được cắt tỉa mới bắt đầu ra hoa. Tuy nhiên, nếu cây cảnh này không được cắt tỉa, nó sẽ phát triển lòa xòa, vô tổ chức, sẽ mất đẹp, kém duyên.
Nếu bạn có điều kiện phát triển lý tưởng: ánh sáng cao, độ ẩm cao, nhiệt độ vừa phải đến ấm áp thì cây dâm bụt của bạn có thể nở hoa quanh năm.
Vì thế, đừng ngần ngại cắt tỉa cây rnh để kích thích ra cành mới và ra hoa. Kết quả của việc cắt tỉa có chọn lọc này là cây cảnh của bạn sẽ nở hoa quanh năm mà chiều cao vẫn được kiểm soát.