Cấu trúc quản trị của Đế quốc La Mã là gì và nó bền vững đến mức nào?

Mình gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin thực về vấn đề này. Mình có nghe rằng La Mã đã từng là một nền cộng hòa ở một thời điểm? Có phải nó luôn được gọi là một Đế quốc [Empire] do các Caesar [Hoàng đế La Mã] cai trị? Ngoài ra, có vẻ nhiều người tin rằng nó là Đế quốc giáp cuối, chỉ sụp đổ vì sống quá lâu. Do đó, mình muốn hỏi thêm các thông tin và chi tiết đúng. Nó thực sự bền đến mức đó sao? Đã bao giờ nó là nền cộng hòa? Liệu nó có từng có một cấu trúc đế chế, và nếu có thì đế chế đó soán đoạt nền cộng hòa hay sao, hay nền cộng hòa là một bộ phận của nó?
Mình xin lỗi trước nếu đây là một câu hỏi khó trả lời, nhưng bản thân mình tìm câu trả lời đã rất mệt.


Đây là một câu hỏi cực kỳ khái quát và rộng mở. Thật lòng thì nếu muốn biết, bạn nên đọc vài cuốn sách hoặc bài viết dẫn nhập về La Mã cổ xưa thì tốt hơn.
Tuy nhiên, vì bạn đang bối rối nên chắc có lẽ tài liệu nào cũng chỉ làm bạn thêm rối mà thôi, vì chúng đều cần một lượng kiến thức nền nhất định. Do đó, để giúp bạn xuất phát, dưới đây là một cái nhìn không thể tổng quan thêm nữa:
Vương quốc La Mã
Theo chính người La Mã, La Mã được thành lập vào năm 753 TCN và xuất thân là một vương quốc nhỏ bé, một thành bang [city-state] được cai trị bởi một quốc vương, người này lại được cố vấn bởi một hội đồng lão thành gọi là Viện Nguyên lão [Senate]. Vào giai đoạn sơ kỳ, họ bị thống trị bởi những lân bang lâu đời và hùng mạnh hơn, đó là người Etrusci, và các quốc vương La Mã trở nên bạo ngược hơn, truyền đến vị vua cuối cùng là Tarquinius Superbus thì người anh hùng Brutus lật đổ nền quân chủ, La Mã trở thành một nền cộng hòa [republic].
Lịch sử này có bao nhiêu phần thực sự đúng, điều đó vẫn còn đang được tranh luận. Dù vậy, các học giả vẫn đồng tình rằng những quốc vương đầu tiên của La Mã là thuần túy huyền thoại, La Mã thực tế ra đời muộn hơn. Hầu hết nghĩ rằng các vị vua đời sau đã từng tồn tại. Dù sao thì chúng ta biết rằng La Mã là một nền cộng hòa ở đâu đó từ thế kỷ V CN trở đi.
Nền cộng hòa La Mã
Đúng vậy, La Mã cổ xưa là một nền cộng hòa. Nhưng nó chưa phải “đế quốc La Mã” ở giai đoạn này: đó chỉ là một trong số nhiều thành bang ở Italia [địa phận tương đương với bán đảo Ý ngày nay], dấy binh với những lân bang. Theo thời gian, nó thống trị vùng xung quanh và qua chiến tranh với người Etrusci và Gaul ở phía Bắc, cùng người Hy Lạp ở phía Nam, nó đã dành quyền kiểm soát toàn bộ Italia. Từ đây, nó xung đột với người Carthage (xem: Hannibal) từ Bắc Phi, rồi đến các vương quốc Hy Lạp ở vùng phía Đông Địa Trung Hải. Từ việc chinh phục tất cả vùng đất này, La Mã trở thành một đế quốc theo nghĩa hiện đại của từ này: Một nhà nước cai trị trên một địa giới bao la và thống trị nhiều tộc người. Nhưng về mặt chính trị, nó vẫn theo chế độ cộng hòa.
“Cộng hòa” nghĩa là gì vào thời bấy giờ? Đó thật ra là một câu hỏi hóc búa. Đại khái là La Mã tổ chức bầu cử hằng năm. Qua những cuộc bầu cử này, nó chọn các chính sự quan [magistratus] nhằm quản trị thành phố, thực hiện nhiều công vụ khác nhau, đồng thời phục vụ trên cương vị tướng quân của quân đội La Mã. Vào sơ kỳ, các quan chức đắc cử cao nhất (chấp chính quan [consul] và pháp vụ quan [praetor]) sẽ lãnh đạo quân đoàn. Sau đó, khi Roma đã chinh phục những vùng biên viễn, họ sẽ điều các chính sự quan ra để làm quan tổng đốc [governor] kiêm tướng lĩnh ở các tỉnh, nhưng chỉ sau khi mãn nhiệm kỳ chuẩn mực. Tức là ban đầu, họ sẽ phục vụ cho La Mã với vai trò chấp chính quan hoặc pháp vụ quan, rồi thuyên chuyển sang một tỉnh, nơi họ lãnh đạo một quân đoàn và đốc chính nhân danh La Mã.
[Magistratus là từ chỉ chung các chức vụ công quyền ở La Mã, hoặc cũng dùng để chỉ một vị magistratus hành pháp tối cao. Mình thấy wiki tiếng Trung dịch là ‘chính vụ quan’, xin tham khảo và sửa đổi thành ‘chính sự quan’ cho dễ hiểu]
Mọi công dân nam giới La Mã đều có thể tham gia vào những cuộc bầu cử này, nhưng La Mã không phải một nền dân chủ như Athens cổ xưa. Hệ thống bầu cử bị gian lận khá nhiều để có lợi cho giới tinh hoa. Dù vậy, bầu cử vẫn rất quan trọng và người La Mã có quyền và đã nêu bật lên chí hướng của mình. Công dân La Mã còn có thể trực tiếp bầu chọn cho pháp luật, tuy bản thân họ không thể đề xuất các điều luật (một chính sự quan sẽ mang điều luật đến trước dân chúng và họ có thể bầu có hoặc không). Nói lại, chế độ này thực chất cực kỳ phức tạp.
Ngoài ra còn có Viện nguyên lão, đây là một thuật ngữ mà chắc hẳn bạn đã từng nghe đến. Viện nguyên lão không phải được bầu cử nên, các nguyên lão sẽ phục vụ trọn đời (thường là vậy) và hầu như chỉ toàn các cựu chính sự quan đắc cử. Về lý thuyết, họ đóng vai trò cố vấn, nhưng trên thực tế, thanh thế vời vợi đã đem lại cho họ rất nhiều quyền lực.
Chế độ này đã khá trơn tru cho đến thế kỷ I TCN, khi một chuỗi các cuộc nội chiến làm cho toàn bộ hệ thống sụp đổ. Lý do và cách thức là quá phức tạp, không thể bàn đến ở đây, nhưng có thể nói đã có nhiều thời kỳ vô chính phủ lặp lại, khi các mãnh tướng giành quyền kiểm soát nhà nước và điều quân chống lại những người khác. Caesar là một trong số đó, cũng như những Pompey, Marius và Sulla. Anthony, thường được biết đến từ quan hệ với Cleopatra, cũng là một trong số đó.
Cuối cùng là Gaius Octavius, người sau đó cải danh thành Augustus, và là người mà chúng ta nhớ đến trên cương vị hoàng đế La Mã đầu tiên. (ngài cũng là con nuôi của Julius Caesar và đã lấy tên theo đó, từ đó ra đời thuật ngữ “các Caesar”)
Đế quốc La Mã: Nguyên thủ chế [Principate]
Theo hiểu biết thường thức, Augustus đã lập lại trật tự bằng cách chiếm đoạt quyền kiểm soát trực tiếp với nhà nước và quân đội: ông trở thành hoàng đế và La Mã trở thành một đế quốc, được cai trị bởi một người duy nhất, đó là hoàng đế.
Tất nhiên, chuyện phức tạp hơn thế. Chính Augustus nhận rằng mình chỉ là một công dân đang cố phụng sự nhà nước, là người đã hao tâm tổn sức để cứu vớt và phục hồi nền cộng hòa. Ông tự phong bản thân là “đứng đầu trong số đồng cấp” hay “princeps”, từ đó khai sinh cái tên Principate [Nguyên thủ chế]. Đây chỉ là lời tuyên giáo mà thôi, nhưng không hoàn toàn sai sự thật. La Mã vẫn tổ chức bầu cử, dù hoàng đế đôi khi có thể “tư vấn” người thắng cuộc. Viện nguyên lão được giữ nguyên và các nguyên lão tiếp tục trở thành những nhân vật quan trọng nhất của đế quốc, thường xuyên phụng sự với vai trò tướng lĩnh quân đội và tổng đốc ở các tỉnh. Tuy nhiên, bây giờ, hoàng đế có quyền tối cao.
Tóm lại là đế quốc sơ kỳ là một chế độ kiềm chế và đối trọng, khi mà hoàng đế nắm hầu hết quyền lực nhưng vẫn chia sẻ nó cho thiết chế cộng hòa xưa cũ.
Đó là thời kỳ mà hầu hết mọi người coi đó là “Đế quốc La Mã” và nó có nhiều đặc điểm mà chúng ta biết đến nhiều nhất. Đó là thời của các quân đoàn La Mã [legion], là khi Đấu trường La Mã [Colliseum] được xây nên. Đó là cái thời có những con người muôn màu muôn vẻ như Nero và Caligula.
Đế quốc La Mã: Chúa tể chế [Dominate]
Chế độ này kéo dài đến thế kỷ III CN, khi một chuỗi những cơn khủng hoảng đã đe dọa đến sự tồn vong của đế quốc (và đã thành công trong một thời điểm). Ngoại xâm, dịch bệnh, khủng hoảng ngân sách và kinh tế cùng với những nội chiến liên miên đã tàn phá đế chế. Có thời mà trong vòng 50 năm, đã có đến trên dưới 30 hoàng đế lên ngôi, và nhiều kẻ tiếm vị khác đã toan đảo chính hoặc dấy loạn, và đã không thành công.
Rốt cuộc, một nhóm các hoàng đế quân nhân từ vùng Balkan, gọi là “hoàng đế quân doanh” [barracks emperor], đã xoay xở được việc lập lại trật tự và tái chinh phục những phân mảnh của đế quốc từng bị chia cắt. Chế độ trỗi dậy từ đây được gọi là Chúa tể chế [Dominate], khá khác biệt so với tiền thân.
Tóm gọn: Đây là đế quốc La Mã mà không có bình phong cộng hòa tàn dư. Đây là một nhà nước tập quyền hơn, có hệ thống quan liêu lớn mạnh hơn, và một hoàng đế nay chắc chắn đã trở thành chúa tể và chủ nhân của toàn thiên hạ. Do đó có cái tên “chúa tể”, từ dominus nghĩa là “chúa tể”. Hãy tưởng tượng kiểu hoàng đế mà bạn quỳ rạp và hôn lấy vạt áo đi, thay vì kiểu người sẽ ngồi xuống đàm đạo cùng viện nguyên lão, với các “nguyên lão đồng chí” lần này đến lần khác.
Chế độ tập quyền này đã vận hành khá trơn tru và La Mã có một thời thịnh vượng và uy quyền mới, nhưng một hiệu ứng phụ thú vị là nó chỉ thực sự trơn tru khi có hoàng đế cạnh bên mà thôi, là do quyền lực rất tập trung. Họ đã giải quyết điều này bằng cách lập ra nhiều hoàng đế cùng một lúc, từ đó khủng hoảng ở một trong hai nơi sẽ không làm chế độ lụi bại. Điều này rốt cuộc dẫn đến sự chia cắt đế quốc thành Đông và Tây La Mã, tuy sự phân chia này không mang tính chính thức và chưa bao giờ có ý vĩnh viễn, vào nhiều đợt, đế quốc còn tái thống nhất dưới một hoàng quyền duy nhất.
Đế quốc Byzantine
Theo lịch sử thường thức, đế quốc La Mã sụp đổ vào năm 478, khi hoàng đế Tây La Mã cuối cùng bị phế truất. Sự sụp đổ của đế quốc La Mã lại là một đề tài tranh luận lớn khác.
Nhưng dù sao, phần phía Đông của đế quốc La Mã vẫn sống tiếp, thọ bằng thời Chúa tể chế. Những cuộc chinh phục của người Ả Rập rốt cuộc sẽ chiếm nhiều phần của phía Đông cựu đế quốc La Mã, nhưng những người La Mã vẫn trụ lại ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến khi bước vào thời trung đại. (1204 hoặc 1453 CN, tùy thuộc vào cách bạn tính).
Hầu hết sử gia hiện đại gọi đế quốc Đông La Mã trung đại này là “đế quốc Byzantine” và lịch sử của nó có thể (và đã) lấp đầy một thư viện nhỏ toàn là sách.
Kết luận
La Mã có bền vững không? Những điều rút ra được từ bình luận này là:
La Mã đã sống rất rất lâu. Khoảng 1000 đến 2000 năm, tùy thuộc vào cách bạn tính. Đó là một tuổi thọ rất cừ.
La Mã đã thay đổi RẤT NHIỀU vào thời gian này. Nếu bạn sống ở Constantinople trong đế quốc Đông La Mã trung đại vào năm 1100, bạn có một môi trường hoàn toàn khác so với khi sinh sống trong nền cộng hòa La Mã sơ kỳ vào 400 TCN. Nhưng nghĩ sao chứ, cũng 1500 năm rồi mà.
Phải, nó từng là một nền cộng hòa. Phải, nó từng là một đế quốc. Phải, nó từng lật đổ nền cộng hòa. Phải, nền cộng hòa là một phần của nó.
Nếu bạn muốn biết thêm… Chà, bạn có thể dành cả đời để học.
Nếu bạn không muốn dành cả đời, mình mong rằng bình luận này ít nhất đã giúp bạn hiểu được thêm chút gì đó.


Để làm rõ một vài điều:
1) La Mã không có một hiến pháp thành văn
Không phải là họ không biết đến khái niệm hiến pháp thành văn: các thành phố nhỏ hơn do người La Mã sáng lập đôi khi cũng có. Nhưng người La Mã tin rằng cái thể hữu cơ truyền thống và luật bất thành văn có một sức nặng cổ truyền và đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của nhà nước, do đó không cần phải viết thành văn.
Tuy vậy, có khá nhiều điều luật riêng lẻ giúp quản trị vài phần của nó…
2) La Mã không có “thượng” hay “hạ” viện
Hay bất kỳ viện nào. Chúng đều là những khái niệm hiện đại.
Khi bạn nghe đến thuật ngữ “Senate”, đừng nghĩ đến lưỡng viện Hoa Kỳ hiện đại. Thay vào đó, hãy coi như có một câu lạc bộ của bất kỳ cựu tổng thống và cựu thành viên nội các còn sống đi, thêm vào một số lãnh đạo tôn giáo, họ ngồi với nhau tranh luận về mọi thứ mà chính quyền đương nhiệm làm, rồi ra sắc lệnh. Nhưng đương kim tổng thống có thể bỏ qua những lời can gián nếu muốn.
Dù vậy, viện nguyên lão [senate] vẫn kiểm sát một số thứ (chẳng hạn như bổ nhiệm tổng đốc đến các tỉnh) và về thực tiễn có thể và đôi khi đã giành quyền kiểm soát.
Thay vì các viện, đã có những hội nghị bầu cử. Vào mạt kỳ cộng hòa, đã có một đống cơ quan như thế, nhưng quan trọng nhất vẫn là Hội nghị bách đội [Comitia Centuriata] và Hội nghị địa khu [Tributa Populi], dân chúng tụ họp theo bách đội [nhóm 100 người] và địa khu. Thành viên trong đấy đều là mọi công dân nam La Mã trưởng thành.
Còn có Tributa Plebis hay hội đồng của giới bình dân [Plebeian], là mọi công dân nam La Mã trưởng thành mà không phải thế gia [patrician]. Họ làm những việc như bầu cử hộ dân quan bình dân [tribune of the Pleb] (nhưng chú ý rằng đến mạt kỳ cộng hòa, sự tách bạch giữa thế gia với bình dân hầu như là vô nghĩa)
3) Hộ dân quan quân sự [military tribune] phục vụ trong quân đội khi còn ở cấp thấp. Hộ dân quan bình dân là một quan chế dân sự [civilian magistracy] quan trọng.
Mỗi quân đoàn có 6 hộ dân quan quân sự phục vụ dưới quyền tổng đốc. Ban đầu, họ được bổ nhiệm bởi viện nguyên lão, nhưng sau đó, các hộ dân quan bình dân bầu cử 2/3 trong số họ. 6 người này thường là những người đàn ông rất trẻ.
Hộ dân quan bình dân được lập nên sau sự biến “Xung đột Trật tự” [Conflict of the Orders] (là sự xung đột giữa thế gia với giới bình dân trong thời cộng hòa sơ kỳ nửa thần thoại) và vốn để bảo vệ giới bình dân khỏi sự lạm dụng quyền lực bởi các chính sự quan thế gia. Vào mạt kỳ cộng hòa, bản thân họ đã là những chính sự quan quyền thế và có tầm ảnh hưởng, với quyền lực đề xuất dự luật đến hội đồng địa khu và quyền lợi phủ quyết mọi chính sự quan khác.
4) Đã có nhiều cuộc phủ quyết, nhưng không phải ai cũng làm được
Mỗi nhiệm kỳ của nhà nước La Mã được nắm bởi ít nhất 2 người, được cho là do sự bất tín sâu sắc của người La Mã với nền quân chủ. Do đó, đã có hai chấp chính quan. Mỗi chấp chính quan có thể phủ quyết đồng liêu và các chính sự quan thấp hơn. Và có 10 hộ dân quan bình dân, người có thể phủ quyết mọi người trừ độc tài quan [dictator]. Họ còn có thể phủ quyết những thứ khác như các điều luật đang được hội đồng bầu cử.
Chi tiết thêm xin xem John A. North, The constitution of the Roman Republic, in Rosenstein & Morstein-Marx A companion to the Roman Republic.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *