Có những cách nào để vượt qua được trầm cảm?
*Câu trả lời là kể chuyện, không liên quan đến câu hỏi. Nhưng đáng đọc để biết người trầm cảm ra sao.
A: Sunny Kumar – 06/06/2019
Nguồn: https://qr.ae/pNy662
Khi trước, tôi có gặp được một cô gái. Chúng tôi ngay lập tức thích nhau. Những tin nhắn dần dà biến thành những cuộc gọi, và từ những cuộc gọi chúng tôi đã gặp gỡ nhau thật thường xuyên.
Em nói với tôi rằng suốt một năm qua em đã ở một mình để hết lòng chuẩn bị cho kì thi CAT (Kì thi chuẩn hoá trên máy tính để tham gia các chương trình học quản trị sau đại học ở Ấn Độ, thang điểm từ -100 đến 300 – ND).
Nhưng em chỉ được 94 điểm. Với mức điểm của một học sinh phổ thông như vậy, em không thể nhận được bất kì cuộc gọi nào từ những Viện đào tạo quản trị tại Ấn Độ (IIM) hay bất kì ngôi trường danh giá nào khác.
Đầu tiên tôi nghĩ có lẽ em sẽ ổn hơn khi thời gian trôi đi nhưng không, tất cả trở nên tồi tệ. Em nói với tôi rằng trong suốt một năm qua em đã làm đổ vỡ tất cả những mối quan hệ của mình và hiếm khi nói chuyện với gia đình. Những thứ em làm trong khoảng thời gian đó chỉ là đi đến văn phòng và chuẩn bị thi CAT.
Phải lâu lắm rồi thì em mới cởi mở với ai đó. Và tôi thực sự lo lắng cho em. Đôi khi đang nói chuyện thì tự nhiên em khóc, đôi khi chúng tôi tranh cãi chỉ vì những lí do ngớ ngẩn. Thậm chí có lúc, khi tôi đang ở cạnh bên thì em lại mải mê với dòng suy nghĩ của riêng mình.
Em hoàn toàn tan vỡ sau khi biết điểm thi CAT. Hầu hết thời gian, em sẽ kể cho tôi rằng em đã làm cha mẹ thất vọng như thế nào, làm thế nào mà em trở thành một kẻ thất bại. Tôi chỉ đơn thuần nghĩ đó là một giai đoạn khó khăn, nhưng nó lại sớm biến em thành một người trầm cảm.
Mỗi khi chúng tôi ở bên nhau, tôi sẽ cố làm em vui hơn một chút, cố diễn những trò đùa vụng về để khiến em có thể mỉm cười. Nhưng tôi đoán là từ tận sâu tâm hồn em đã vỡ vụn, thứ gì đó nhiều hơn cả những nỗi buồn em bày tỏ với tôi. Tôi khuyên em nên đi gặp bác sĩ và em có miễn cưỡng đi, nhưng không có tác dụng gì cả. Có những ngày, em hét vào mặt tôi mà không vì lí do gì cả, và tôi sẽ chỉ lắng nghe thôi, vì tôi biết em đang trải qua những gì.
Trong giai đoạn này, chúng tôi ít gần gũi nhau hẳn. Tôi chưa bao giờ muốn đụng chạm thể xác với em nhưng trong một phút yếu lòng, tôi đã đánh mất đi lý trí. Mọi chuyện có vẻ như diễn ra khá tốt đẹp cho đến một ngày em bỗng nhắn tin cho tôi, nói rằng tôi đã lợi dụng tình trạng này của em chỉ để thoả mãn nhu cầu của bản thân. Toàn thân tôi tê cứng lại. Tôi không thể tin được những gì em đang nói khi chính em là người bắt đầu chuyện này.
Tôi nói với em rằng em đang không ổn và chúng tôi nên nói chuyện vào ngay hôm sau nhưng em lại chặn cả số điện thoại và những tài khoản mạng xã hội của tôi. Tôi đã cố để liên lạc nhưng tất cả đều vô ích.
Rồi một ngày tôi nhận được cuộc gọi từ em, em khóc rất nhiều và xin lỗi vì cuộc trò chuyện trước đây của chúng tôi. Em nói rằng em đã làm gia đình mình thất vọng nhiều lắm, và không thể ngưng tự đổ lỗi cho bản thân. Em còn nói đây là lần cuối cùng em nói chuyện với tôi và em cần thời gian để giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống của mình. Tôi thậm chí đã khóc và có phần tự trách mình vì những thứ mà em phải trải qua. Rồi em nói tôi đừng bao giờ gọi hay gặp lại em nữa. Em cần thời gian để chữa lành.
Rồi em ngắt cuộc gọi.
Sau đó, tôi không bao giờ nói chuyện hay gặp lại em nữa. Tôi cũng chỉ mong em sống một cuộc đời vui vẻ hơn. Tôi ước rằng mình đã chăm sóc em ấy tốt hơn. Tôi ước em hiểu rằng IIM, IIT không phải là con đường duy nhất để thành công. Tôi ước…
(Cho những ai đổ lỗi cho cô ấy: Bố mẹ em yêu cầu em phải vào được IIM bằng bất cứ giá nào, không được thấp hơn. Họ không bao giờ hỏi em có ổn không, mà thay vào đó sẽ là “Chuẩn bị thi như thế nào rồi?”, hay nói với em rằng nếu không đỗ em sẽ bị xã hội phán xét suốt đời.)
Cho dù lí do thế nào đi nữa, trầm cảm đã ép con người ta phải hành động vô cùng cực đoan.
Tái bút: Anku thương mến của anh, nếu em đọc được những dòng này, xin hãy nhớ rằng anh luôn ở bên cạnh, sẽ làm bạn đồng hành của em trên suốt chặng đường đời.