Liệu ngành Y có phải là ngành học dài nhất, đắt nhất và có tính đòi hỏi cao nhất?
—————————————————————–
Trả lời: https://qr.ae/pNs0El
Robert Frantz, Cử nhân, Bác sỹ ngành Động vật học, Y học và sức khoẻ, Đại học Oklahoma
Trước hồi còn ở trường Y, tôi từng là học sinh của một giáo sư nổi tiếng với những buổi đứng giảng cực kì truyền cảm hứng và say mê, như thể là một màn trình diễn nghệ thuật vậy. Những bài giảng của ông trong thời kì định hướng cho chúng tôi thực sự rất mạnh mẽ và xúc động. Một trong số những bài giảng đó có tên “Nghe chừng các em muốn trở thành bác sỹ?”. Trong buổi giảng hôm đó, vị giáo sư đó đã dội một gáo nước lạnh (theo nghĩa bóng) lên một dàn các sinh viên trẻ ưu tú đầy hãnh diện. Ông dảo bước qua lại trên bục giảng, so sánh độ khó giữa ngành Y với các ngành học khác. Ông nói rằng phần lớn các ngành khoa học khác khó hơn ngành Y rất nhiều. Ông nói rằng những người có bằng kĩ sư cấp cao thường là sẽ thông minh hơn bác sỹ rất nhiều. Ông cười khẩy và nói rằng đừng nghĩ chúng tôi là cái gì đó đặc biệt. Ông phá tan cái tư tưởng rằng để vào được trường Y là khó hơn tất cả các trường khác và rằng để được vào học thú y là còn khó hơn vào trường Y nhiều. Ông đánh dấu những ngành cần có thời gian học dài hơn ngành Y; “chẳng hạn tất cả những ngành tiến sỹ bên STEM (Science, Technology, Engineering and Maths) hay thú y và nhiều hơn nữa”. Chỉ sau 10 phút đầu vào thôi, tất cả chúng tôi đều đã dập tắt cái ý nghĩ rằng mình đặc biệt thế nào. Ông ấy liền nhìn vào mắt chúng tôi và hỏi “vậy thì ngành Y thực sự khó ở đâu?”
Ngay lập tức, ông quay phắt 180 độ, thay đổi hoàn toàn tính cách và nhìn thẳng vào một sinh viên đang ngồi ở hàng ghế đầu. Mặt ông ấy cau có lại và dí thẳng vào mặt cô sinh viên ấy và hét lên “Đồ con đĩ. Mày để con tao chết. Làm sao mà mày có thể là một bác sỹ được cơ chứ? Tao ghét mày, tao ghét mày. TAO GHÉT CẢ HỌ NHÀ MÀY”. Cô sinh viên đó hoảng hốt co rúm lại và trong tích tắc, cơn giận dữ của ông ấy biến mất. Ông đưa tay ôm lấy mặt mình và khóc. Chẳng ai có thể nghe rõ ông đang nói gì bởi ông ấy thực sự khóc tu tu như một đứa trẻ. Ông kể về căn bệnh ung thư mà người vợ 50 năm của mình mắc phải với 2 hàng nước mắt lăn dài trên gò má. Ông ấy nài nỉ chúng tôi phải cứu lấy bà ấy, hoặc chí ít là làm nguôi đi cơn đau quằn quại mà bà ấy đang phải chịu đựng. Ông quỵ luỵ trước chúng tôi phải làm mọi cách, kể cả khi là phải giết chết bà ấy. Trong khi chúng tôi còn đang lúng túng không biết làm thế nào, ông ấy nằm lăn ra đất, bó gối và khóc thảm thiết. Một số sinh viên lúc đó cũng đã rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy cảnh ông ấy lăn qua lăn lại trên nền đất sũng nước mắt. Và rồi một cách chậm rãi, ông đứng lên và gạt nước mắt. Ông nhìn xuống hai lòng bàn tay của mình và khạc một bãi nước bọt vào chúng! Ông làm thêm một phát nữa. Ông hít một hơi thật mạnh với toàn bộ chỗ đờm dãi từ phía sau xoang mũi của mình và nhổ toẹt một lần nữa vào tay. Ông nhổ thêm phát nữa. Sau khoảng 5, 6 lần gì đó, ông quay lòng bàn tay của mình cho chúng tôi xem và ôi thôi, chúng đều nhầy nhụa cái thứ đờm dãi trắng đục kinh tởm đó. Và…. ông liếm lòng bàn tay của mình. Quá tởm!
Ông ấy nói với chúng tôi rằng, đến một lúc nào đó trong quá trình học của mình, chúng tôi sẽ làm thất vọng một bệnh nhân hay một gia đình nào đó. Và rằng chúng tôi sẽ cảm thấy thực sự có lỗi và hối hận kể cả khi đó không phải là lỗi của chúng tôi. Chúng tổi sẽ cảm thấy sợ hãi, kinh tởm hay thực sự lạc lối và không biết mình sẽ nên làm như thế nào. Chúng tôi sẽ cảm thấy khó khăn để kiểm soát cảm xúc của bản thân. Chúng tôi sẽ được chào đón bởi những niềm hạnh phúc bất tận, hoặc cũng có thể là những sự đau đớn tột cùng, hoặc phần lớn là những thứ chúng tôi không được phép nhắc đến. Và những gì ông ấy nói với chúng tôi hôm ấy chính xác 100%!
Vậy thì liệu ngành Y có phải là ngành dài nhất, tốn kém nhất và có đòi hỏi cao nhất? Có lẽ là không. Nhưng nó lại có thể có những thử thách khá là độc đáo đó.
—————————————————————-
*Lưu ý của người dịch: Ở mỹ, ngành Y học ở cấp độ graduate, tức là sau đại học hay cao học. Sinh viên muốn học Y sẽ phải học các môn tiền-Y (pre-med) ở cấp đại học (bachelor degree) trước rồi sau đó sẽ apply vào học Y. Cái này giống với các ngành thuộc bậc tiến sỹ khác, sinh viên học bằng ĐH rồi sau đó apply vào học cao học Master hay Tiến sỹ (PhD). Ngành Y ở Mỹ thường sẽ bao gồm 4 năm học thực sự ở trường, và sau đó là 3-7 năm làm residency (hay còn gọi là bác sỹ thực tập, tức là bạn sẽ làm việc và học tập từ thực hành ở bệnh viện, được trả lương như một bác sỹ v..v..). PhD ở Mỹ có thể kéo dài từ 3 năm trở lên, và có thể kéo dài đến 10 năm miễn là có tiền và tuỳ thuộc vào giáo sư giảng dạy của mình. Nhiều lab đòi hỏi sinh viên PhD của mình phải có ít nhất 2 công bố khoa học đứng tên đầu (first author) mới cho tốt nghiệp. Sinh viên PhD cũng nổi tiếng là làm việc quá thời gian và lương bổng không được trả thêm, khác với bác sỹ có thể được trả overtime. Ở UK, Y được dạy ở cấp đại học, kéo dài 5-6 năm, với 2-3 năm đầu là học kiến thức trên trường và 3-4 năm cuối là làm bác sỹ thực tập ở bệnh viện. Ngành Y ở UK được bảo đảm 100% việc làm sau khi tốt nghiệp do họ có chính sách của NHS (National Health Service) và được lương rất cao, lên đến 120,000 bảng/năm ở cấp senior. Các ngành STEM thì ĐH kéo dài 3-4 năm, và PhD cũng kéo dài từ 3-4 năm, và nghiên cứu sinh PhD ở UK cũng rất khó khăn do làm việc quá thời gian và không được trả lương quá thời gian. Cấp bậc cao nhất cho PhD sau này là Giáo sư ở một ĐH hay viện nghiên cứu nào đó, và những giáo sư này phần lớn cũng sẽ là những người sẽ giảng dạy cho các sinh viên STEM và Y khoa tương lai.