CÂU CHUYỆN KINH TẾ GIA ĐÌNH

Mình và chồng mình gặp nhau tại Mỹ qua em gái mình (chồng mình là đồng nghiệp tại công ty cũ của em gái). Bọn mình gặp nhau thấy tâm đầu ý hợp nên hẹn hò luôn. Hẹn hò sau 1 năm thì cưới. Đến giờ bọn mình đã cưới nhau được gần 1 năm và vừa mua nhà để về “chung một nhà” được hơn 3 tháng rồi. Đây là những phương châm về tài chính của chúng mình. 

1. Phương châm có qua có lại:

Từ khi hẹn hò, mặc dù đi ăn đi chơi chồng mình luôn tranh trả tiền, thậm chí hay có trò “lén” đưa thẻ cho người phục vụ trước khi bill tới để mình không có cơ hội “tranh” bill. Nhưng mình luôn nghĩ, ở đời không nên nhận không từ người khác cái gì, họ cho mình cái gì thì đừng để có cảm giác “nợ” họ. Từ nhỏ mình đã được dạy – nợ vật chất là nợ ít, nợ ơn mới là nợ nhiều. Vật chất không được trả thì ta đang mang nợ ơn nên ai cho mình cái gì thì kiểu gì mình cùng phải trả ơn bằng cách này hay cách khác. Chính vì vậy nên nếu chồng mình (lúc chưa cưới) mời mình bữa ăn thì mình luôn tặng lại anh ý một bữa mình tự nấu. Chồng mình tặng quà thì mình cũng phải tìm cách tặng quà giá trị tương đương. Bây giờ cưới nhau rồi thì tặng nhau những cái lớn lao hơn. Mình mua nhà ở Việt Nam thì anh ý mua cho chúng mình cái nhà ở Mỹ. Phương châm nhận luôn đi kèm cùng cho đi giúp chúng mình đến với nhau một cách chân thành nhất. 

2. Thảo luận về tiền bạc từ sớm

Cả mình và chồng mình đều đi lên từ tay trắng nên chúng mình đều hiểu tiền chỉ là công cụ nhưng ta phải biết cách sử dụng công cụ đó một cách thông minh để nó không chi phối ngược lại mình. 

Một cách để không để đồng tiền chi phối là chọn một người bạn đời có mức độ tự chủ và phương châm tài chính tương đương. Ví dụ người sởi lởi thì nên chọn người cũng sở lởi, tiết kiệm thì nên đi cùng tiết kiệm. Còn chúng mình đều là những người yêu tự do nên mục đích lớn nhất của chúng mình là kiếm đủ để thu nhập thụ động từ những tài sản của chúng mình có thể trang trải lối sống mình muốn, để mình có thể tự do theo đuổi đam mê. Nhưng nếu một hộ gia đình mà một người chắt chiu còn người kia tiêu sài xả láng thì con đường dẫn đến viễn cảnh “nghỉ hưu sớm” sẽ dài hơn gấp mấy lần phải không nào. 

Chính vì vậy từ những ngày đầu hẹn hò chúng mình đã thảo luận về “chủ trương kinh tế” của nhau xem có phù hợp không để không làm tốn thời gian của nhau. 

3. Quản lý tài chính trên cơ sở minh bạch chứ không phải kiểm soát:

Chồng mình từ hồi 24 tuổi đã là kỹ sư cấp độ E5 của Facebook. Check nhanh trên trang glassdoor thì có thể thấy mức lương cho cấp độ này là $500k/năm (và tăng đều mỗi năm), chưa tính cổ phiếu FB mấy năm gần đây lên vù vù. Một người dưới 30 với mức thu nhập đó như chồng mình thì lựa chọn để yêu đương không hề thiếu nhưng chính vì vậy anh cũng không dại gì chọn một cô gái xinh đẹp nhưng lại chỉ muốn lợi dụng anh về tài chính. 

Khi gặp anh thì về kinh tế của mình cũng không hề kém cạnh nhưng mình lại sống khá tiết kiệm mặc dù có thể “bung lụa” hơn. Điều đó khiến anh nể và tôn trọng mình hơn. Chính vì vậy khi anh đưa ra quyết định dù nhỏ hay lớn cũng hỏi ý kiến của mình và nói chung là rất “nghe” mình. Mình thì không có thời gian “quản tài chính” cho anh vì mình và anh đều dùng công ty quản lý quỹ đầu tư riêng nhưng mọi tài khoản ngân hàng, chứng khoán, crypto, v.v… anh đều đưa mình mật khẩu. Nói chung là tin nhau nhưng niềm tin luôn đặt trên cơ sở của sự minh bạch. 

4. Luôn cho đối phương cảm giác an toàn, vững chãi. 

Cuộc sống không thể nói trước được điều gì. Hôm nay ta có thể vững mạnh về kinh tế nhưng đến các tập đoàn lớn còn có thể phá sản thì nói gì đến “con dân” như chúng ta, nhất là ở thời kỳ nhiều khủng hoảng như bây giờ. Nhưng điều mình quý trọng nhất về mối quan hệ của chúng mình là chúng mình đều sẵn lòng support (yểm trợ) về kinh tế cho người kia. Nếu giả sử chồng mình muốn nghỉ việc để làm start-up hay mình muốn ở nhà để nuôi dạy con cái gì cả 2 đều có “quỹ dự phòng” cho gia đình. Điều này khiến cho cả 2 đều rất an tâm khi biết chúng mình đều là hậu phương vững chắc của nhau. 

Thực ra đúng là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Mình cưới chồng “tây” nhưng mình cũng không được “nuôi”, được “ngồi mát ăn bát vàng” đâu 

. Nên đừng nghĩ là cứ Tây là sẽ chăm cho hết nhé. Thậm chí ở bển họ còn được học về quản lý tài chính từ trong gia đình nên họ “khôn” lắm chứ chính ra văn hoá chồng là trụ cột tài chính mình thấy ở Việt Nam phổ biến hơn rất nhiều.

** Tái bút sau khi đọc được các bình luận của các thành viên:

Cảm ơn các bạn đã ủng hộ cũng như đưa ra nhiều góc nhìn thú vị mà mình có thể học được rất nhiều từ đó. Mình xin phúc đáp một số ý kiến ở đây để không phải đánh lại nhiều lần 

.

1. Quan điểm vợ chồng không nhất thiết phải sòng phẳng, vợ ở nhà chồng nuôi chẳng có gì sai:

Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Mình luôn ngưỡng mộ những người vợ, người mẹ tần tảo đôn đốc việc nhà, chăm bẵm nuôi dạy con cái tường tận. Đối với mình, không việc gì khó hơn việc làm một người mẹ tốt, và người phụ nữ như vậy xứng đáng được chồng mình hiến dâng cả thế giới ở chân cô ấy. Chỉ vì ở thời điểm này công việc là ưu tiên của mình không có nghĩa là khi có con mình không muốn ở nhà để bên cạnh con suốt ngày 

2. Không phải cứ ngang hàng về tài chính mới có tiếng nói:

Đúng vậy. Cái này thì tuỳ thuộc vào quan điểm, văn hoá, nguyên tắc của mỗi gia đình. Chỉ vì mình nói về trường hợp nhà mình không có nghĩa đó là chân lý. Mình biết rất nhiều gia đình chồng kinh doanh, vợ ở nhà quản tài chính cho chồng. Người kiếm, người giữ. Và đó đều là những gia đình thành đạt, hạnh phúc, người vợ có tiếng nói mặc dù ở nhà không đi làm. 

Mình luôn tôn vinh và quý trọng phụ nữ cho dù họ là người của công việc hay người của gia đình, cho dù họ thích được xông pha hay được bao bọc. Nên đừng vì mình tả về cuộc sống mình mà lại nghĩ mình không coi trọng người có lựa chọn khác cho cuộc sống của họ nha hihi.

Nguồn: Yêu Bếp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *