(01)
Thư viện Anh vừa xây thêm một nơi mới rất đẹp, và họ chuẩn bị chuyển tất cả sách từ nơi cũ sang thư viện mới xây.
Nhưng bạn có biết không, sách ở đó rất nặng, còn nhiều như vậy, nếu chuyển đi sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Có người ước tính: sẽ tốn tầm 3,5 triệu đô la để làm xong việc này, một số tiền không phải nhỏ.
Vậy xin hỏi, nếu bạn là người phụ trách, bạn sẽ làm thế nào để chuyển một lượng sách lớn như vậy sang thư viện mới mà lại tốn ít chi phí hơn?
Thuê những người làm công với mức lương rẻ hơn?
Hay huy động toàn bộ nhân viên cùng người nhà của họ đến tham gia?
Hoặc là… yêu cầu nhà thiết kế của thư viện mới chịu trách nhiệm việc này luôn?
Ngoài “tư duy theo lối mòn” là “chuyển sách”, hầu như tất cả bọn họ đều gặp khó khăn trong việc tìm ra cách giải quyết tốt hơn.
Vậy nếu đưa tình huống này cho những người ưu tú, thông minh, họ sẽ làm thế nào?
Một anh thanh niên trẻ tuổi đã nói với người phụ trách: Tôi sẽ chuyển sách giúp anh, chi phí chỉ cần 1,5 triệu đô la thôi.
Chàng trai trẻ này đã đăng lên báo một mẫu tin: “Từ hôm nay trở đi, thư viện Anh cho mượn sách miễn phí và không giới hạn. Điều kiện là khi mượn thì đến thư viện cũ, nhưng khi trả phải đem đến thư viện mới…”
Anh ta đã thay đổi tư duy gập khuôn “chuyển sách” thành một tư duy mới mẻ khác: “mượn sách”. Kết quả anh ta không cần tốn công sức gì nhiều, chỉ cần bỏ ra chút tiền đăng báo, đã hoàn thành được nhiệm vụ mà người khác vốn nghĩ là không thể hoàn thành này.
Bạn thấy đấy, cùng một chuyện, những người có lối suy nghĩ khác nhau sẽ cho ra hiệu quả không giống nhau.
(02)
Sáng chủ nhật, trên một chiếc tàu điện ngầm ở New York, các hành khách đều đang ngồi im.
Lúc này, một người đàn ông dắt theo mấy đứa trẻ lên tàu. Bọn nhỏ vừa bước lên đã chạy tán loạn khắp nơi, đứa thì khóc lóc, đứa thì nổi giận, hành động kì lạ, cũng rất ồn ào. Mà người đàn ông kia vẫn bình tĩnh ngồi xuống, như chưa thấy chuyện gì.
Điều này khiến mọi người thấy rất bất mãn.
Có người không nhịn được mới nói: “Anh gì ơi, anh có thể kêu mấy đứa con của anh im lặng, ngồi đàng hoàng được không? Tụi nhỏ đang khiến người xung quanh thấy khó chịu đấy!”
Câu chuyện xin tạm dừng ở đây một lát.
Cho hỏi: “Điều gì khiến họ tức giận đến nỗi nhịn không được mà nổi nóng với mấy đứa trẻ đây?”
Là vì họ nghĩ mỗi đứa con hư đều do sau lưng nó có một người cha, người mẹ vô trách nhiệm, không biết dạy con hay sao?
Người đàn ông nghe vậy mới ngẩng đầu lên, như vừa tỉnh một giấc mộng dài, anh đáp:
“À, thật xin lỗi, để tôi nói bọn nhỏ yên tĩnh lại. Mẹ chúng nó vừa mất, chúng tôi vừa từ bệnh viện đến đây. Tôi cảm thấy thật trống rỗng và bất lực, có lẽ bọn trẻ cũng đang như vậy.”
Đây không phải câu chuyện hư cấu. Đây là kinh nghiệm cá nhân được đúc kết từ chính Steven Covey – tác giả của quyển sách “Bảy thói quen hiệu quả”, được bán gần 30 triệu bản. Steven Covey cũng được coi là một trong 25 người có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ.
Steven nói: “Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác của tôi lúc đó là thế nào không?”
Cơn tức lúc đầu của tôi bỗng chốc bay hết, mà thay vào đó là nỗi áy náy, tự trách, cũng như đồng cảm: “À, hóa ra là do vợ anh mới mất sao? Tôi thật sự rất xin lỗi! Tôi có thể làm gì giúp anh hay không?”
Có đôi khi, sai không phải do thế giới, mà sai ở cách bạn hiểu về thế giới.
Vậy nên, khi gặp những người, những chuyện phiền não, người bình thường sẽ hay oán thán, buồn bã, không nỡ vứt bỏ cũng không đủ can đảm bước tiếp.
Còn người thông minh sẽ không tùy tiện phán xét người khác, họ sẽ đứng ở lập trường của đối phương để suy nghĩ, rằng tại sao bọn họ lại nói mình như thế? Tại sao bọn họ lại làm như thế? Có phải có nỗi khổ, hay nguyên nhân nào khác hay không?
Họ sẽ lựa chọn thấu hiểu đối phương trước, nếu đúng, họ sẽ lắng nghe và thay đổi; nếu không đúng, họ cũng không quá để tâm về những nhận định sai lầm từ đôi mắt phiến diện của đối phương dành cho mình.
Bởi vì họ hiểu, họ là một cá thể riêng biệt, độc lập và duy nhất. Nếu chuyện gì cũng để tâm vào cách nghĩ của người khác, vậy họ đang sống cuộc đời của người khác, là bản sao của người khác, mà không phải là chính mình.
(03)
Ở Microsoft, mỗi ngày công ty sẽ cung cấp hai bữa ăn: bữa trưa và bữa tối.
Người ăn trưa thường nhiều hơn người ăn tối, vì không phải ai cũng cần làm thêm giờ. Mà cũng vì vậy, lợi nhuận thu về của nhà cung ứng vào buổi trưa cao hơn nhiều.
Chỉ có một điều: Bữa trưa thật sự nấu rất tệ…
Vậy phải làm gì đây?
Cử người canh chừng phòng bếp, không cho họ lén cắt xén nguyên liệu, và nhìn chằm chằm xem họ có lén đổi sang mấy nguyên liệu không được tươi ngon hay không à?
Hay là nên đổi đầu bếp luôn?
Biện pháp nhẹ nhàng hơn là kêu họ đổi sang mấy món mới?
Những phương pháp này, Microsoft đều không dùng.
Họ đã đề xuất một chế độ:
Chọn ra 2 nhà cung ứng, một nhà cho bữa trưa, một nhà cho bữa tối.
Sau 3 tháng sẽ làm một cuộc khảo sát, nhân viên thích ăn bữa trưa hơn hay ăn bữa tối hơn?
Nếu có nhiều người thích ăn bữa tối hơn, vậy nhà cung ứng cơm tối sẽ đổi lịch với nhà cung ứng cơm trưa. Như vậy, nhà cung ứng cơm tối nhờ chuyển lịch sang bữa trưa mà thu được lợi nhuận cao hơn.
Nhưng nếu nhà cung ứng cơm trưa thắng trong 6 tháng liên tiếp, vậy họ lại càng không cần đổi lịch.
Kể từ khi thực hành chế độ này, những nhà cung ứng kia đã làm tốt hơn nhiều so với lúc trước, khiến nhân viên hài lòng hơn.
Đây là cách mà những người ưu tú đã nghĩ ra.
Với người thông thường, họ sẽ yêu cầu nhà cung ứng cải thiện trình độ của họ. Nếu họ không thể, sẽ thay thế họ.
Nhưng với những người thông minh, họ sẽ đưa ra một chế độ cạnh tranh, tạo ra một đối thủ để họ tự mình nâng cao năng lực, cũng như đầu tư và phát triển không ngừng trong chuyên môn của mình.
(04)
Xem xong ba mẩu chuyện trên, có người sẽ thắc mắc rằng: “Làm thế nào để chúng ta có thể giải quyết vấn đề được như họ?”
Đầu tiên, hãy thay đổi lối tư duy của mình.
Thay đổi cách suy nghĩ sẽ khiến bạn hiểu hơn về thế giới.
Nếu bạn chỉ muốn hiểu về những biến đổi nhỏ trong cuộc sống, vậy chỉ cần thay đổi thái độ sống và cách hành xử là được, giống như việc đổ hết nước trong chiếc cốc, để nó trở về trạng thái “không” lúc đầu.
Nhưng nếu bạn muốn hiểu hết mọi điều, vậy cần “thay đổi lối tư duy” đã cũ. Lúc này, bạn phải thay hẳn một chiếc cốc mới.
Làm sao thay đổi?
Cách thứ nhất: Đọc nhiều sách hơn, mở rộng lòng hơn, đi nhiều nơi hơn để khám phá và học hỏi.
Mỗi quyển sách là một “lối tư duy”. Hãy chọn lọc thông tin mà bạn thấy hữu ích và phù hợp với chính mình. Đừng để chính mình bị hạn chế trong một khuôn mẫu, và lối tư duy đã lỗi thời.
Cách thứ hai: Tìm hiểu tư duy khác nhau từ những người khác nhau, những việc khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.
Ví dụ: Khi đi mua một gói bánh, người bán hàng nói 12k.
Tôi đưa cho người bán hàng 20k chờ thối lại 8k.
Còn người khác, lại đưa cô ấy tờ 20k và 2k, chờ thối lại 10k. Vì người ta không muốn lấy tiền lẻ.
Đồ vật có thể dùng tiền để mua. Nhưng suy nghĩ và tư duy của bạn chỉ có bạn mới được quyền sở hữu và quyết định. Cách nhìn nhận vấn đề khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Cách thứ ba: Đặt mình vào vị trí người khác.
Những lúc tranh luận, hãy nên đặt mình ở góc độ người khác suy nghĩ cẩn thận. Vì có như vậy, bạn mới hiểu rõ được quan điểm của mình và họ khác biệt chỗ nào, ai nói đúng hơn, đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương.
Người bình thường thay đổi kết quả, người tài giỏi thay đổi nguyên nhân, người ưu tú lại thay đổi những điều nằm trong khuôn mẫu.
Hi vọng mỗi chúng ta, dù sống trong hoàn cảnh bình thường nhất, cũng không tự biến mình trở nên tầm thường.
Nguồn: Trí thức trẻ