Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh gồm có bốn cánh, hai cánh hiện nay trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, hai cánh còn lại được Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm và đưa về lưu giữ từ năm 1961. Hiện nay hai cánh cửa này đang được trưng bày trên hệ thống trưng bày chính của bảo tàng, thuộc phần lịch sử giai đoạn triều Trần.
Hai cánh cửa nằm ở gian giữa của tiền đường được tạo bằng 2 tấm gỗ lim lớn, to dày, cao 1m92, rộng 0,715m, nguyên khối, gồm 2 cách trang trí đối xứng. Ô trên được chạm trang trí 4 rồng chia làm 2 cặp đối xứng nhau, 2 cặp rồng lớn trong ô lá đề và 2 cặp rồng nhỏ. Các con rồng trang trí trên cánh cửa chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài. Hai rồng lớn thắt túi, miệng há, bờm và râu bay lên tạo mây lửa, thân rồng mập tròn cuốn thành khúc nhỏ dần về đuôi. Cả 2 rồng trong tư thế cuộn trong hình lá đề, xung quanh chấm mây lửa, giữa là bông sen nở. Mỗi rồng đều có 4 chân, 2 chân trước và 2 chân sau cầm dải mây xoắn, chân rồng có 3 móng vuốt. Phần dưới chạm 2 bông hoa cúc nở đối xứng, phía trên chạm lá đề, cánh sen kép, hàng dưới chạm sóng nước. Hai cánh cửa này nằm trong cụm di tích đền Trần – chùa Phổ Minh.
…
Chùa Phổ Minh: gồm các hạng mục tam quan, ao sen, nhà bia, tháp, sân trước, chùa chính, hành lang, hậu điện, phủ Mẫu, nhà tổ, tăng phòng, khu tháp mộ.
– Tam quan: dài 8,42m, rộng 8,98m, 03 gian, gian giữa rộng 3,72m, hai gian bên rộng 2,38m. Thềm bậc gian giữa đặt đôi sóc đá, dưới dạng tượng tròn, chạy dọc theo chiều từ trên xuống. Khung kiến trúc kết cấu kiểu cổ đẳng (2 tầng 4 mái). Trên cổ đẳng, mặt ngoài tam quan treo bức đại tự có 4 chữ Hán: “Đại Hùng bảo điện” (Điện báu Đại Hùng).
– Sân chùa và nhà bia: sân chùa hình chữ nhật, dài 27m, rộng 9m. Trên sân chùa còn có các thành phần kiến trúc như: tháp, chân tảng đá cánh sen, cột kinh, cây hương đá mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII – XIV.
Nhà bia có mặt bằng hình vuông, rộng 4,m, xây bằng gạch, vữa, kiểu cổ đẳng (2 tầng 8 mái), lợp ngói Nam. Nhà bia phía Tây có bia niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668), nhà bia phía Đông có bia niên hiệu Duy Tân 1 (1907).
– Tháp Phổ Minh: có mặt bằng nền hình vuông, cạnh dài 5,20m. Chiều cao tổng thể của tháp là 19,51m, được chia thành 3 phần: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Phần chân đế, tính từ dưới lên chia thành 12 cấp, mỗi cấp có kích thước khác nhau. Đỉnh tháp là một khối đá hình bông sen, gồm nhiều tầng khác nhau. Đỉnh búp sen có 5 lớp cánh sen ngửa, chụm vào nhau, trong đó, lớp cánh sen cuối cùng có viền kép, phần đỉnh búp sen kết thúc 14 tầng của tháp.
– Chùa Phổ Minh: có mặt bằng kiểu chữ “Công”, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương, thượng điện.
Tiền đường gồm 9 gian, dài 24,93m, rộng 8,22m, gian giữa rộng 3,92m, hai gian bên rộng 3,15m, hai gian tiếp rộng 3,15m và 4 gian phía ngoài tiếp giáp với bờ đốc rộng 2,32m.
Thiêu hương xây quay dọc, giao mái với tiền đường, tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, dài 09m, rộng 8,23m, gồm 3 gian. Bộ khung bằng gỗ lim, kiểu bốn hàng chân cột, mỗi bộ vì được dựng trên đầu hai cột cái cao 4,3m và hai cột quân cao 3,9m. Chân tảng bằng đá, chạm hoa văn hình cánh sen.
Thượng điện gồm 3 gian, dài 12,8m, rộng 8,50m. Bộ khung gỗ lim, kiểu 3 hàng chân cột, gồm hai cột cái và một cột quân. Tất cả các cột được gia công theo kiểu thượng thu hạ thách và được kê trên hệ thống chân tảng đá chạm hoa văn hình cánh sen.
Ngoài ra, trong khu vực này còn có một số hạng mục khác, như hành lang, hậu điện, phủ Mẫu, nhà tổ, tăng phòng, khu tháp mộ…
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.
Có thế nói, khu di tích đền Trần và chùa Phổ Minh đã và đang góp phần làm sống dậy truyền thống hào khí Đông Á, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Nam Định. Khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh là khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, mỹ thuật …là quê hương của vương triều Trần nơi chỉ có một dòng họ, một vương triều có nhiều vĩ nhân lừng danh trong lịch sử nước nhà. Nơi đây không chỉ có các giá trị văn hóa đã đang và sẽ được bảo tồn, khai thác rất tích cực mà còn có giá trị trong lĩnh vực du lịch để giới thiệu, tuyên truyền, những bài học dựng nước, giữ nước của cha ông ta cho các đời con cháu đất Việt sau này nói chung cũng như con người đất Nam Định nói riêng.
Text: Bảo tàng LSVN
Photo: Admin
Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Nam Định