Trò chơi “bắt pen” nguy hiểm như thế nào đến tính mạng con người?
Những ngày gần đây, trào lưu “bắt pen” trở nên phổ biến trên mạng xã hội TikTok, thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ. Trào lưu này xuất hiện khi tài khoản TikTok K.T đăng tải video mô tả cách thức thực hiện trò chơi này và nhanh chóng lan truyền với hơn 3,5 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, chia sẻ.
Theo nhiều clip “bắt pen” trên mạng xã hội, trò chơi này sẽ được thực hiện bởi 2 người. Một người sẽ ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người còn lại để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc “phê pha giả tạo”. Người bị “bắt pen” sẽ có tình trạng không tỉnh táo, thậm chí ngất xỉu, khiến người xung quanh phải lay, tát vào mặt để trở lại trạng thái bình thường.
Trước việc này, ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm này. Theo đó, nếu thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí tổn thương não, tử vong. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
Nguyên nhân của trào lưu “bắt pen” của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên, cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được.
Hành động “bắt pen” có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột. Ngoài ra, áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh.
Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh lý về tim mạch hoặc huyết áp có thể gặp hậu quả nghiêm trọng hơn, có thể tử vong ngay lập tức. Việc chèn ép động mạch cảnh có thể làm xuất hiện các cục máu đông (huyết khối), khi huyết khối di chuyển lên não sẽ gây ra đột quỵ.
Tại sao giới trẻ hiện nay thích “đua trend” làm điều dại dột?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những trào lưu độc hại này thu hút giới trẻ tham gia vì đánh trúng vào tâm lý muốn được công nhận, thể hiện bản thân của họ.
Theo ông Nam, điều dại dột của bạn trẻ khi tham gia những trào lưu độc hại này bắt nguồn 3 yếu tố chính. Đó là nhận thức rủi ro kém, thể hiện ở việc ý thức của hành vi đó gây ra nguy cơ, hậu quả, thậm chí có phần gây ra nguy hiểm cho bản thân mình, đăng nó lên mạng xã hội khiến cho nhiều người khácthực hiện hành vi nguy cơ như một trò vui.
“Thứ 2, động cơ tìm kiếm sự kích thích. Giới trẻ trở nên quá căng thẳng, mệt mỏi, rất nhiều kỳ vọng áp lực trong cuộc sống, học tập nên họ chơi trò nghịch dại này để tìm kiếm sự kích thích hoặc giải toả sự căng thẳng. Có nhiều hành vi giống như việc vui đùa và xem đó là trò chơi, trò cười của những bạn trẻ. Thứ 3, ở khía cạnh nào đó đây là cách thức thể hiện một số hành vi bạo lực và hành vi lệch chuẩn xã hội. Khi họ làm hành vi này giống như kiểu được xả giận, tạo áp lực cho người khác và tự nhiên cảm thấy mình quyền lực”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, những trào lưu này là biến thể của những dạng hành vi muốn tạo nên trend hoặc trò nghịch ngợm của tuổi trẻ mà không được cân nhắc về hậu quả. Những bạn trẻ bị tò mò hoặc bị lôi kéo, không được gia đình quản lý, hướng dẫn nên muốn tạo ra một điều gì đó thu hút sự chú ý và sự thừa nhận của xã hội mà không ý thức được ở sau đó có rất nhiều nguy cơ nguy hiểm.
“Trong xã hội truyền thống khi chưa có mạng xã hội thì hành động này giống như giai đoạn đặc trưng, rất phá phách của tuổi vị thành niên muốn khẳng định bản thân, muốn tìm kiếm bản sắc bản thân, nhưng khi có sự xuất hiện của mạng xã hội thì nó lại trở thành trào lưu, xu hướng, trend… Cá nhân khi thực hiện hành vi đó còn được hô hào, cổ vũ, ủng hộ, chú ý của cộng đồng. Giống như càng biến thành “liều thuốc” cho những hành vi dại dột, bắt chước, làm tăng cấp độ lên so với hành vi dại dột trước đó”, ông Nam phân tích.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng cho hay, các trào lưu độc hại không chỉ gây tổn thương về thể chất cho người tham gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và nhận thức của giới trẻ. Những hành động mạo hiểm, thiếu suy nghĩ có thể để lại hậu quả tâm lý lâu dài, làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu.
Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều vào các trào lưu nhất thời cũng khiến nhiều bạn trẻ sao nhãng học tập và các hoạt động tích cực khác. Sự lỗi thời nhanh chóng của các xu hướng này cũng dẫn đến cảm giác hụt hẫng, áp lực khi không kịp bắt kịp những xu hướng tiếp theo.
Chính vì vậy, để giới trẻ nhìn nhận đúng về những trào lưu trên mạng xã hội thì ngoài nỗ lực của bản thân, sự can thiệp từ nhiều phía cũng quan trọng nhằm định hướng và giáo dục nhận thức cho giới trẻ về mặt trái của mạng xã hội.
Mạng xã hội cũng từng xuất hiện đủ loại trào lưu với món ăn độc lạ như trà sữa trộn hành lá, cà phê trứng bắc thảo khiến nhiều bạn trẻ đua nhau bắt trend. Những video này thường thu hút hàng triệu lượt xem nhờ vào tính chất “độc lạ” nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
Ông Nam cũng cho hay, việc lan truyền những nội dung này cũng là hành vi không phù hợp, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
“Về mặt giáo dục, các tổ chức chăm sóc thanh niên như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, nhà trường, đoàn thể… cần có những kế hoạch nâng cao nhận thức và kiến thức cho người trẻ về tác động tiêu cực của mạng xã hội, giúp họ hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn xã hội và tránh xa các trào lưu độc hại.
Các đơn vị phải tổ chức thật nhiều hoạt động, sân chơi cho các bạn trẻ, phù hợp với cá nhân để kéo các bạn ra khỏi thế giới ảo với rất nhiều trò vô bổ trong đó. Thay vì các bạn giải toả bằng những trò nghịch dại thì có những câu lạc bộ hoạt động ủng hộ xã hội cùng tham gia. Bên cạnh đó, đưa chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức, kỹ năng về mặt sức khoẻ tinh thần vào trường học để các bạn biết cách tự cân bằng về cảm xúc”, ông Nam nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần phải có chính sách tốt hơn trong việc kiểm soát những nội dung mang tính chất nghịch dại của tuổi vị thành niên trên không gian mạng, nếu không sẽ có thể gây ảnh hưởng tới rất nhiều bạn trẻ khác, bằng việc bắt chước làm tăng nguy hiểm của những trò nghịch dại này.