CÀN LONG – HÒA THÂN: TRI KỶ MỘT ĐỜI, SỦNG ÁI BẤT CHẤP ĐIỀU TIẾNG VÀ MỐI NHÂN DUYÊN BẮT NGUỒN TỪ TIỀN KIẾP

Thời nhà Thanh, Hòa Thân được xem là tham quan khét tiếng nhưng rất được vua Càn Long sủng ái. Số tiền tham nhũng của Hòa Thân ước tính sơ bộ vào khoảng 1,1 tỷ lạng bạc. Tại thời điểm đó, doanh thu hàng năm của Thanh triều được biết là 70 triệu lạng bạc, tính ra số tiền Hòa Thân nắm trong tay tương đương với doanh thu 15 năm của triều đình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Hòa Thân xứng danh là tỷ phú thế giới thế kỷ 18. 

Vì sao Hòa Thân lộng hành đến như vậy nhưng vua Càn Long lại không xử lý? Cái gì cũng có nguyên do của nó. Sử sách ghi chép, đằng sau mối quan hệ vua – tôi này là một mối nhân duyên đầy thú vị, bắt nguồn từ tiền kiếp.

Thanh Triều Dã Sử Đại Quan cho biết:

Khi Càn Long còn là thái tử, trong một lần vào cung, chàng vô tình bắt gặp người phi tần xinh đẹp của cha (vua Ung Chính) đang ngồi trước gương trang điểm, chải tóc. Lúc này, tính nghịch ngợm của chàng nảy lên, bèn chạy đến che mắt nàng từ phía sau. Vì quá bất ngờ, theo phản xạ tự nhiên, phi tần cầm chiếc lược quơ ra sau và vô tình làm trầy xước gương mặt Càn Long. 

Mẹ Càn Long (Sùng Khánh Hoàng hậu) sau khi nhìn thấy con mình bị thương, lập tức hỏi chuyện gì đã xảy ra. Lúc này, bản thân Càn Long đã nhận biết được lỗi lầm của mình nên thú thật với mẹ và mong mẹ bỏ qua. Nhưng chàng không ngờ rằng Sùng Khánh Hoàng hậu không những không trách phạt mà còn cho rằng phi tần kia có ý đồ dụ dỗ con trai mình. Tức giận, bà truyền lệnh xử tử nàng. 

Sau khi biết chuyện, Càn Long vô cùng hối hận và thương tiếc vì đã khiến phi tần kia ra đi oan ức. Chàng chạy đến bên giường nàng, cắn ngón tay giữa, lấy máu của mình chấm một chấm lên cổ phi tần và hứa: “Là ta đã hại nàng, nếu có thể, 20 năm sau cho ta gặp lại nàng được không?”

Thời gian thấm thoát thoi đưa, 20 năm sau, xuất hiện một người tên Hòa Thân nhập cung. Ấn tượng đầu tiên của vua Càn Long đối với Hòa Thân là nam tử này giống y hệt phi tần đã mất oan năm ấy. Càn Long nhanh chóng kiểm tra trên cổ Hòa Thân xem có vết tích do ông để lại không. Quả thực, trên cổ Hòa Thân cũng trùng hợp có một vết bớt đỏ. Bất ngờ hơn lúc này Hòa Thân đương độ hai mươi, tuổi tác khớp với thời gian phi tần nọ qua đời.

Bởi vậy, vua Càn Long tin rằng Hòa Thân chính là chuyển kiếp của người phi tần từng ra đi oan khuất vì mình. Từ đó trở đi, Hòa Thân nhận được sự sủng ái rất lớn từ vua Càn Long. Có thể nói, Hòa Thân chỉ dưới một người, trên vạn người, nắm giữ quyền lực hô mưa gọi gió đương triều, không ai có thể cản nổi. 

Nhưng chỉ như vậy mà được Càn Long sủng ái thì chưa đủ. Hòa Thân cũng rất khéo léo, biết lấy lòng và hợp ý vua. Ngay từ thời trẻ, Hòa Thân đã bắt chước cách viết văn và làm thơ của vua Càn Long, ông còn nuôi dưỡng nhiều sở thích gần giống với bậc thiên tử. 

Khác với hình tượng khắc họa trên phim, lịch sử mô tả Hòa Thân có ngoại hình xuất chúng, da trắng môi đỏ, không thua kém bất cứ ai trong hậu cung ba ngàn giai lệ. Chưa kể ông còn văn võ song toàn, vừa đa mưu túc trí vừa thân thủ bất phàm. Hòa Thân có một trí nhớ khiến người khác phải kinh ngạc, thông minh, quyết đoán, nhanh nhẹn, linh hoạt. Ngoài ra ông còn thông thạo 4 thứ tiếng: Mãn, Hán, Mông Cổ và Tây Tạng. Hầu hết các tài liệu vua Càn Long đem từ Tây Tạng về đều là do Hòa Thân tự tay dịch.

Có một lần, trong lúc vua Càn Long đang xem Mạnh Tử, không nhìn rõ các con chữ do trời đã tối dần, vua liền ra lệnh cho Hòa Thân cầm đèn soi. Lúc đó, Hòa Thân chỉ hỏi vua rằng ngài đang đọc đến khúc nào. Biết được vị trí đoạn văn đó, Hòa Thân từ trước đã thuộc làu làu, lập tức đọc ra hết toàn bộ cho Càn Long nghe. 

Khi Sùng Khánh Hoàng hậu qua đời, Càn Long đau xót khôn nguôi. Hòa Thân không chỉ nói vài câu an ủi tầm thường như các vị quan lại khác, mà ở bên cạnh vua Càn Long khóc lóc thảm thiết mấy ngày liền, trà không uống, cơm không ăn. Bậc đế vương cũng có trái tim máu thịt như người thường, sao có thể không cảm động cho được? 

Bởi những hành động tham ô nhũng nhiễu, Hòa Thân là cái gai trong mắt nhiều người. Sau khi Càn Long băng hà, Gia Khánh lên ngôi, việc đầu tiên vị vua trẻ làm là diệt trừ cả gia tộc Hòa Thân. Tuy nhiên về sau, Gia Khánh dần hiểu ra lý do vì sao Càn Long khuyên ông không nên giết Hòa Thân. Vì bất kể khía cạnh nào, cũng không có vị đại thần nào trong triều đình có thể sánh ngang với năng lực của Hòa Thân. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *