CẦN LÀM RÕ RẰNG LÝ THƯỜNG KIỆT CHƯA PHẢI LÀ TÁC GIẢ CỦA BÀI THƠ NAM QUỐC SƠN HÀ!

Danh tướng Việt Nam tập 1 của Nguyễn Khắc Thuần, ở chương 6 – Lý Thường Kiệt, có một chi tiết khiến tôi phải lưu tâm: “…Nhưng, công việc thiết yếu này chỉ có thể kịp thời hoàn tất, chừng nào niềm tin vào thắng lợi của quân sĩ được củng cố và nâng cao. Trong tình thế hiểm nghèo này, Lý Thường Kiệt đã xuất hiện như một thiên tài về nghệ thuật động viên binh sĩ. Ông đã viết bài Nam quốc sơn hà và bí mật sai người vào đền thờ Trương Hống và Trương Hát đọc to lên trong đêm tối, khiến cho quân sĩ ngỡ rằng đó là lời của thần nhân sông núi, cho nên, đã liều mình chiến đấu đập tan hoàn toàn đạo quân hung hãn của Miêu Lý. Chiến tuyến được củng cố, cầu phao của giặc bị chặt đứt, sĩ khí của quân đội Đại Việt bừng lên mạnh mẽ. Nam quốc sơn hà quả là một kiệt tác, cho dù là nhìn từ bất cứ góc độ nào”.

Tôi thử tự kiểm chứng trong các bộ sử cũ, và rút ra kết luận rằng: không có một tư liệu nào “khẳng định” Lý Thường Kiệt chính là tác giả của Nam Quốc Sơn Hà (từ đây xin phép được gọi tắt là NQSH) cả. Cụ thể:

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Bản kỷ, q.III (a), Lý Nhân Tông, tr. 230) chép:

“Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm, quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phân định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”

Đại Việt Sử Ký Tiền Biên (Bản kỷ, q.III, Lý Nhân Tông, tr. 246) chép:

“Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp luỹ làm rào ở dọc sông để cố giữ, một đêm, các quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đằng hành khan thủ bại hư!”

Còn xét trên địa phận dân gian, thì tôi lại thấy bài thơ NQSH đã ra đời từ thời Tiền Lê, cụ thể, đó là khi Lê Hoàn đại phá quân Tống!

Thiên Nam Ngữ Lục (câu thơ 4250-4260) chép:

“Ngày sau Nhân Bảo đem quân,

Trên không nghe tiếng trời ngâm thơ rằng:

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,

Hoàng thiên định phận tại thiên thư,

Như hà bắc lỗ lai xâm phạm,

Hội kiến phong trần tận khử trừ”

Lĩnh Nam Chích Quái (Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt) chép:

“Vào năm Tân Tỵ, đời vua Lê Đại Hành, Thiên Phúc nguyên niên, Tống Thái Tổ sai hai tướng binh là bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân sang xâm lược phương Nam, đến sông Đại Than. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch, hai bên đối đầu cầm cự. […] Canh ba đêm hai mươi ba tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng tan vỡ. Thần nhân giấu mình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư.

Như kim nghịch tặc lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Tạm bỏ qua những mâu thuẫn về niên đại của bài thơ NQSH, điều chỉ khẳng định hơn nữa NQSH không phải do Lý Thường Kiệt sáng tác. GS. Hà Văn Tấn, trong bài “Lịch sử, sự thật và sử học” (Tổ Quốc – 401 – 1/1988) đã nhận định rất xác đáng rằng: “Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ. Nhưng đó là đoán thôi, làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng, cho đến nay mọi người dường như đều tin rằng đó là sự thật, hay nói đúng hơn, không ai dám nghi ngờ đó không phải là sự thật”.

Đào sâu hơn nữa, tôi đã tìm được một tài liệu có giá trị sau đây. Cụ thể, tại hội khảo kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội và 1000 năm ngày mất của Lê Hoàn, năm 2005, trong bài “Nam Quốc Sơn Hà và Quốc Tộ, hai kiệt tác mở đầu lịch sử văn học ngang qua triều đại Lê Hoàn”, GS. Bùi Duy Tân đã phát biểu như sau (trích):

“Tạm quên ấn tượng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ, để vô tư thâm nhập vào kho sách Hán Nôm, tìm kiếm những tư liệu ghi chép bài thơ, tên bài thơ, các tình tiết có liên quan đến bài thơ. Nhờ viện trợ của đồng nghiệp, thân hữu, trong một thời gian ngắn, tôi đã có được khoảng ba chục văn bản hữu quan, thuộc các loại sách lịch sử, địa lý, truyện ký, thơ ca… và nhiều thần tích, thần phả truyền thuyết dân gian. Quan sát các văn bản này, tôi thấy rõ nhiều điều sau:

  1. Không có một văn bản nào ghi nhận Lý Thường Kiệt là tác giả, hoặc tương truyền là tác giả bài thơ.
  2. Tất cả các văn bản đều ghi nhận bài thơ là của thần. Thần đây là Trương Hống, Trương Hát, tướng lĩnh của Triệu Quang Phục, bị Lý Phật Tử ép hàng, không chịu khuất phục, nên tự tử, trở thành phúc thần, được thờ phụng ở gần 300 ngôi đền ven các triền sông Cầu, sông Thương…
  3. Thần đọc thơ của thần, âm phù dương gian trợ quốc an dân, chống ngoại xâm, dẹp nổi loạn, trừ tai hoạ, kể đã nhiều lần. Nổi bật là hai lần thần trực tiếp đọc thơ giúp các tướng lĩnh đánh giặc cứu nước. Lần thứ nhất giúp Lê Hoàn chống Tống (981), lần thứ hai giúp Lý Thường Kiệt chống Tống (1076). Văn bản bài thơ đọc hai lần khác nhau, và cũng khác nhau ở hầu hết các dị bản còn lại.
  4. Bài thơ không hề được tuyển vào các tuyển tập thơ ca chữ Hán thời xưa, trước sau nó vẫn là thành phần cơ hữu trong truyền thuyết dân gian. NQSH chắc là do nhân sĩ thời tự chủ sáng tác, song đã được dân gian hoá, được hoàn thiện dần theo đặc trưng tập thể truyền miệng. Rồi sau được cố định trong thần tích, thần phả, truyện ký, nhưng vẫn lưu truyền trong dòng đời, qua nhiều thế hệ, âm phù con cháu đánh giặc cứu nước. Cho nên, phải coi đó là bài thơ thần, tác giả là khuyết danh cũng được, nhưng là vô danh, hoặc vô danh thị thì khoa học hơn.
  5. Từ trong những văn bản đáng tin cậy trên đây, có thể thấy ngộ nhận Lý Thường Kiệt là tác giả NQSH của Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược xuất bản từ 1919-1920 là do tự ý chứ không dựa vào bất kỳ một tư liệu Hán Nôm nào (sic). Đáng tiếc là sau đó, hầu hết các học giả đều sai theo, cho mãi đến hết thế kỷ thứ XX, hoạ hoằn lắm, một Hoàng Xuân Hãn, một Đặng Thai Mai, mà cũng chỉ chút hoài nghi bất chợt mà thôi!”

Còn nhiều tư liệu khác nữa mà tôi chưa tiện trích dẫn vì không muốn bài viết này trở nên quá dài dòng. Tóm lại, tôi cùng quan điểm với GS. Bùi Duy Tân, rằng “hãy trả lại cho Caesar cái gì của Caesar”, nếu chúng ta chưa tìm được sử cũ nào chứng thực Lý Thường Kiệt chính là tác giả của NQSH, thì tôi nghĩ, cuối bài đó nên chú hai chữ “Khuyết danh” để đợi khảo thêm!

  • Nguồn tham khảo chính: Nguyễn Khánh Oánh, Bối Cảnh Định Đô Thăng Long Và Sự Nghiệp Của Lê Hoàn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *