Lao động băn khoăn liệu cải cách tiền lương có thực sự tăng thu nhập?
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, chị N.N.A (38 tuổi) công chức cấp huyện, thuộc một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa tỏ ra khá vui mừng trước thông tin chính phủ sắp cải cách tiền lương. Chị A cho biết, hiện nay ngoài tiền lương nhân hệ số, chị còn được nhận nhiều loại phụ cấp cho công chức. Các khoản phụ cấp của chị chiếm gần 1 nửa thu nhập.
Chị A kể: “Theo bằng đại học, tiền lương của tôi đang được nhận theo hệ số 3,66 (khoảng 6,6 triệu đồng/tháng). Ngoài ra là vì làm ở miền núi, lại làm công việc đặc biệt nên tôi cùng lúc nhận được khá nhiều khoản trợ cấp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đang nhận 15 khoản phụ cấp. Nhờ có những khoản phụ cấp này mà tiền lương của tôi được thêm hơn 5 triệu đồng, nâng tổng thu nhập của tôi lên khoảng 11-12 triệu đồng/tháng”.
Những khoản chị A nhận thêm có thể kể tới như: Phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp khu vực; phụ cấp lãnh đạo; phụ cấp thu hút… chưa kể các khoản phụ cấp xăng xe; phụ cấp tiền ăn; phụ cấp nhà ở…
Khi được hỏi về việc, tới đây nếu cải cách tiền lương chị có lo lắng khi các khoản phụ cấp của công chức, viên chức bị cắt bỏ, tiền lương tăng nhưng thu nhập sẽ giảm, chị A cho rằng: “Tôi cho rằng tăng lương, phụ cấp giảm đi là phù hợp thực tiễn. Tiền lương thực tế tăng sẽ có lợi cho người lao động vì khoản đóng BHXH dựa trên tiền lương cũng tăng, như vậy có lợi cho chúng tôi khi về hưu. Tuy nhiên, nếu lương tăng, thu nhập lại giảm thì cũng chẳng có gì đáng mừng”.
“Cần cân bằng tiền lương, đưa tiền lương về đúng giá trị thực. Không thể để các khoản “phụ” thành các khoản chính, các khoản tiền lương chính thấp hơn cả các khoản “phụ” như hiện nay”.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội)
Báo cáo của Bộ Nội Vụ từng cho thấy hiện có khoảng hơn 30 khoản phụ cấp đang được áp dụng. Ngoài các khoản phụ cấp chính gắn với tiền lương thì công chức, viên chức, người lao động còn được nhận thêm các khoản phụ cấp khác. Tùy tình hình thực tế mà mỗi đơn vị lại có một khoản phụ cấp khác nhau: Phụ cấp ăn trưa; phụ cấp trang phục; phụ cấp nuôi con nhỏ… Hầu hết các khoản phụ cấp, trợ cấp này đều không bị chịu thuế thu nhập cá nhân, không bị tính đóng BHXH, vì thế nhiều đơn vị (doanh nghiệp) thường tách tiền lương ra làm nhiều khoản dưới dạng phụ cấp, trợ cấp.
Cải cách tiền lương sẽ giảm phụ cấp hay cắt phụ cấp?
Vấn đề giữ hay bỏ phụ cấp là vấn đề được nhiều người quan tâm khi xây dựng đề án cải cách tiền lương. Nghị Quyết 27 năm 2017 về Cải cách tiền lương và BHXh của trung ương xác định rõ:
“Mục tiêu của cải cách tiền lương nhắm vào khu vực công nhằm tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề”.
Theo tinh thần trên của Nghị quyết 27, dù chưa nhắc tới việc xóa bỏ phụ cấp nhưng trung ương khẳng định sẽ không bổ sung thêm các loại phụ cấp mới.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với PV Báo Dân Việt sáng ngày 21/9, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng cần giải quyết bất cập trong việc thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương và các khoản phụ cấp theo lương. Hiện tại có rất nhiều loại phụ cấp chưa hợp lý.
Nên bỏ 17 loại phụ cấp hiện hành trong khu vực công, chỉ giữ lại một số loại phụ cấp chuyên ngành, đặc thù để khuyến khích người lao động. Ví dụ như: Phụ cấp lực lượng an ninh, người làm trong lĩnh vực cơ yếu; phụ cấp vùng miền (công chức làm vùng đặc biệt khó khăn); nhân viên y tế…
Ông Lợi cũng đồng tình với việc không bổ sung thêm bất cứ khoản phụ cấp mới nào, thay vào đó tập trung để cải cách tăng tiền lương đảm bảo đủ sống, về đúng giá trị thực.
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc lương chính thấp hơn hoặc bằng phụ cấp khiến không phân định rõ được bản chất của tiền lương, không thể hiện đúng giá trị thực của tiền lương.
“Khi cải cách tiền lương, tiền lương sẽ được trả một cục, tùy vị trí việc làm, tính chất công việc, ngành nghề. Đề án chắc chắn sẽ có những tính toán cụ thể. Sẽ không có chuyện ‘lương tăng thu nhập giảm’, nếu kịch bản ấy xảy ra thì cải cách lại thành cải lùi à?!”, ông Lợi chia sẻ ý kiến riêng.