Lao động đặt nhiều câu hỏi liên quan tới lương khi cải cách tiền lương
Mới đây tại các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, vấn đề liên quan đến tiền lương ở Hà Nội, nhiều người lao động đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề có liên quan tới tiền lương.
Lao động Nguyễn Thị Tuyết Hương – Công đoàn Trường Mầm non Trung Văn, quận Nam Từ Liêm thắc mắc: “Từ ngày 1/7/2024, mức tăng lương tối thiểu vùng theo dự kiến thấp nhất là bao nhiêu?”.
Chia sẻ với người lao động, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp với đại diện của ba bên là Bộ LĐTBXH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam và thống nhất kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2024. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 – 280.000 đồng/tháng, ví dụ tiền lương tối thiểu vùng 1 đang từ 4.680.000 đồng sẽ lên 4.960.000 đồng.
Ngoài tiền lương tối thiểu nhiều lao động cũng quan tâm tới việc nếu cải cách tiền lương thì lao động còn được nâng lương trước thời hạn khi có thành tích xuất sắc không. Cụ thể, lao động Lê Thanh Huyền, 35 tuổi – cán bộ Công đoàn Trường Tiểu học Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: “Khi cải cách tiền lương người lao động đạt các thành tích như danh hiệu chiến sĩ thi đua, có được nâng lương trước thời hạn như hiện nay nữa không?”.
Cùng chung câu hỏi lao động khác cũng đặt câu hỏi khi thực hiện cải cách tiền lương, việc tăng lương sẽ được thực hiện như thế nào, có tính tăng lương thưởng thường xuyên và tăng trước thời hạn khi có thành tích nữa không?
Bỏ tăng lương trước hạn khi cải cách tiền lương
Chia sẻ trước những thác mắc của người lao động, bà Vũ Minh Huyền – Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) cho hay, từ ngày 1/7 tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương, việc người lao động được tăng lương trước thời hạn do có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác không còn được đề cập. Người có thành tích nổi bật trong công tác sẽ được khen thưởng bằng cách chi vào lương. Khi thực hiện chế độ tiền lương mới, sẽ có lương phải trả và các phụ cấp kèm theo, cộng với khoản tiền thưởng. Thực tế việc “nâng lương trước thời hạn” bản chất chính là khoản tiền thưởng này.
Bà Huyền cho biết thêm, với người giữ chức vụ lãnh đạo thì sẽ tăng lương theo nhiệm kỳ bổ nhiệm. Đối với người không giữ vị trí lãnh đạo, việc tăng lương sẽ khác nhau giữa các vị trí làm việc. Nhìn chung, những người cùng thâm niên sẽ có mức lương như nhau, người có thâm niên làm việc lâu năm hơn, có hệ số lương cao hơn có mức lương cao hơn. Về nguyên tắc, tiền lương khi cải cách sẽ không giảm đi, hoặc thấp hơn thang, bảng lương hiện hưởng.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, đơn vị này đang xin ý kiến bộ Chính trị về việc tăng lương cho nhóm có tiền lương thấp, đảm bảo khi cải cách tiền lương mức lương thấp nhất của công chức, viên chức phải cao hơn 5 triệu đồng, bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng ở vùng 1.
Theo chủ trương cải cách tổng thể tiền lương, từ ngày 1/7/2024, sẽ có 5 bảng lương mới tương ứng với vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện nay lên 1 – 2,68 – 12. Như vậy, mức lương trung bình của công chức, viên chức có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68; mức lương cao nhất cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Như vậy, có thể thấy dự kiến mức lương thấp nhất khi cải cách tiền lương là 5 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng/tháng.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).