Cách tốt để tìm hiểu kinh tế học là gì?

Cách tốt nhất để hiểu về kinh tế học là làm việc tại một tiệm bánh pizza.

Bạn không tin ư? Hãy để tôi giải thích nhé.

Bạn dậy sớm để mở cửa tiệm. Vị khách đầu tiên bước vào, nói rằng anh ấy đang đói và muốn mua một lát bánh. Sau đó, anh ấy vẫn đói nên đã mua và ăn thêm hai miếng nữa. Anh đã no sau lát bánh thứ ba và sự thỏa mãn nhận được giảm dần sau mỗi lát bánh. Quy luật lợi ích cận biên giảm dần nói rằng khả năng anh ta bỏ tiền mua lát bánh thứ tư là không cao vì lợi ích nhận được sau khi tiêu thụ sản phẩm đang rất thấp (không còn nhu cầu ăn nữa).

Từ một góc khác của căn phòng, bạn thấy một khách hàng tiềm năng đang xem thực đơn. Sau một hồi cân nhắc, cuối cùng anh ta quyết định rằng 10 đô la Mỹ cho một chiếc pizza là quá nhiều. Nhưng vị khách hàng ở quầy đang đói ngấu nên sẵn sàng trả 15 đô la Mỹ để lấp đầy cái dạ dày đang cồn cào của mình. Vấn đề là bạn không biết chính xác mỗi khách hàng sẵn sàng trả bao nhiêu, nhưng bạn cố gắng định giá pizza để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời cân nhắc đến nhu cầu chung của khách về pizza.

Vài ngày sau, bạn nhận ra giá bán của mình quá cao vì lượng khách hàng đang giảm dần. Bạn hạ giá và “Bùm!”, nhiều người đến hơn. Cuối cùng, bạn đặt giá ở mức đảm bảo rằng mình kiếm được nhiều nhất có thể và khách hàng sẵn lòng móc hầu bao. Đây là cân bằng cung-cầu.

Trong khi đó, chủ tiệm pizza lân cận đang tự hỏi tại sao không ai ghé chỗ mình nữa. Anh ta quyết định thăm dò thị trường và thấy bạn đang bán pizza với giá 8 đô la Mỹ, trong khi pizza của anh ấy có giá 9 đô la. Bất đắc dĩ, anh ta hạ giá và chịu lỗ. Đây chính là phương pháp hạ giá để hút khách, một cách cạnh tranhkinh điển.

Vài ngày sau, anh ta gõ cửa nhà bạn. Anh nói rằng sự cạnh tranh này không tốt cho lợi nhuận. “Điều gì sẽ xảy ra nếu hai chúng ta đều tăng giá? Khách hàng sẽ không phải đi bộ xa để mua pizza ở nơi khác.” Bạn trầm tư một lúc rồi từ chối. Mặc dù việc ấn định giá sẽ hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, khách hàng sẽ chán ghét sự độc quyền này và bỏ đi hết. Lợi thế độc quyền của hai cửa hàng sẽ tan thành bong bóng xà phòng.

“Anh chắc chứ, mai phen?” Anh ấy hỏi. “Tôi chắc chắn anh đã nghe về việc Jessica mua lại mọi tiệm pizza quanh khu của cổ và đang hưởng vị thế độc quyền. Cô ấy không chỉ tận hưởng lợi thế kinh tế theo quy mô, có nguồn cung nguyên liệu làm pizza rất lớn và chi phí biến đổi thấp hơn, còn có thể thay thế nhiều công nhân bằng dây chuyền tự động, giúp tối ưu hóa chi phí nhân công. Jessica có thể bán nhiều hơn với giá thấp hơn! Hai ta có thể hợp tác với nhau, mở rộng và cùng nhau xây dựng một cửa hàng lớn hơn.”

Bạn ngẫm nghĩ và thấy đúng. Lãi suất hiện đang đặc biệt thấp nên sẽ không quá tệ nếu vay tiền để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo bạn tính, tỷ suất hoàn vốn nội bộ – số tiền có thể kiếm được bằng cách mở rộng kinh doanh – sẽ lớn hơn chỉ gửi ngân hàng rất nhiều.


“Hợp tác vui vẻ!” bạn nói.

Chính phủ khá hài lòng với quyết định ấy vì họ muốn người dân mở rộng hoạt động kinh doanh. Họ đã hạ lãi suất bằng đủ loại công cụ kinh tế vĩ mô và hy vọng rằng chính sách tiền tệ của mình là đúng đắn.

Sau một ngày làm việc vui vẻ, bạn chuẩn bị đóng cửa hàng. Nhưng dường như có một đám đông đang tiến về phía bạn, có lẽ là do lễ hội địa phương đang được tổ chức. Bạn biết sẽ kiếm được một số tiền kha khá nếu mở cửa thêm một giờ, nhưng bạn đã hứa với vợ rằng sẽ dành thời gian cho cô ấy và các con. Bạn mỉm cười và khóa cửa hàng, chấp nhận chi phí cơ hội – trong trường hợp này là thu nhập bị mất – để dành thời gian cho những gì mình coi trọng. Xét cho cùng, nếu không làm theo lời vợ, tối nay bạn sẽ ngủ trên sofa.

Có lẽ bạn đang nghĩ: “Đợi chút, nếu tôi không làm việc ở tiệm pizza như phen thì sao?”

À, tôi cũng chưa từng làm ở một tiệm pizza. Tôi chỉ tình cờ ghé một cửa hàng pizza một giờ trước và đó là lý do tôi chọn ví dụ này.

Kinh tế học ư? Nó ở quanh ta mọi lúc, mọi nơi.

Chúc ngon miệng với chiếc pizza của mình!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *