CÁCH CHO HƠN CỦA ĐEM CHO

“Tôi vẫn nhớ như in những lần lên bục nhận thưởng cuối năm hồi cấp Hai. Mỗi lần đến hạng mục Học sinh giỏi vượt khó, tôi và một vài bạn khác lại lững thững đi lên. Suốt bốn năm cấp Hai, chưa bao giờ tôi dám ngẩng đầu và hay cảm thấy hào hứng khi lên nhận phần thưởng này.

Bố mẹ mất sớm nên tôi ở cùng bà ngoại. Bà cũng không còn đi làm được nên chỉ hưởng lương hưu trí. Cũng vì hoàn cảnh gia đình nên địa phương cấp cho sổ hộ nghèo. Năm lớp 8, tôi cũng thử xin làm bốc vác cho xưởng gạo gần nhà nhưng nhỏ quá người ta không chịu.

Lâu lâu bà bán được ít gà trong nhà nuôi rồi mua đồ mới cho tôi, cứ mang đi học là thể nào cũng nghe được mấy câu dị nghị đại khái là “Suốt ngày sắm đồ mới thế mà năm nào cũng bảo hộ nghèo”. Vài lần nghe xong, tôi phải chạy ngay ra ngoài để khóc, cũng chẳng muốn đôi co với tụi nó. Có lần bà thấy tôi khóc khi đi học về, bà thủ thỉ hỏi chuyện, tôi lại òa khóc rồi nói “Bà ơi sao nhà mình nghèo mãi thế ạ? Nhà mình đừng nghèo nữa được không bà? Cháu không muốn tụi nó cười cháu, cháu cũng muốn có bố mẹ đón lúc đi học về, cháu không muốn bị gọi lên nhận thưởng học sinh nghèo vượt khó nữa”. Và chắc chắn rằng đó sẽ là câu nói mà tôi hối hận cả cuộc đời này.

Được nhận thưởng của trường tôi chẳng còn thấy vui nữa, ấy vậy mà luôn bị bắt cười thật tươi khi lên nhận thêm giải “Học sinh nghèo vượt khó”. Nghèo chẳng ai muốn nhưng cả quãng đời đi học tôi không còn đếm nổi số lần mình chạy ra ngoài để khóc khi nghe bạn bè xì xầm về mình nữa.

Sau này tôi cũng chỉ mong rằng Nhà trường sẽ tinh tế hơn trong việc trao thưởng cho các em nhỏ. Chẳng ai muốn nhận được thêm ánh mắt thương hại của người khác về hoàn cảnh gia đình mình cả.”

Nguồn: VnHomies

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *