CÁC 'GIẢ THUYẾT' MÀ TRUYỀN THÔNG VÀ CHÍNH QUYỀN NGA ĐÃ ĐƯA RA TRONG VỤ MH1…

CÁC ‘GIẢ THUYẾT’ MÀ TRUYỀN THÔNG VÀ CHÍNH QUYỀN NGA ĐÃ ĐƯA RA TRONG VỤ MH17 BỊ BẮN RƠI NĂM 2014 Ở MIỀN ĐÔNG UKRAINE

CÁC ‘GIẢ THUYẾT’ MÀ TRUYỀN THÔNG VÀ CHÍNH QUYỀN NGA ĐÃ ĐƯA RA TRONG VỤ MH17 BỊ BẮN RƠI NĂM 2014 Ở MIỀN ĐÔNG UKRAINE

Vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines có số hiệu MH17 xuất phát từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur đang bay qua không phận thuộc miền Đông Ukraine, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga đã bất ngờ phát nổ trên không. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng, trong đó bao gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, hơn một nửa là công dân Hà Lan. 15 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia.

Dựa trên những bằng chứng là các mảnh vỡ của tên lửa Buk ở hiện trường máy bay rơi và tổng hợp thông tin, các nhà điều tra phương Tây đặt ra giả thuyết MH17 đã bị phá hủy bởi một tên lửa Buk của lực lượng ly khai thân Nga, ngược lại các cơ quan truyền thông của Nga liên tục phủ nhận việc Buk bắn MH17 và đưa ra một loạt các giả thuyết cho rằng máy bay quân sự của chính phủ Ukraine mới là thủ phạm. Theo cuộc thăm dò được thực hiện bởi Trung tâm khảo sát Levada của Nga từ ngày 18 đến 24 tháng 7 năm 2014, 80% người Nga được khảo sát tin rằng vụ tai nạn MH17 là do quân đội Ukraine gây ra và chỉ có 3% số người được hỏi cho đó là do phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine thực hiện.

Ngày 24 tháng 5 năm 2018, Nhóm điều tra hỗn hợp (JIT) bao gồm đại diện Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine chính thức đưa ra kết luận khẳng định tên lửa đối không Buk bắn rơi chiếc Boeing dân dụng của Malaysia thuộc về Lữ đoàn phòng không 53 của quân đội Nga đóng ở thành phố Kursk. Hệ thống phòng không này đã được bí mật đưa từ Nga vào lãnh thổ của phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Ukraine và đã được rút về Nga sau khi gây ra thảm họa.

Người đứng đầu Tổng cục Tên lửa và Pháo binh của Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Parshin tại một cuộc họp báo ở Moscow ngày 17 tháng 9 năm 2018 cho biết họ “có bằng chứng không thể chối cãi” rằng tên lửa Buk tấn công chuyến bay MH17 là của Ukraine chứ không phải của Nga.

Ở đây bài viết này không đưa ra kết luận tên lửa Buk của Nga hay Ukraine đã bắn rơi MH17. Tuy nhiên, vì nước Nga trước đó từng đưa ra rất nhiều giả thuyết khác nhau kèm theo khá nhiều ‘bằng chứng không thể chối cãi’ khác nữa về việc MH17 bị bắn rơi nên bài viết chỉ muốn liệt kê truyền thông cũng như các cơ quan chính quyền của Nga ban đầu đã đưa ra những giả thuyết và ‘bằng chứng’ gì về vụ tai nạn thảm kịch của MH17?

‘BẰNG CHỨNG’ MÁY BAY SU-25 BẮN RƠI MH17

Thời gian đầu truyền thông Nga tập trung nhấn mạnh giả thuyết cho rằng một máy bay Su-25 của Không quân Ukraine đã tấn công MH17. Ngày 21 tháng 7 năm 2014, bốn ngày sau khi MH17 rơi, Bộ Quốc phòng Nga tố cáo các chiến đấu cơ của Ukraine đứng sau vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraine. Theo Trung tướng Igor Makushev thì hệ thống kiểm soát không lưu Nga phát hiện một máy bay không quân Ukraine đuổi theo MH17. Các hãng truyền thông chính của Nga, bao gồm kênh truyền hình tiếng Anh RT, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti và Pravda.ru, đều đưa tin về sự việc. Kênh RT còn dẫn lời “một nhân viên kiểm soát không lưu người Tây Ban Nha tên Carlos” khẳng định hai máy bay chiến đấu Ukraine đã áp sát máy bay MH17. Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Ukraine khẳng định đây là thông tin giả mạo bởi không có một người Tây Ban Nha nào làm việc cho cơ quan kiểm soát không lưu Ukraine.

Trên thực tế, Sukhoi Su-25 là loại phi cơ tấn công mặt đất (máy bay cường kích) và chỉ có thể bay ở độ cao khoảng 7.000 m, thấp hơn so với độ cao của MH17 khi đó. Các thông tin trên trang web của nhà sản xuất Su-25 cho biết việc một chiếc Su-25 của Nga bắn hạ chiếc Boeing 777 là điều gần như không thể về mặt kỹ thuật. Trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass, Tổng công trình sư chương trình máy bay cường kích Su-25 Vladimir Babak cho rằng khả năng tên lửa không đối không phóng từ máy bay này có thể bắn hạ MH17 là rất thấp. “Chiếc máy bay Boeing giống như một chú chim khổng lồ sẽ không thể nào bị hạ bởi một hòn đá nhỏ như tên lửa R-60,” “Đây là việc rất phức tạp. Tôi không tin vào thực tế của kịch bản này và vào việc máy bay Su-25 của Ukraine có thể phóng tên lửa R-60,” Tổng công trình sư Vladimir Babak nói.

Trước đó kênh truyền hình Nga Channel One đặt câu hỏi phải chăng máy bay Su-25 của quân đội Ukraine bắn máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines vì nhầm nó với chuyên cơ Ilyushin II-96 của ông Putin? Nhưng báo chí phương Tây cho biết không thể nhầm hai loại máy bay này vì Boeing 777 chỉ có hai động cơ còn Ilyushin II-96 có bốn động cơ. Kênh RT của Nga cũng xác nhận đã lâu lắm rồi ông Putin không bay qua bầu trời Ukraine.

‘BẰNG CHỨNG’ MÁY BAY MIG-29 BẮN RƠI MH17

Ngày 14 tháng 11 năm 2014, kênh truyền hình Channel One của Nga đã công bố bức ảnh cho thấy một chiến đấu cơ MiG-29 đang phóng tên lửa nhắm vào chiếc MH17 của Malaysia. Theo thông tin được đăng tải từ các kênh thông tấn của Nga, người cung cấp những hình ảnh này vốn là một nhân viên phân tích hình ảnh làm trong một đơn vị của tình báo phương Tây. Ông Ivan Andrievski – Phó chủ tịch của Hiệp hội các kỹ sư Nga, cho biết: “Bức hình kèm với một bức thư được gửi qua hòm thư điện tử của một cựu sinh viên Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), đồng thời là một chuyên gia hàng không với 20 năm trong nghề”. Đại diện của Hiệp hội kĩ sư Nga khẳng định bức hình là thật và sẵn sàng cung cấp cho các chuyên gia quốc tế phân tích, kiểm tra.

Phát thanh viên của đài, ông Mikhail Leontyev cũng nhấn mạnh: “Để làm giả một thứ như thế này, cần có những chuyên gia tinh vi hơn cả chính những người có khả năng tiếp cận được những thông tin như vậy”. Ông Leontyev còn có những bình luận khá thách thức khi nói rằng hình ảnh này sẽ khiến Thủ tướng Úc Abbott không dễ lên tiếng khi được biết ông đang có ý định chất vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin về chuyến bay gặp nạn MH17 tại hội nghị G20 đang diễn ra.

Tuy nhiên, ngay sau khi bức ảnh được công bố, các blogger tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có blogger Nga phát hiện ra quá nhiều nghi vấn giả mạo như chiếc máy bay trong bức hình Channel One công bố là Su-27 chứ không phải MiG-29. Kích thước của MH17 và chiến đấu cơ trong bức hình cũng được cho là không cân đối, độ cao của hai chiếc máy bay chênh lệnh khoảng 10km. Chiếc máy bay MH17 bị bắn rơi vào lúc 13h21 (giờ địa phương) nhưng hình ảnh từ vệ tinh cho thấy hình ảnh thu được từ ban đêm. Maksim Kats, một blogger người Nga nói rằng chiếc máy bay trong ảnh giống như kết quả tìm kiếm trên Google khi bất cứ ai đó gõ cụm từ tìm kiếm bằng tiếng Nga “tầm nhìn Boeing từ trên cao”. Thêm vào đó, dường như chiếc máy bay trong ảnh là một chiếc Boeing 767 chứ không phải 777 như MH17. Ngoài ra logo “Malaysia” trên chiếc máy bay trong hình ảnh vệ tinh đã đặt sai vị trí còn những đám mây trong hình vệ tinh chứng tỏ đó thực ra là những hình ảnh Google Earth được chụp ngày 28-8-2012!

CHO ĐẾN ‘BẰNG CHỨNG KHÔNG THỂ CHỐI CÃI’ BUK BẮN MH17

Ngày 17 tháng 9 năm 2018 cuối cùng thì Trung tướng Nikolai Parshin, lãnh đạo Tổng cục Tên lửa và Pháo binh của Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức cho biết họ “có bằng chứng không thể chối cãi” rằng tên lửa Buk tấn công chuyến bay MH17 là của Ukraine. Việc Nga phải chấp nhận MH17 bị rơi bởi tên lửa Buk cũng đồng nghĩa với việc những bằng chứng và giả thuyết trước đó họ đưa ra về MH17 là sai sự thật.

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksandr Turchynov nói rằng mục đích của tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga là để tránh trách nhiệm đối với chiếc máy bay bị rơi. Ông nói: “Trong trí nhớ của tôi, đây có lẽ là phiên bản thứ chín hoặc thứ mười mà quân đội và chính trị gia Nga đang cố gắng áp đặt lên cộng đồng thế giới để che giấu sự liên quan của họ trong tội ác khủng khiếp này. Có một người điều phối Tây Ban Nha, có một máy bay chiến đấu của Ukraine và các tên lửa không đối không, cũng có một người được gọi là cựu quân nhân lúc đó đang ở sân bay nơi một máy bay Ukraine cất cánh để bắn hạ một chiếc Boeing và nhiều lời nói dối khác”

Eliot Higgins , một nhà báo người Anh tham gia điều tra cho biết: ‘Nhiều lần Bộ Quốc phòng Nga bị bắt gặp nói dối trong vụ bắn hạ chuyến bay MH17. Do đó, không có cách nào để tìm hiểu xem phiên bản này [của Nga] có đúng sự thật không. Nhóm điều tra quốc tế liên tục yêu cầu Nga cung cấp tài liệu và họ chưa nhận được gì từ Nga…Vì vậy, tôi thậm chí không muốn bình luận về cuộc họp báo đáng thương này, bởi vì họ đã nói dối rất nhiều lần rồi’





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *