A: David Chan, MD from UCLA, Stanford Oncology Fellowship
Tôi sẽ không nói rằng các bác sĩ người Mỹ lo lắng về việc bị kiện bởi một cá nhân bệnh nhân nào. Nhưng khả năng bị kiện chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định hành nghề y khoa hàng ngày.
Một vài năm trước đây, đã có một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Massachusetts ước tính rằng một phần ba tất cả các xét nghiệm y khoa đã được thực hiện là vì lý do phòng hờ.
Để hiểu vấn đề này, hãy thử hình dung bạn trong vai trò một bác sĩ tổng quát. Bệnh nhân của bạn là một bà mẹ 33 tuổi có ba đứa con. Cô ấy đến gặp bạn vì chứng đau đầu. Cơn đau đầu hành cô kinh khủng vào các ngày trong tuần nhưng mà đỡ hơn nhiều vào cuối tuần khi chồng cô ấy có ở nhà để phụ giúp với mấy đứa con. Tháng trước, khi cô đến Florida chơi ở Disneyworld, cơn đau đầu của cô đã biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, nó bắt đầu âm ỉ trở lại sau khi cô quay trở về nhà. Cô cũng đang lo lắng rằng công ty của chồng cô đã thông báo sắp có một đợt sa thải trong vòng 3 tháng tới.
Là bác sĩ, bạn sẽ cho cô ấy đi kiểm tra mắt để đảm bảo rằng cô không cần kính và sau đó kê cho cô ấy 2 viên Advil sau mỗi bữa ăn. Bạn dặn cô ấy trở lại tái khám sau một tháng.
Sau một tháng, cô ấy trở lại và kể với bạn là đứa con giữa của cô mới bị gãy chân và phải đeo nạng. Bây giờ cô ấy phải mất gấp đôi thời gian để đưa con đi học. Cơn đau đầu của cô trở nên tệ hơn bao giờ hết. Cô đã kiểm tra mắt và đeo kính mới nhưng chẳng đỡ hơn chút nào.
Đến đây thì bạn biết rằng 99.99% khả năng là cô ấy bị nhức đầu vì căng thẳng.
Vậy bạn sẽ làm gì?
Nếu đang ở Anh, hay Pháp, hay Đức, hay Đan Mạch, hay Hà Lan, hay Canada, bạn sẽ báo cho cô ấy rằng cô ấy bị nhức đầu do căng thẳng và đề xuất cô ấy nên thử một buổi mát-xa hoặc vật lý trị liệu.
Nhưng mà không, không. Không có chuyện như vậy ở Mỹ. Ở Mỹ, bạn sẽ cho cô ấy đi chụp cộng hưởng từ não và giới thiệu cô ấy đến một bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Tại sao ư?
Bởi vì vẫn còn một khả năng khác (mặc dù tỉ lệ rất nhỏ) là cô ấy bị u não. Nhưng chỉ cần bạn chẩn đoán sai một chút thôi, luật sư của cô ấy sẽ lôi bạn ra tòa. Anh ta sẽ trưng ra tấm hình cô ấy bị liệt ngồi trên xe lăn vây quanh bởi 3 đứa con nheo nhóc và lúc đó thì sự nghiệp của bạn sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Trên thực tế, công ty bảo hiểm thậm chí còn không cho bạn để vụ này ra tòa. Họ sẽ buộc bạn phải dàn xếp để trả tiền bồi thường.
Massachusetts là nơi tập trung những bác sĩ thông minh nhất toàn nước Mỹ. Nó là một tiểu bang nhỏ thôi, nhưng mà hầu hết mọi người đều tốt nghiệp từ Đại học Harvard, Đại học Boston, Đại học Tufts hay Đại học Massachusetts. Vậy mà ngay cả ở đây, một phần ba tất cả các xét nghiệm được thực hiện vì lý do phòng hờ. Họ biết gần như chắc chắn là người mẹ ba con 33 tuổi đó không bị u não, nhưng họ không dám làm liều với hệ thống tòa án của Mỹ.
Trong cuộc khảo sát này, một nửa số bác sĩ ở Massachusetts thừa nhận đã từng hành nghề phòng hờ. Nhưng dựa trên số lượng các thử nghiệm mà tôi thấy được đặt hàng, tôi cược là con số đó còn hơn cả hơn 95%.
“Mặc dù bản chất và độ phổ biến của tình trạng hành nghề phòng hờ (defensive medical practice) còn đang gây tranh cãi, hẩu hết mọi người đều đồng thuận là cái giá phải trả là quá cao. Nhiều báo cáo ước tính tình trạng này gây tốn kém cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ hơn 100 tỷ đô la mỗi năm, chiếm tới 12% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe.”
“Trong một nghiên cứu được xuất bản năm ngoái bởi Viện nghiên cứu Thái Bình Dương, tổng tác động của cơ chế hiện hành là 124 tỷ đô la mỗi năm, với mức thâm hụt gần 38 tỷ đô la vào hệ thống chăm sóc sức khỏe.”
Cộng thêm vào đó 26 tỷ đô la tiền lệ phí hàng năm để mua bảo hiểm sơ suất (malpractice insurance) và chúng ta có gần 200 tỷ đô la mỗi năm bị phung phí thay vì dùng số tiền đó để chi vào việc chăm sóc y tế cho người nghèo.
Nguồn:
Một nghiên cứu khác từ Đại học Connecticut cũng xác nhận những thông tin này.
“Khoảng 83 phần trăm đã báo cáo đã từng hành nghề phòng hờ, và trung bình từ 18% đến 28% các xét nghiệm, thủ tục, giới thiệu, và tham vấn cũng như 13% các chỉ định nhập viện là vì lý do đề phòng. Tình trạng này ước tính gây tổn thất tối thiểu là 1.4 tỷ đô la mỗi năm ở Massachusetts.”
“Bài nghiên cứu, ‘Investigation of Defensive Medicine in Massachusetts,’ lần đầu tiên thống kê cụ thể mức độ ảnh hưởng của việc hành nghề phòng hờ ở mức độ chung và trong cụ thể một số chuyên khoa.”
“Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên chỉ rõ mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng hành nghề phòng hờ trong nhiều chuyên khoa y tế—từ gây mê, cấp cứu, nội khoa, phẫu thuật tổng quát, phẫu thuật thần kinh, chỉnh hình, đến sản khoa/phụ khoa—với chi phí Medicare”.
Nguồn: http://advance.uconn.edu/2009/090223/09022302.htm
Hệ thống y tế ở Massachusetts, nơi có Tạp chí Y học New England và các bệnh viện và phòng khám thuộc Harvard, có thể nói là tốt nhất trên thế giới. Vậy mà ở đây họ vẫn đang lãng phí hàng tấn tiền vào các xét nghiệm không cần thiết trên công dân của họ.
Nước Mỹ không chỉ đang làm lãng phí rất nhiều tiền bạc. Người Mỹ cũng đang chịu rất nhiều rủi ro bởi vì họ phải chịu bức xạ không cần thiết từ các buổi chụp CT và nguy cơ biến chứng từ các thủ tục phẫu thuật thừa thãi. Điều này còn đặc biệt nghiêm trọng trong các phòng cấp cứu của chúng ta, nơi mà thời gian rất gấp rút và các bác sĩ phải đưa ra các phán đoán nhanh chóng. Gần như tất cả những ai bị đau bụng hoặc khó thở đều được cho chụp CT.
Sự lãng phí tài nguyên này không xảy ra ở bất kỳ hệ thống chăm sóc sức khỏe nào khác trên thế giới bởi vì không có quốc gia nào khác có hệ thống trách nhiệm dân sự (tort system) như Mỹ.
Tôi tin là phải có biện pháp tốt hơn để kỷ luật các bác sĩ bất lương cũng như đền bù cho nạn nhân của việc hành nghề thiếu trách nhiệm. Không phải tất cả kết quả đáng tiếc xảy ra đều là do việc hành nghề thiếu trách nhiệm.
Người Mỹ không thể mong đợi có thể loại bỏ hoàn toàn những kết quả không như ý muốn. Cơ thể con người không phải là một cỗ máy nên sẽ luôn có những vấn đề sức khỏe mà không ai có thể cứu chữa được, cũng như không có một bác sĩ nào là hoàn hảo cả.