“Hold That Tiger” là album phòng thu thứ ba của ban nhạc jug (ban nhạc sử dụng nhạc cụ tự chế) The Muddy Basin Rambler, một nhóm người Âu Mỹ sống tại Đài Bắc, Đài Loan. Album gồm 22 ca khúc với phong cách đa dạng, từ swing jazz, blues và ragtime đến nhạc diễu hội chùa truyền thống Đài Loan, Nakashi (hay còn được gọi là Enka), nhạc dân gian Ái Nhĩ Lan và hip hop Đài Loan. Lời nhạc cũng bao quát nhiều chủ đề, từ các tín ngưỡng dân gian đến cộng đồng người châu Á lưu vong, phong trào văn học hậu chiến Beat generation, cơn sốt khoa học viễn tưởng những năm 50 và lịch sử nhạc Jazz. Ban nhạc là một trong những cái tên tham dự giải Grammy thường niên lần thứ 62 với album Hold That Tiger – tác phẩm được đề cử giải Best Recording Package.
Thiết kế bao bì album Hold that Tiger được thực hiện bởi Andrew Wong và Yang Fong-Ming – 2 nhà thiết kế thuộc Onion Design Associates. Để thể hiện tính chất thử nghiệm của âm nhạc và các chủ đề được khai thác nêu trên – các chủ đề mang nhiều nét giao thoa văn hoá phương Đông và phương Tây, đội ngũ thiết kế quyết định yếu tố thị giác chủ đạo sẽ là sự kết hợp văn hoá dân gian Đài Loan và triết lí Đạo giáo với phong cách Viễn tưởng – hoài cổ (Retro-futurism) những năm 50.
Bìa album
Tựa đề “Hold that tiger” được lấy từ lời bài hát “Tiger Rag”, một ca khúc mang hơi hướm Jazz năm 1917, và cũng là bài hát đầu tiên trong album. Đội thiết kế khai thác hình tượng Trương Lăng – người đã sáng lập ra giáo phái Ngũ Đấu Mễ Đạo cùng Chính Nhất Đạo trong Đạo giáo Trung Quốc, vốn thường gắn liền với hình ảnh con hổ trong bùa và các tấm bát quái dùng để xua đuổi tà ma. Vị thiên sư được biến tấu tạo hình với một chiếc mũ bảo hiểm phi hành gia, kính 3D và đàn tuba để phù hợp với concept retro.
Lời đề của nghệ sĩ
Lời trích dẫn của ban nhạc trong album được viết bằng tiếng Anh và tiếng Hoa, trong đó phiên bản tiếng Hoa sử dụng các kí tự trên Phù lục của Đạo giáo. Những kí tự này xuất phát từ các văn bản bí truyền liên quan đến các sách ma đạo thư của Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước. Cách trình bày lời nhạc trên hệ khung lưới được lấy cảm hứng từ bảng Tử vi đẩu số (紫微斗數), thuật bói toán phổ biến có nguồn gốc từ Đạo giáo ra đời vào thời nhà Đường (khoảng năm 618 – 907).
Bìa đựng CD
Đĩa CD được bọc trong một tấm giấy màu vàng cũng với kiểu dáng gợi nhớ đến Phù lục Đạo giáo. Phần chữ đỏ thoạt nhìn có vẻ giống chữ Hoa trên triện vuông, nhưng thực ra đó là tên ban nhạc cùng tựa đề album được kết hợp và cách điệu một cách khéo léo. Kĩ thuật sắp xếp chữ này là nghiên cứu của nghệ thuật gia nổi tiếng Từ Băng gọi là “Phương khối tự” – lối viết chữ Latin trong các khối vuông nhằm giúp người không sử dụng tiếng Hoa hiểu cấu trúc chữ Hoa. Khi được gấp lại thành một khối vỏ hình lục giác với kĩ thuật origami, bìa đựng CD trông như một tấm bùa hộ mệnh Đài Loan.
Nhãn dán trên đĩa
Thiết kế nhãn đĩa tham khảo vòng tròn 12 con giáp trong bảng tử vi ở Nghi Lan – một huyện ở đông bắc Đài Loan.
Nguồn: Packaging Of The World | Taiwan Beats