Đây là lần đầu tiên bộ môn nhảy đường phố này góp mặt trong chương trình thi đấu tại một kỳ Thế vận hội mùa hè. Breakdance, hay breaking, b-boying/b-girling, là một phong cách nhảy đường phố trong văn hóa hip hop, bắt nguồn từ Mỹ. Các động tác nhảy trong breakdance được chia thành 4 loại: toprock, downrock, freezes, và powermove. Nhạc được sử dụng trong breakdance thường thuộc thể loại hip-hop, funk, soul và break music; tuy nhiên các thể loại khác cũng có thể được sử dụng nhưng thường trong một khuôn mẫu về nhịp độ và giai điệu phù hợp. Thi đấu trong breakdance lấy hình thức đối kháng (battle), ở đó hai bên sẽ thay nhau nhảy theo một bài nhạc ngẫu nhiên và được ban giám khảo chấm điểm dựa trên độ phức tạp của động tác, độ liên kết, tính nghệ thuật và độ feel nhạc của người nhảy.
Breakdance (hay đúng hơn là breaking-thuật ngữ được ưa dùng bởi những người sáng tạo ra nó và phần lớn cộng đồng breaking) được thai nghén bởi cộng đồng giới trẻ Mỹ gốc Phi và Puerto Rico vào những thập niên 70s. Dần dà, breakdance trở thành một thành tố quan trọng trong văn hóa hip-hop. Với tính chất ngẫu hứng cũng như phóng khoáng của nó, breakdance trở thành một hình thức để thể hiện bản thân của một bộ phận giới trẻ, và cùng với nhiều thành tố khác của văn hóa hiphop, nó bị gắn mác “nổi loạn” bởi phương tiện truyền thông cũnh như trong văn hóa đại chúng. Ngày nay, breakdance có nhiều phong cách khác nhau và được biểu diễn ở nhiều nước. Các cuộc thi đấu quốc tế cũng như sự kết nối của internet đã giúp breakdance trở thành một bô môn yêu thích của giới trẻ toàn cầu.
Breakdance là một môn thi đấu trong Thế vận hội trẻ 2018 tại Buenos Aires 2018 với 3 nội dung gồm đơn nam, đơn nữ và đôi nam nữ. Thú vị thay, breaker Lê Minh Hiếu của Việt Nam (hay còn gọi là B4) đã dành huy chương vàng trong nội dung đôi nam nữ, cùng với breaker Ramu Kawai của Nhật Bản. Ban tổ chức của TVH Paris 2024 đã đề xuất breakdance được đưa vào chương trình thi đấu cùng với trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng (ba môn này đã xuất hiện tại Tokyo 2020) và đã được IOC chấp thuận. Đề xuất này là một nỗ lực nhằm mang Olympics gần gũi và thu hút hơn tới giới trẻ.
Nguồn: olympics.org, Wikipedia và từ điển Britannica