Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ khoa Tim mạch đã can thiệp cấp cứu thành công bệnh nhân nam bị cơn đau thắt ngực trái.
Bệnh nhân là ông P.V.T (64 tuổi, trú tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái lan ra cánh tay, đau tăng khi gắng sức.
Sau khi chiếu chụp và làm xác xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Cơn đau thắt ngực không ổn định/ ĐTĐ typ II, có chỉ định chụp mạch vành can thiệp.
Kíp can thiệp do Ths.BS Đinh Danh Trình, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp đã tiến hành can thiệp đặt stent cho bệnh nhân. Kết quả chụp mạch vành có Hẹp 80-90% RCA1-3; Hẹp 90% LAD3, kíp đã tiến hành can thiệp đặt 02 stent phủ thuốc đoạn RCA1-2-3. Sau can thiệp, sức khỏe người bệnh đã ổn định.
Bác sĩ Đinh Danh Trình cho biết, cơn đau thắt ngực không ổn định xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành nuôi cơ tim, thường do nguyên nhân xơ vữa động mạch dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ lòng mạch.
Triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định sẽ dữ dội và kéo dài hơn. Cơn đau có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ đau tăng dần. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau thắt ngực không ổn định, bao gồm: Những người có thói quen hút thuốc lá; Những người bị xơ vữa động mạch, động mạch giòn và cứng;
Người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, nồng độ cholesterol trong máu cao; Có tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh. Bên cạnh đó: Tuổi tác, giới tính, chủng tộc cũng tạo nên những nguy cơ gây đau thắt ngực không ổn định”, bác sĩ Trình chia sẻ.
Theo bác sĩ Trình, điều trị đau thắt ngực không ổn định bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa: Đối với điều trị nội khoa là nhanh chóng dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, làm giảm triệu chứng đau ngực. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa cần được can thiệp cấp cứu.
Để phòng ngừa đau thắt ngực không ổn định cũng như các bệnh mạch vành, bác sĩ Trình khuyến cáo, mọi người cần:
– Xây dựng lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích;
– Có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress;
– Thực hiện chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các chất dinh dưỡng;
– Tập thể dục mỗi ngày vừa giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao đề kháng;
– Duy trì cân nặng hợp lý, tránh để thừa cân béo phì.
“Đặc biệt, khác với đau thắt ngực ổn định thì cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện.
Nếu không dự phòng điều trị tốt, người bệnh sẽ có nguy cơ cao tử vong. Chính vì thế, khi thấy dấu hiệu của đau thắt ngực không ổn định, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và xác định chính xác tình trạng sức khỏe để có biện pháp can thiệp kịp thời”, bác sĩ Trình nhấn mạnh.