Thứ bảy, ngày 24/05/2025 08:57 GMT+7
Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 24/05/2025 08:57 GMT+7
Sau khi nhận được báo cáo ban đầu của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai liên quan đến việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm do Công ty EBC Đồng Nai sản xuất, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu đơn vị này tiếp tục làm rõ các vi phạm.
Ngày 24/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, sau khi nhận được báo cáo ban đầu của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai liên quan đến việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm do Công ty EBC Đồng Nai sản xuất, Cục Quản lý dược yêu cầu đơn vị này tiếp tục làm rõ các vi phạm.
Theo ông Hùng, trong trường hợp lỗi vi phạm mang tính chất hệ thống sẽ xử lý tổng thể, không xử lý theo vi phạm cá biệt từng lô sản phẩm. Hiện Cục đang chờ kết quả của Sở Y tế Đồng Nai để có xử lý cụ thể tiếp theo.

Cụ thể, ngày 23/5, Cục Quản lý dược có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Trong văn bản này, Cục cho hay đã nhận được công văn số 2677/SYT-TTra ngày 22/5 về việc thông tin nhanh kết quả kiểm tra, xử lý việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm đối với sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai sản xuất.
Căn cứ nội dung thông tin nhanh kết quả kiểm tra, xử lý việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến hai sản phẩm này.
Trong đó, Cục đề nghị công ty sản xuất cung cấp hồ sơ nguyên liệu, quy trình sản xuất, thử nghiệm chất lượng sản phẩm và báo cáo số lượng các lô đã đưa ra thị trường. Đồng thời yêu cầu xác minh có hay không việc sử dụng chất 2-phenoxyethanol không đúng quy định với sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo.

Đối với sản phẩm chống nắng Hanayuki Sunscreen Body, kiểm tra thử nghiệm khả năng chống nắng (SPF) của các sản phẩm, kèm theo kết quả thử nghiệm (nếu có).
“Căn cứ vào kết quả kiểm tra và báo cáo của Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. Đồng thời, chuyển hồ sơ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý trong trường hợp có vi phạm hình sự, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả. Cục Quản lý dược thông báo để Sở Y tế biết và sớm triển khai thực hiện”, văn bản của Cục Quản lý dược nêu rõ.
Liên quan hai mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành do công ty của chồng Đoàn Di Băng phân phối, ngày 22/5 đoàn thanh tra của Sở Y tế cho rằng không có dấu hiệu hình sự, đề nghị xử phạt hành chính.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group là pháp nhân đứng sau thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki. Ông Nguyễn Quốc Vũ – chồng ca sĩ Đoàn Di Băng – là người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc của công ty.
Thời gian qua Đoàn Di Băng cũng trở thành “gương mặt thương hiệu” để đưa sản phẩm ra thị trường.
Trước đó, ngày 7/5 và ngày 16/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g). Lý do kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu sản phẩm vi phạm giới hạn vi sinh vật và chứa 2-phenoxyethanol – thành phần không có trong công thức đã đăng ký công bố.
Đáng chú ý, sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body có chỉ số chống nắng trên nhãn là SPF 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm là SPF 2,4.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra ngày 20/5 và biên bản làm việc của đoàn kiểm tra với người đại diện Công ty EBC Đồng Nai, công ty đã xác nhận các lỗi vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, cụ thể:
Hành vi thứ nhất, sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (chất bảo quản 2-Phenxyethanol không có trong thành phần trên nhãn).
Hành vi thứ hai, sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng: Sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body có chỉ số chống nắng SPF là 2,4 thấp hơn so với ghi trên nhãn (SPF 50) và Sản phẩm Hanayuki Shampoo mẫu thử không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN).
Hành vi thứ ba, công ty kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật (thiếu mẫu nhãn sản phẩm).