Thứ năm, ngày 22/05/2025 15:22 GMT+7
Bộ Nội vụ lên tiếng về vấn đề “mức hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp”
Thuỳ Anh Thứ năm, ngày 22/05/2025 15:22 GMT+7
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách nhân văn, ưu việt, đóng vai trò là bệ đỡ cho người lao động (NLĐ) chẳng may mất việc. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chính sách này cũng bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung.
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn Tú – Trưởng Phòng BHTN, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) về nội dung này.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHTN trong thời gian qua?
– Chính sách BHTN được triển khai từ năm 2009. Sau hơn 16 năm, qua 2 giai đoạn, chính sách ngày càng thể hiện sự ưu việt, mang lại lợi ích cho cả NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Bộ Nội vụ hiện đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan để triển khai sâu rộng chính sách BHTN đến các đối tượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ thụ hưởng chính sách. Hiện nay, NLĐ không cần đến tận nơi nộp hồ sơ mà có thể thực hiện thủ tục đề nghị hưởng BHTN online trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến đối tượng thụ hưởng đã được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa thủ tục.
Chính sách BHTN hiện đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả NLĐ và NSDLĐ. Đây là một chính sách nhân văn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cả NLĐ và NSDLĐ khi gặp khó khăn. Mặc dù mức đóng BHTN thấp, nhưng nếu chẳng may thất nghiệp, NLĐ có thể được hưởng trợ cấp lên đến 200% so với phần đã đóng vào Quỹ BHTN. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Quỹ BHTN đã chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho NLĐ hơn 32.000 tỷ đồng và hỗ trợ NSDLĐ hơn 9.000 tỷ đồng, với tổng số tiền hơn 41.000 tỷ đồng.

Thưa ông, hiện nhiều lao động phản ánh rằng mức trợ cấp thất nghiệp (TCTN) còn thấp, chưa đủ để đảm bảo cuộc sống khi họ mất việc. Vấn đề này đã được xem xét trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chưa?
– Quỹ BHTN hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng. Người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, do đó việc xác định mức đóng và mức hưởng phải dựa trên sự cân đối của quỹ. Chúng ta đang hướng tới việc đóng BHTN dựa trên thu nhập thực tế, nhưng hiện tại, mức đóng chủ yếu dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (thường liên quan đến lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp lương), nên bình quân tiền lương làm cơ sở đóng quỹ còn thấp.
Với bình quân nền đóng là 6 triệu đồng/tháng – một con số chưa phản ánh thu nhập thực sự của nhiều người – thì mức hưởng 60% của nền này, theo tôi, không phải là tỷ lệ thấp. Trong xây dựng chính sách, điều tối kỵ là cắt giảm quyền lợi hiện có của người tham gia, đồng thời lại gia tăng các nghĩa vụ hoặc quy định ràng buộc đối với họ. Hiện nay, nếu không tăng mức đóng mà lại muốn tăng mức hưởng thì không khả thi. Đối với công chức, nếu chuyển từ chế độ biên chế suốt đời sang hợp đồng lao động, hình thức tham gia BHTN cũng sẽ thay đổi.
Khi đó, mối quan hệ lao động sẽ được xác lập bằng hợp đồng, có sự tham gia và chấm dứt rõ ràng (có vào có ra). Trong trường hợp này, Nhà nước vẫn là người sử dụng lao động và có trách nhiệm đóng BHTN cho người lao động của mình.
Thưa ông, hiện có ý kiến cho rằng việc chuyển hưởng chính sách BHTN của người lao động gặp khó khăn do vấn đề nơi cư trú. Ông có nhận xét gì về việc này?
– Hiện nay, việc chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp liên quan đến nơi cư trú của người lao động không có vấn đề gì. Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể nộp hồ sơ ở bất cứ đâu thuận tiện, dù là nơi cư trú, nơi thường trú…, miễn là phù hợp với điều kiện cá nhân.
Ví dụ, một người lao động làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, đóng BHTN tại một chi nhánh ở Hà Nội, khi mất việc có thể về quê hoặc đến bất kỳ địa phương nào khác để làm thủ tục hưởng trợ cấp. Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một kênh để người lao động lựa chọn nộp hồ sơ, chứ không phải kênh thay thế hoàn toàn việc nộp hồ sơ trực tiếp.
Đây là quyền lựa chọn của người lao động. Hiện Cục Việc làm cũng đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội C12 triển khai thí điểm 6 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Điều này không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn cách thức nộp hồ sơ, mà là bổ sung thêm một hình thức để người lao động có thêm lựa chọn linh hoạt, tiện ích hơn. Hiện nay, cơ sở dữ liệu cũng đang trong quá trình hoàn thiện nên việc triển khai đôi khi còn gặp một số vướng mắc nhất định.

Hiện nay Trung ương đang thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Theo tính toán, có hơn 13.000 cán bộ, công chức có thể sẽ dôi dư. Vậy, nếu nhóm này không được hỗ trợ theo chính sách từ Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ thì họ có được hưởng BHTN không, thưa ông?
– BHTN là chính sách mang tính ngắn hạn, với nguyên tắc cốt lõi là chia sẻ rủi ro và đóng – hưởng. Do vậy, người nào đóng BHTN thì mới được hưởng. Cán bộ, công chức hiện không thuộc đối tượng đóng BHTN nên sẽ không được hưởng BHTN khi nghỉ việc.
Nếu các đối tượng này nghỉ việc, họ sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách, giải pháp đặc thù để hỗ trợ nhóm đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính hoặc tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đối với viên chức hoặc người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (những người có tham gia đóng BHTN), khi họ mất việc do các trường hợp này, họ đương nhiên được hưởng BHTN theo quy định. Kể cả những người đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị định 178 và Nghị định 67, nếu họ đồng thời thuộc đối tượng tham gia BHTN, thì vẫn được hưởng thêm chính sách BHTN.
Ngoài việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN là người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 tháng trở lên, dự thảo còn đề cập đến việc mở rộng ra cả nhóm “đối tượng khác”. Vậy nhóm “đối tượng khác” ở đây cụ thể là những ai, thưa ông?
– Luật Việc làm đang được sửa đổi theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó có BHTN.
Về chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ BHTN, Nghị quyết 28 đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, số người tham gia BHTN đạt trên 16 triệu người, tương đương gần 32% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mục tiêu đến năm 2025 là 35% và đến năm 2030 là 45%. Về đối tượng tham gia BHTN, việc mở rộng được thực hiện trên cơ sở rà soát các nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Luật BHXH năm 2024.
Việc mở rộng đối tượng này vẫn tuân thủ nguyên tắc của BHTN là một chính sách ngắn hạn, chia sẻ rủi ro dựa trên cơ sở tiền lương đóng góp. Tuy nhiên, nếu triển khai BHTN theo hình thức tự nguyện mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi quỹ. Trên thế giới, một số quốc gia có BHTN tự nguyện, thường được quản lý thông qua tài khoản cá nhân; trong khi đó, nhiều quốc gia khác lại quy định bắt buộc người lao động phải tham gia BHTN.
Hiện nay, trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổ soạn thảo đã rà soát và đề nghị bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện tham gia BHTN bắt buộc, bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động ngắn hạn (từ 1 tháng trở lên) hoặc người làm việc không trọn thời gian nhưng có thu nhập ổn định. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề xuất giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc mở rộng thêm các đối tượng tham gia BHTN trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, sau khi Chính phủ đánh giá được khả năng quản lý tình trạng việc làm và thu nhập của các nhóm đối tượng này.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến gồm 8 chương với 58 điều. Trong đó, nội dung về BHTN chiếm một chương riêng với 25/58 điều, tức là gần 50% tổng số điều của dự thảo luật. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN lần này được thực hiện đồng bộ với các nội dung cải cách chính sách về thị trường lao động, cũng như việc xây dựng và phát triển thị trường lao động ở cả cấp trung ương và địa phương. Dự kiến, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 11/6 tới.