BPO – Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 4-2023. Đề án đã thắp lên hy vọng cho hàng triệu công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Thực hiện đề án này, Bình Phước đặt mục tiêu sẽ xây dựng 10.995 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và xây dựng 33.248 căn trong giai đoạn 2026-2030.
BÀI TOÁN AN SINH
Nửa đầu năm 2023, tình trạng suy giảm việc làm vẫn tiếp tục diễn ra. Chỉ tính trong quý 1/2023, toàn tỉnh có gần 2.000 người bị giảm việc và gần 1.700 người bị chấm dứt hoàn toàn hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cũng khiến công nhân khó có thể xoay xở được với số tiền lương mỗi tháng. Do vậy, đảm bảo an sinh cho công nhân, nhất là nhu cầu về nhà ở là vô cùng cấp thiết và chính đáng đối với người lao động thu nhập thấp. “Suy giảm việc làm khiến việc thực hiện các thiết chế công đoàn và an sinh xã hội hỗ trợ công nhân càng trở nên cần thiết hơn” – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Hương Giang nhận định.
Công trình nhà ở xã hội Phúc Thành, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài với quy mô 450 căn hộ – Ảnh: Thu Hiền
>> Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập và 1 dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội đã, đang được đầu tư xây dựng, với 847 căn nhà đã hoàn thành đáp ứng chỗ ở cho 435 cá nhân, hộ gia đình. Trong đó, dự án nhà ở xã hội Hưng Thịnh 260 căn, dự án nhà ở xã hội Phúc Thành 450 căn, nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Đất Xanh 137 căn. Con số này là quá ít so với nhu cầu nhà ở xã hội thực tế trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân trên địa bàn tỉnh khá lớn, khoảng 23.000 người. Đa số công nhân là lao động nhập cư và đang phải tự thu xếp chỗ ở, thuê trọ.
Thời gian qua, Tỉnh ủy và các cấp chính quyền luôn quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng hiện nay tỉnh vấp phải một số khó khăn như các địa phương khác trong thu hút đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế… chưa đủ hấp dẫn khi chủ đầu tư không trực tiếp thụ hưởng các chính sách này. Bởi theo quy định pháp luật thì không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Hơn nữa, ưu đãi thuế đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ để cho thuê không thực hiện được do pháp luật về thuế không có quy định. Bên cạnh đó, quy định doanh nghiệp chỉ được phép đạt lợi nhuận 10% khi xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng còn chậm triển khai. Tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này. Vì thế, có thể thấy các nhà đầu tư không “mặn mà” với nhà ở xã hội khiến việc đầu tư xây dựng bị hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở.
NỖ LỰC XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI
Xác định phát triển nhà ở xã hội phục vụ các nhóm đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt là công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, là giải pháp thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 14-9-2022 phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là 55,59 ha, định hướng đến năm 2030 khoảng 173 ha, tại những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long.
Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội năm 2022 tỉnh Bình Phước – Ảnh: Thanh Mảng
Để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, Bình Phước đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Hiện nay, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đang thực hiện các trình tự thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng đối với 9 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 62,99 ha thuộc địa bàn: Đồng Xoài, Chơn Thành, Bình Long, Đồng Phú, Hớn Quản và Bù Đốp.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện đúng quy định pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Đề nghị chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở.
Để thu hút chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, Bình Phước cũng đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Đồng thời kiến nghị sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội như: bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi cho nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính về nhà ở xã hội, tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư…
Thu Thảo
Nguồn Báo Bình Phước