BI KỊCH TỪ CUỐN SỔ LƯU BÚT TỬ THẦN

Hai vụ án mạng xảy ra vào 2001 và 2002 được kết nối bằng một cuốn sổ lưu bút, nhưng phải mất 20 năm cảnh sát mới xác định được hung thủ.

Khoảng 15h40 ngày 6/4/2001, khi đang chơi điện tử cùng bạn, Lưu Tư Giai, 18 tuổi, nhận được điện thoại của bố báo tin mẹ bị sát hại.

Ông Lưu, bố Giai, là người đầu tiên phát hiện cái chết của vợ – Thẩm Bội. Nạn nhân ngã gục trên giường, trên cổ có hai vết siết, bên cạnh có hai chiếc cà vạt, một chiếc đã bị đứt.

Theo điều tra, Giai rời nhà vào khoảng 13h, ông Lưu trở về nhà vào hơn 15h, Thẩm Bội bị sát hại trong khoảng cách hai tiếng đồng hồ đó. Chết do bị ngoại lực tác động vào cổ, hung khí chính là hai chiếc cà vạt nằm rải rác bên cạnh thi thể.

Cảnh sát suy đoán hung thủ là một người đàn ông có sức lực lớn, ra tay tàn nhẫn.

Gia đình nạn nhân sống khá giả nhờ việc kinh doanh của ông Lưu. Kiểm tra hiện trường, cảnh sát phát hiện các ngăn kéo trong phòng ngủ chính bị lục lọi nhưng không mất món trang sức giá trị nào. Chiếc két sắt được đặt ở vị trí rất dễ thấy trong nhà cũng không có dấu vết cạy phá. Như vậy, hung thủ gây án không phải vì tiền.

Quần áo trên người nạn nhân gần như nguyên vẹn, không thấy dấu vết xâm hại.

Ông Lưu khẳng định không dễ dàng tiết lộ địa chỉ nhà và số điện thoại cho người khác, càng không tùy tiện cho ai đến tận nhà. Trong khi đó, mối quan hệ cá nhân của Thẩm Bội rất đơn giản vì cô đã nghỉ ở nhà dưỡng bệnh từ lâu, chỉ thi thoảng đi dạo phố và khiêu vũ với hội chị em.

Điều tra hiện trường, cảnh sát phát hiện hung thủ đã thu dọn, xóa sạch dấu vân tay sau khi gây án.

Một hàng xóm sống ở tầng một cho biết vào khoảng 13h30 có nghe thấy tiếng chuông cửa nhà nạn nhân, sau đó là tiếng Thẩm Bội hỏi: “Ai đấy?”. Một người đàn ông nói giọng Thượng Hải trả lời rất nhanh: “Tôi đây”. Thẩm Bội không hỏi thêm câu nào mà mở cửa luôn. Dựa trên lời khai của hàng xóm, hung thủ hẳn có quen biết với nạn nhân, hoặc đã hẹn trước sẽ đến nhà.

Cảnh sát thấy bộ ấm chén sứ đặt trên bàn trà nhưng đã bị rửa sạch, có thể hung thủ từng sử dụng. Bố con ông Lưu cho biết chỉ mang bộ ấm chén này ra để tiếp đãi khách, bình thường không bao giờ dùng. Hơn nữa, hôm đó Thẩm Bội dùng loại trà Long Tỉnh mới, đắt tiền hơn để mời khách nên có thể phán đoán thân phận của kẻ này khá được Thẩm Bội coi trọng.

Giai nhớ ra chi tiết quan trọng là buổi chiều trước án mạng một ngày, một người đàn ông nói giọng Thượng Hải gọi đến nhà theo số cố định. Khi Giai nghe máy, người đàn ông nói ra tên của Giai và ông Lưu rất tự nhiên, đồng thời hỏi bố có nhà không, nhận được câu trả lời phủ định, đối phương cho biết sẽ gọi lại sau. Nhưng sau đó Giai hỏi lại bố thì được biết ông không nhận được cuộc gọi nào.

Cảnh sát điều tra hồ sơ cuộc gọi đến và phát hiện nó được thực hiện từ một bốt điện thoại công cộng sử dụng tiền xu nên rất khó xác định danh tính người gọi.

Khi án mạng xảy ra, Giai là học sinh chuyên ngành máy tính của một trường dạy nghề ở quận Hồng Khẩu, thành phố Thượng Hải. Vì sắp tốt nghiệp, cả lớp rủ nhau viết sổ lưu bút, trong đó ghi chi tiết địa chỉ, số điện thoại và các thông tin cá nhân khác của từng học sinh. Như vậy, tất cả bạn học đều biết địa chỉ và số điện thoại nhà Giai.

Trong hơn hai tháng, cảnh sát đã điều tra 137 người có liên quan đến gia đình nạn nhân nhưng không tìm thấy manh mối nào. Vụ án dần bế tắc.

Nhiều ngày trôi qua, bầu không khí trong nhà Giai bắt đầu thay đổi. Nỗi buồn và sự ngờ vực dần nảy sinh trong lòng hai bố con. Ông Lưu nghi ngờ con vì vào hôm định mệnh, Giai bỗng lấy điện thoại di động của mẹ một cách bất thường. Giai cũng thường xuyên cãi nhau với mẹ trong thời kỳ nổi loạn.

Theo Giai, điện thoại di động thời đó rất hiếm, vì vậy đã lén lấy điện thoại của mẹ mang đến nhà một bạn cùng lớp để khoe khoang. Giai hối hận và tự trách vì nghĩ nếu hôm đó không lấy điện thoại của mẹ, bi kịch có thể đã không xảy ra. Giai cũng ôm lòng ngờ vực bố vì hôm đó đột nhiên về nhà sớm và tái hôn khi vợ qua đời chưa bao lâu.

Giữa hai bố con nảy sinh rạn nứt, sống trong bầu không khí ngột ngạt. Cho đến chiều 1/7/2002, Giai nghe tin bạn cùng lớp tên Cao Tĩnh bị sát hại.

Mẹ Tĩnh phát hiện con gái bị bóp cổ chết trên giường khi trở về nhà vào khoảng 14h48 ngày 1/7. Chỉ trong hơn một năm, mẹ và bạn học lần lượt bị giết, Giai một lần nữa trở thành đối tượng điều tra của cảnh sát.

Đội điều tra nhận thấy nhiều điểm chung giữa hai vụ án. Nạn nhân đều là phụ nữ, gặp nạn tại nhà khi ở một mình vào buổi chiều.

Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện hung thủ cố tình dọn sạch hiện trường, không để lại dấu vết nào. Cửa không bị phá, tài sản trong nhà không bị mất, nạn nhân không bị tấn công tình dục.

Ba tiếng trước khi án mạng xảy ra, nhà nạn nhân cũng nhận được một cuộc gọi, tiếng ở đầu dây bên kia nghe như của nam giới trung niên nói giọng Thượng Hải. Mẹ Tĩnh bắt máy, nghe đối phương hỏi “Cao Tĩnh có ở nhà không?” nên đáp: “Giờ nó không có ở nhà, lát nữa sẽ về. Tôi có việc ra ngoài bây giờ, anh đợi nó về rồi gọi lại sau nhé”.

Mẹ Tĩnh không ngờ rằng chỉ hai câu nói đơn giản của bà đã giúp hung thủ xác nhận rằng nạn nhân ở nhà một mình và chuẩn bị đến gây án.

Cảnh sát điều tra hồ sơ cuộc gọi, phát hiện lần này hung thủ không gọi từ bốt điện thoại công cộng mà từ một cửa hàng tạp hóa cách hiện trường 6 km.

Chủ cửa hàng nhớ rằng hôm đó là buổi chiều mưa, rất ít người đến gọi điện, cô đặc biệt ấn tượng với một người đàn ông mặt mày dữ tợn vì không trả tiền. Kẻ này khoảng 40 tuổi, cao 1,7 m, nước da ngăm đen, đeo kính và nói giọng Thượng Hải. Dựa trên mô tả, cảnh sát lập tức vẽ chân dung nghi phạm.

Vì có nhiều điểm tương đồng, cảnh sát kết hợp hai vụ án của Thẩm Bội và Cao Tĩnh. Sau nhiều suy đoán và điều tra, họ nhận định hai vụ án do cùng một kẻ gây ra.

Cảnh sát đặt nghi vấn làm thế nào kẻ sát nhân biết được địa chỉ cụ thể và số điện thoại cố định của nạn nhân, và làm thế nào hắn lấy được lòng tin của nạn nhân để mở cửa cho vào nhà? Nghi vấn đổ dồn vào cuốn sổ lưu bút của Tĩnh, cũng chứa đầy đủ thông tin như của Giai.

Sau khi phân tích các tình tiết vụ án, cảnh sát nhận định hung thủ có thể là giáo viên, nhân viên quản lý hoặc phụ huynh của trường dạy nghề mà Giai và Tĩnh từng theo học.

Cảnh sát triệu tập tất cả bạn học của Giai và Tĩnh, hỏi xem có ai đánh mất sổ lưu bút và đưa bức chân dung để nhận diện. Trong đó, một nữ sinh tên Lương Tiếu cho biết: “Mẹ tôi hình như từng gặp người này”.

Tiếu kể, sau khi tốt nghiệp không lâu, mẹ cô nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông lạ tự xưng là giáo viên, nói muốn tìm hiểu tình hình việc làm của các học sinh vừa tốt nghiệp. Hắn nhắc đến tên của Lương Tiếu và giáo viên chủ nhiệm họ Vương, nói rằng thầy Vương bị ốm nên đến thay, nhưng liên tục tìm cách xác nhận chỉ có mẹ Tiếu ở nhà.

Hai tiếng sau, một người đàn ông đeo kính, mặc bộ vest màu xanh gõ cửa nhà Tiếu. Nhà Tiếu được xây thông hai phòng 601 và 602, có một cánh cửa nối giữa hai phòng. Thông thường, khách sẽ gõ cửa 601, nhưng người đàn ông nọ gõ cửa 602 – đây là địa chỉ Tiếu điền trong sổ lưu bút.

Hắn trông hiền lành, nhã nhặn, nói giọng Thượng Hải, nhưng không hỏi han gì đến tình hình của học sinh mà liên tục dò hỏi mẹ Tiếu xem còn ai khác ở nhà không. Hắn vừa nói chuyện vừa quan sát xung quanh, cho đến khi phát hiện còn một cánh cửa nối hai phòng thì dường như có chút dè chừng, nói thêm vài câu rồi vội vã bỏ đi.

Sau đó, mẹ Tiếu thấy khả nghi nên gọi điện thoại xác thực với giáo viên chủ nhiệm, được biết thầy Vương không bị ốm, cũng không nhờ giáo viên khác đi thăm hỏi gia đình học sinh.

Qua lời kể của mẹ con Tiếu, cảnh sát phán đoán cuốn sổ lưu bút chính là công cụ giúp hung thủ gây án, nhưng không học sinh nào trong lớp bị mất sổ.

Cảnh sát điều tra toàn bộ 54 học sinh cùng 78 thân thích là nam giới của các học sinh này bởi họ cũng có cơ hội xem cuốn sổ, tuy nhiên vẫn không tìm ra nghi phạm. Dẫu vậy, các cuộc điều tra đã ngăn chặn hung thủ tiếp tục gây án, hắn biến mất kể từ đó.

Sau khi có một bước ngoặt, vụ án lại bế tắc, lần này kéo dài suốt gần 20 năm.

Mẹ Tiếu may mắn thoát chết, nhưng gia đình của hai nạn nhân khác tan nát, suy sụp. Tình cảm bố con Giai từng rạn nứt nhưng đã hòa giải. Đến năm 2015, ông Lưu chết vì bệnh tật. Còn mẹ Tĩnh sống trong tự trách suốt nhiều năm qua, bà ân hận vì tiết lộ chuyện con gái ở nhà một mình trong điện thoại. Bố Tĩnh thấy con chết thảm, vừa oán trách vợ vừa tự trách không bảo vệ được con. Cùng năm 2015, bố Tĩnh cũng qua đời.

20 năm sau án mạng, công nghệ điều tra có nhiều tiến bộ, cảnh sát trích xuất bằng chứng sinh học của hung thủ từ những chứng cứ còn sót lại tại hiện trường. Sau đó, họ đối chiếu kết quả trên tổng số 421 người gồm phụ huynh học sinh, giáo viên cùng thành viên gia đình họ, nhân viên làm việc ở trường dạy nghề vào thời điểm đó.

Đầu tháng 3/2021, khi điều tra đến bố của học sinh Tào Lạc Lạc, cảnh sát phát hiện ông ta tỏ ra rất khó chịu, nói đã ly hôn và yêu cầu nhà chức trách nên điều tra một người đàn ông khác tên là Dương Kiến Quốc.

Bố mẹ Tào Lạc Lạc ly hôn từ năm 1996, sau đó người bố sang Singapore làm ăn. Khoảng thời gian 2001-2002, mẹ Lạc đưa con đến sống cùng bạn trai tên Quốc nhưng không đăng ký kết hôn, cả hai cũng không thông báo việc này với cảnh sát nên Quốc không có trong danh sách điều tra.

Tìm kiếm hồ sơ dữ liệu về Quốc, cảnh sát vô cùng bất ngờ vì ảnh hắn trông giống hệt bức phác họa chân dung nghi phạm năm đó.

Khuya 15/3/2021, cảnh sát ập vào nơi ở của Quốc, phát hiện hắn nằm trên sàn nhà với một vết thương sâu trên cổ tay, đã tử vong vì mất máu quá nhiều. Quốc 67 tuổi, bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Sau khi đối chiếu pháp y, mẫu ADN của Quốc và bằng chứng tại hiện trường hoàn toàn trùng khớp, hắn chính là kẻ sát nhân dùng cuốn sổ lưu bút gây án rồi lẩn trốn 20 năm. Vì sống cùng mẹ con Lạc, Quốc dễ dàng lấy được cuốn sổ ghi thông tin bạn cùng lớp của Lạc. Tuy nhiên, động cơ phạm tội của hắn không được hé lộ.

Theo cảnh sát, mẹ Lạc từng trải qua một cuộc đại phẫu vào đầu năm 2001, trước khi vụ án đầu tiên xảy ra. Sau khi bị bệnh, ham muốn tình dục của bà giảm sút, hung thủ có lẽ cảm thấy bạn gái không thể giúp mình thỏa mãn dục vọng nên nảy ý đồ độc ác với những phụ nữ khác.

Nguồn: Vnexpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *