Đó là vua Lý Huệ Tông, hoàng đế thứ 8 nhà Lý, cả cuộc đời đều theo sự sắp đặt của người khác: Nhỏ thì theo mẹ và cậu, trưởng thành thì bị nhà vợ thao túng. Bi kịch bắt đầu từ cuộc hôn nhân của ông và người vợ kết tóc: Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, tức cô Hai họ Trần.
1. Ba lần mới đón được vợ
Thông thường, điều đầu tiên một vị tân đế làm là: Phát tang Đại hành hoàng đế, ban chiếu đại xá, đổi niên hiệu. Riêng Kiến Gia đế, ông không quan tâm chính sự mà cử người đi đón vợ về cung. Hoặc có lẽ, đối với ông, vợ mới là chính sự.
Tháng 10/1210, ông sai quan đến đất Lưu Gia (Hưng Nhân, Thái Bình) đón vợ là cô Hai họ Trần về Long Phượng thành. Tuy nhiên nhà gái từ chối, Trần Tự Khánh “không chịu cho đón” mà vua đành chịu, không làm gì được.
Tháng giêng năm 1211, Kiến Gia cho người đến lần nữa nhưng anh vợ Trần Tự Khánh không chịu. Đến tháng 2, quan Phụng Ngự Sử Phạm Bố mới đón bà Trần thị về cung được.
2. Bát cơm sẻ nửa, đường đêm trốn cùng
Cuộc hôn nhân này khiến cho Đàm thái hậu không hài lòng, dù nhà thuyền chài này chẳng hề bình thường. Cho nên, bà tìm mọi cách bức hại con dâu.
Ban đầu, cô Hai họ Trần được sách phong Ngự nữ. Năm 1216, tấn phong bà làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu cho rằng Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, bảo phu nhân là bè đảng của giặc, yêu cầu Kiến Gia bỏ bà. Bà còn sai người nói với phu nhân là phải tự sát. Vua biết bèn ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của Phu nhân, nên mỗi bữa ăn, Vua chia cho Phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt Phu nhân phải uống mà chết, Vua lại ngăn không cho. Đêm ấy, Vua cùng với Phu nhân lẻn đến chỗ quân của Tự Khánh. Mùa hè năm 1216, Thuận Thiên công chúa ra đời, bà được sách phong hoàng hậu.
Kiến Gia hoàng đế đã dùng hết sức lực nhỏ bé của ông để cứu vợ khỏi sự bức tử của mẹ.
3. Kết cục của Kiến Gia hoàng đế
Lý Huệ Tông là ông vua bất hạnh. Khi còn ở ngôi Thái Tử, ông đã phải chạy loạn long đong, đến khi lên ngôi báu, nhà vua cũng vẫn phải tiếp tục bôn tẩu vì loạn lạc cứ thế nối dài không dứt. Trong triều, quan lại chia bè kết cánh mưu sát lẫn nhau, trong nhà, Thái hậu tìm cách bức hại Hoàng hậu, đã thế, Huệ Tông lại không có con trai nối dõi, thành thử nhà vua trẻ tuổi ấy đã buồn chán mà phát điên. Năm 1216 (lúc mới 22 tuổi), ông bắt đầu bị nhuốm bệnh. Từ năm 1217 trở đi, bệnh tình của ông càng ngày càng nặng, chính sự không quyết đoán được, giao phó hết cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác họ.
Từ ngày có mặt trong hoàng cung, Trần Thị Dung luôn tìm cách tạo điều kiện cho họ Trần phát triển thế lực. Khi triều Trần được thiết lập, bà một lòng giúp rập họ Trần. Đầu năm Bính Tuất (1226), Thượng hoàng Lý Huệ Tông bị phế, bắt ra ở chùa Chân Giáo, cho đổi gọi là Huệ Quảng Đại sư. Khi Lý Huệ Tông và nhiều tôn thất nhà Lý bị giết hại, bà đã gả cho Thái sư Trần Thủ Độ.
Nguồn: Tổng hợp.
Ảnh: Sưu tầm.
Theo: Alan Dương

Fact 2: Truyền thuyết dân gian kể: từ nhỏ, Trần Thị Dung và người em họ Trần Thủ Độ sớm đã thầm yêu trộm nhớ nhau. (Vương triều Trần sau này cũng luôn khuyến khích hôn nhân nội tộc). Tuy nhiên, hai người “có duyên nhưng không phận”. Năm 1209, Thái tử Sảm nhà Lý (vua Lý Huệ Tông sau này) chạy loạn về Hải Ấp nương náu họ Trần, khiến gia tộc này nảy ý định “buôn vua”. Họ đem Trần Thị Dung – cô con gái đẹp nhất trong họ – gả cho Thái tử rồi lấy danh nghĩa ấy mà dấy binh, đưa Sảm trở lại kinh đô. Một năm sau đó, Thái tử Sảm lên ngôi vua, còn bà trở thành Nguyên phi.