BÉ KHÔNG VIN, LỚN GÃY CÀNH?…

“Sau này lớn lên con muốn làm gì?”, đây có lẽ là câu mà không cha mẹ Việt nào không hỏi con mình từ khi chúng còn bé xíu. Không những hỏi, chúng ta còn lái cuộc đời nó theo ý muốn của mình.

Tôi không cho rằng những câu hỏi như thế là điều tốt. Con cái chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn, miễn không phạm pháp. Mà cái điều ấy, đúng thế, luôn là điều “có thể”, tức một sự tiềm tàng, nó chính là Cái-sẽ-là. Bằng những câu hỏi, những “định hướng”, những mong muốn, những mục tiêu, chúng ta đã nhốt con mình vào trong những bức-tường-bác sĩ, bức-tường-kỹ sư, giáo viên, phi công… Chúng là những bức tường thật sự. Ta gợi trong trong đầu con cái mình và đóng khung lại, cứng đơ với ý niệm rằng, trên đời chỉ có những cái nghề như thế.

Những đứa trẻ cần phát triển, chúng phải được phát triển tối đa những gì có thể, bằng một tinh thần không giới hạn, không khép kín, và không…mục đích.

“Bé không vin, lớn gãy cành” là một quan điểm đúng? Thực ra một cái cây thì cần được phát triển về mọi hướng với một bộ rễ khỏe mạnh được chăm bón và cành nhánh vươn về bất cứ đâu mà nó muốn. Đó là tự nhiên. “Vin” là ý tưởng và thành kiến của người thợ trồng cây cảnh, chứ không phải giáo dục con người. Nếu chúng ta muốn con cái đẹp theo lối những cây bonsai, hãy tưởng tượng, điều ấy thật ngu ngốc và tệ hại. Đáng ra cái cây ấy có thể vươn lên tận trời xanh và tán che rợp cả một vùng rộng lớn thì bây giờ với bác sĩ, kỹ sư, IT, kế toán v.v. chúng ta đã đặt chúng vào những cái chậu và sắt lại ở đó trong hình dáng của còi cọc, què quặt, và bệnh tật.

Nếu ta nhìn, ta sẽ thấy hầu hết những người sáng tạo và đưa nhân loại đi lên đều không phải bởi vì họ đã thực hiện rất hoàn hảo cái mẫu hình mà thế hệ trước đặt định; ngược lại, là nỗ lực phá vỡ những sự giam cầm kia.

Tôi có cảm tưởng rằng, phần lớn năng lượng trong đời một con người đang không được dành cho sáng tạo hay để sống, mà là để thoát khỏi sự kìm kẹp – cái sự kìm kẹp rất nhiều khi nhân danh tình yêu thương và nghĩa vụ.

Công việc của cha mẹ, tôi nghĩ, là cho con cái một mảnh đất màu mỡ và một bầu trời quang đãng. Nếu bạn đủ khả năng và lòng quả cảm để làm bạn với con (chứ không phải một ông thầy dữ đòn hay một bảo mẫu), lúc đó kỷ luật thật sự sẽ được thi hành. Vì kỷ luật không phải là sự bắt buộc; kỷ luật, theo nghĩa đúng nhất của từ này là khi người ta chú tâm và miệt mài theo đuổi điều họ đam mê. Không có tình yêu thì không có kỷ luật nào hết.

Đập vỡ những cái chậu và vứt cây kéo trong tay đi, chúng ta cần trả cây về cho đất. Nhưng muốn “phóng sinh” con cái, việc đầu tiên là phải giải thoát chính mình. Không cởi trói được cho mình khỏi những định kiến và hệ giá trị chết cứng thì cũng sẽ không giải thoát được cho ai cả. Xét cho đến cùng thì mục đích của đời người là hạnh phúc, chứ không phải thành công…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *