Ngày 25/12, tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trong thời gian vừa qua, khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh, Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị liệt mặt, méo miệng (liệt dây thần kinh số VII ngoại biên) vào nhập viện điều trị.
Điều đáng nói là trong đó có nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh và nguyên nhân đều có sự chủ quan từ phía người lớn.
Mới đây nhất là trường hợp cháu T.G.H, mới 24 tháng tuổi ở thành phố Việt Trì, nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.
Theo mẹ cháu chia sẻ, trước hôm bị bệnh 1 ngày, bố mẹ có cho cháu đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Thời tiết hôm đó đang chuyển mùa nên buổi tối có gió và se lạnh. Do chủ quan nên mẹ cháu không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bé.
Trước đó cháu bé không bị ngã hay có chấn thương gì, cháu vẫn chơi đùa, ăn ngủ bình thường. Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cháu bị méo miệng khi cười hoặc khóc.
Trong lúc ăn cháo, uống sữa thì thấy nước cháo, sữa chảy bên mép miệng bên trái, khi ngủ thấy mắt bên trái của cháu nhắm không kín. Cháu khó chịu, quấy khóc hơn mọi ngày nên gia đình đã đưa cháu đến khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám ngay trong ngày.
Tại Bệnh viện, người bệnh H được chụp cắt lớp vi tính kiểm tra sọ não không phát hiện tổn thương tại sọ; đi khám chuyên khoa Mắt, Tai mũi họng không phát hiện vấn đề gì ở mắt và tai mũi họng. Bác sỹ kết luận cháu bị liệt dâu thần kinh số VII ngoại biên và chuyển vào điều trị tại Trung tâm Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng.
Tại trung tâm Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng, cháu T.G.H được điều trị liệt dây thần kinh số VII kết hợp bằng các phương pháp: Châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, hồng ngoại,…
Tuy nhiên, người bệnh H mới được 24 tháng tuổi nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp của cháu với cán bộ y tế còn hạn chế.
Cán bộ không thể hướng dẫn các bài tập cho cháu, các phương pháp điều trị thực hiện trên cơ thể rất khó vì cháu không hợp tác. Nhưng bằng sự khéo léo và tận tình cháu vẫn được điều trị bằng các phương pháp an toàn, đem lại hiệu quả cao.
Hiện tại, sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm, cháu tiến triển tốt, ăn uống tốt, mặt được cải thiện nhiều, ăn uống không rơi, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, các hoạt động bình thường và đã được xuất viện.
Ngoài cháu T.G.H, trong thời gian vừa qua, khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh, Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên vào nhập viện điều trị.
Để đề phòng trẻ bị liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, bác sĩ Phan Huy Quyết – phụ trách Đơn vị Y dược cổ truyền, Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, vào mùa đông cần chú ý:
– Giữ ấm đầu, mặt, cổ cho trẻ.
– Khi trời rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt trẻ.
– Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt.
– Vào buổi tối hoặc ban đêm, không nên để trẻ ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa.
– Khi trời lạnh, nên hạn chế cho trẻ nhỏ ra ngoài vào buổi tối, nếu ra ngoài cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
– Khi cho trẻ đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
– Khi tắm cho trẻ cần chú ý: Nên tắm cho trẻ sớm, tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Khi giao mùa, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch trong ngày, hoặc giữa các ngày với nhau. Do đó, cha mẹ cần chọn đúng thời điểm để tắm cho trẻ.
Cha mẹ có thể chọn tắm cho trẻ vào một trong hai khoảng thời gian từ 9h30– 10h30 buổi sáng, hoặc buổi chiều từ 13h – 16h. Đối với trẻ lớn hơn, buổi sáng bố mẹ thường bận bịu và các bé chuẩn bị đi học nên thường tắm buổi chiều sau khi đi học về nhưng cũng không muộn sau 18h.
Cha mẹ tuyệt đối không nên tắm cho trẻ vào buổi trưa khoảng 11h – 13h, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt… Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2 – 3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).