bao-chi-va-tri-tue-nhan-tao

Báo chí và trí tuệ nhân tạo

Khi máy móc hỗ trợ toà soạn báo

Chia sẻ về ứng dụng AI và ChatGPT vào sản xuất sản phẩm báo chí tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), anh Ngô Trần Thịnh, phụ trách chương trình CafeTek cho biết, phóng sự truyền hình “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” được viết bằng chính ứng dụng ChatGPT. Đây là phóng sự đầu tiên tại Việt Nam do AI viết và đã lên sóng vào giữa tháng 2 vừa qua. Nội dung phóng sự nói về xu hướng AI tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Robot tích hợp AI có thể tự mình sản xuất tin tức. Ảnh: Getty Images

Sau khi ra đề bài cụ thể, chỉ trong vòng 8 phút, ChatGPT có thể đề xuất được 4 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ứng dụng này còn đề xuất luôn cả những chuyên gia tại Việt Nam để phỏng vấn. “Sau khi có bài viết cơ bản từ ChatGPT, ekip tiến hành lồng tiếng và tiến hành dựng clip trên nền tảng mà ứng dụng này đã viết”, anh Ngô Trần Thịnh chia sẻ.

Đánh giá về thành quả, anh Ngô Trần Thịnh cho rằng, văn bản mà ChatGPT thực hiện có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài tương tự như một biên tập viên 1 – 2 năm tuổi nghề. Không quá hay, nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để xong một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút, quá nhanh so với một biên tập viên bình thường có thể làm.

Tuy nhiên, AI vẫn còn nhiều khuyết điểm khi thực hiện một bài phóng sự như sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, dùng từ còn cứng do máy tổng hợp; phải hỏi Al đến 8 câu hỏi để hiểu ý đồ của ekip muốn truyền tải; chưa có yếu tố điểm nhấn và chưa có yếu tố con người… “Do đó phải biên tập kỹ và khá mất công. Tuy nhiên, sau sản phẩm này, tôi khuyến khích biên tập viên sử dụng ChatGPT để tham khảo trước về bố cục, đề tài trước khi chuyển lên ban biên tập”, anh Ngô Trần Thịnh chia sẻ.

Về ứng dụng công nghệ và AI tại báo Tuổi trẻ, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập cho biết, khi báo Tuổi trẻ chuyển đổi từ toà soạn truyền thống sang toà soạn hội tụ phải mất tới 10 năm, nhưng chuyển từ toà soạn hội tụ sang toà soạn chuyển đổi số (CĐS) thì chưa đến 2 năm. Việc này diễn ra vào thời điểm đại dịch COVID-19 do không thể vận hành toà soạn như cũ nên rất nhanh phải thích nghi.

“Thời điểm đó, tình huống phải chuyển đổi và công việc được giảm bớt nhờ ứng dụng công nghệ số, AI. Đầu năm 2023, báo Tuổi trẻ ra mắt Tuổi trẻ online mới với giao diện được làm trong chỉ 3 – 4 tháng nhờ ứng dụng công nghệ số, AI, trong khi đó trước đây một giao diện mới phải làm mất cả năm”, ông Lê Xuân Trung chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Xuân Trung, báo Tuổi trẻ cũng ứng dụng AI để phát triển dữ liệu người dùng. Báo đã thuê một công ty Ấn Độ làm rất tốt khai thác dữ liệu để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. “Báo cũng đang triển khai chat Tuổi trẻ trong nội bộ để phát triển đề tài từ nguồn dữ liệu của báo như một phóng viên đề xuất một đề tài mới thì phải nắm được thông tin các bài viết đã xuất bản liên quan để phát triển nội dung mới nhưng không lặp lại. Điều này có nghĩa là tìm ý tưởng mới từ dữ liệu cũ và sử dụng dữ liệu cũ làm nền”, ông Lê Xuân Trung chia sẻ.

Còn ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Báo điện tử báo Nhân Dân cho biết: “Về ứng dụng AI, hãng thông tấn Reuters thực hiện tốt khi tổng hợp các thông tin trên mạng thay vì nhiều cơ quan hiện nay phải tổng hợp thông tin báo chí. Hoạt động của toà soạn báo thường có ba khâu: Tổ chức sản xuất nội dung, thiết kế và phân phối nội dung. Khâu nội dung liên quan đến hậu kiểm, ứng dụng AI có thể giúp rà soát chính tả, các lỗi. Còn ứng dụng AI vào viết bài, với lĩnh vực thể thao cần có thông tin dữ liệu, hoặc bản tin chứng khoản cũng vậy, thì sử dụng AI khá thích hợp vì tổng hợp nhanh. AI ở đây mang tính chất trợ lý phóng viên hơn là viết báo”.

Trong thiết kế, đã có nhiều toà soạn ở Việt Nam ứng dụng AI để làm ra nhiều đồ hoạ, nhất là trong đợt dịch COVID-19. Ở Na Uy, một biên tập viên ứng dụng AI để bắt chước giọng gần giống với người nổi tiếng. Về phân phối phát hành báo chí, AI được ứng dụng nhiều để phân tích dữ liệu người dùng để cá nhân hoá nội dung, cung cấp đúng theo từng nhu cầu bạn đọc.

Từ góc độ báo địa phương, ông Mai Đức Thông, Tổng Biên tập báo Tuyên Quang cho biết: “Báo Tuyên Quang cũng như nhiều cơ quan báo chí địa phương đang trong giai đoạn bắt đầu ứng dụng AI trong hoạt động toà soạn. Báo Tuyên Quang coi đây là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế được nhà báo hiện trường, vì chatGPT không có nhạy cảm chính trị, nhân văn, đạo đức người làm báo…. Chúng ta không né tránh ứng dụng công nghệ, mà tranh thủ được thì phải trau dồi hơn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà báo để làm chủ AI”.

Thay đổi phương thức truyền tải

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế – xã hội, báo chí truyền thông phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dần quả tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn. Tuy nhiên, những ứng dụng AI, đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP đã sử dụng AI nhiều năm qua, sản xuất những bản tin tự động và đơn giản. Tuy nhiên, ngay cả khi số lượng các nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên, ông Lê Quốc Minh cho biết: “Các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo. Những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả”.

Ứng dụng AI cũng đặt ra nhiều vấn đề về cả quy định pháp lý lẫn đạo đức. Không chỉ nguy cơ AI tạo ra các thông tin sai lệch, ai sở hữu các bài viết do AI tạo ra? Ai chịu trách nhiệm với việc xuất bản các nội dung là sản phẩm của AI? Việc đối phó nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI sẽ như thế nào?… Đây là những câu hỏi phải tính tới.

Ông Lê Quốc Minh khẳng định: “Cần đầu tư vào AI trong báo chí, bởi nếu có ai đó nói không cần đầu tư cho AI thì là tụt hậu. Cách đây khoảng 4 năm, khi còn là Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tôi đã áp dụng AI trong hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam. Khi đưa ra hội nghị báo chí, có người nói là chuyện xa xôi, còn lâu AI mới vào Việt Nam. Nhưng giờ khi ChatGPT có trên thế giới thì người dùng tại Việt Nam cũng đã được trải nghiệm”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, sự xuất hiện của AI như ChatGPT cho báo chí cơ hội để loại dần các loại lao động, kỹ năng cơ bản mà máy móc có thể làm như con người, thậm chí làm tốt hơn. “Trí tuệ nhân tạo khiến chúng ta nhận ra đang phí sức, phí lực lượng như thế nào để tạo ra những sản phẩm báo chí giống nhau…”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông trình kế hoạch về sửa đổi Luật Báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt vấn đề rất lớn khi sửa luật là trước khi làm bất cứ kế hoạch nào phải trả lời được câu hỏi không gian của lĩnh vực này sẽ được mở rộng như thế nào. Ngày nay chúng ta đã định nghĩa được nhà báo, nhưng sau này AI viết được bài báo hay hơn cả nhà báo thì gọi là gì. Rồi thuật toán có phải báo chí hay không khi nó đang nắm hành vi, gợi ý cho độc giả…”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *