Mấy nay cái đầu nhiều hoang mang, tôi hay nghĩ về nó để thấy vui hơn chút. Mười mấy cửa hàng điện thoại của nó theo thời thế phải đóng cửa, mà ngành bán lẻ, mặt hàng công nghệ cao hay thấp thì đóng ngày nào là khổ đuối ngày nấy. Chưa kịp gọi hỏi thăm nó thế nào, ổn không thì đã thấy nó lập kho lương thực phát cho người nghèo, rồi nó gọi í ới hỏi “nhà có rau ăn không, nay em bán rau, mua ít về ăn đi”.
Chuỗi ngừng, nó xoay qua kết hợp với mấy bên, nhập nông sản về bán. Bán kiểu món 0 đồng, món đồng giá rất rẻ, ai chê rau thì trả lại tiền luôn, chỉ dặn mớ rau củ nhớ ăn được gì ăn, đừng bỏ hết, uổng lắm, bà con còn nhiều người khổ. Nó bán rau giao đi, đơn hàng nào cũng bỏ thêm nhiều nhiều.
Tuần trước, ghé chỗ nó bán rau ngồi quan sát thử, thấy sả và rau muống bán giá 0 đồng, mỗi người lấy 1 kg thôi. Có chị nói muốn lấy 5kg, tính tiền cho chị, nó nói “5kg 150k nha”, “trời, gì mắc dữ”, “vậy thôi, 100k, mà còn mắc á, hay 50k, hay 30k? Thôi, chị cầm luôn cho rồi, biết bao nhiêu mà tính. Về chia hàng xóm ăn nha chị, để rau hư”.
Có anh ghé vào mua ít bí và trứng gà, trứng gà nó bán rẻ nhiều so với mọi chỗ, “ủa, anh tuyến đầu mới đi chống dịch về hả, thôi anh cầm đi, cám ơn anh nha, bỏ thêm trái bí nè anh”.
Có một ông hơi lớn tuổi, áo quần xốc xếch, dắt xe đạp đi ngang, vào đứng nhìn, ông muốn nói gì đấy, nhưng ngài ngại. Nó hỏi “sao, chú ăn cái gì, cứ lấy thoải mái? À, không ăn, vậy không muốn rau, biết luôn nè, muốn tiền phải không? Có luôn, chỗ con cái gì cũng có, em gửi chú ít tiền đi em, thời ai cũng khổ”.
Ông già cầm tờ tiền, rơm rớm, mấp máy gì đó, chắc ông muốn nói hoàn cảnh, nhưng rồi thôi, ông cúi đầ cám ơn rồi dắt xe xiêu vẹo đi, Nó nhìn theo thở dài.
Tôi nói “mày bán vậy rồi lời lãi gì mày?”. Nó cười khè, “lời con khỉ á, toàn bán dưới giá vốn, kiếm chuyện làm và cho nhân viên làm chứ, để mình còn thấy mình chuyển động và chia sẻ được chút gì với mọi người, chứ đứng im lúc này thì chết”.
Chuỗi hoạt động cầm chừng, nó vẫn gắng chu toàn an sinh cho mấy trăm nhân viên, xoay sở cho mọi người ổn. Nó để đi bán rau được, phải ra ở riêng, tránh vợ con, sợ mình đi bán hàng lỡ vướng con virus đâu đó.
Một thằng nhiều gánh nặng như nó, nhiều thứ để lo, để mất như nó, mà vẫn còn chịu chơi tới bến, sống cuộc đã đời cho người cho mình vậy thì tôi có gì mà lo.
Suốt 2 tháng dịch tăng cường độ này, giữa những ngày khốn khó dần, chưa nghe nó than tiếng nhỏ. “Ngoài kia biết bao nhiêu người khó, khổ. Mình chung cuộc thôi”, nó hay nói vậy. Thế mà tối qua, đã nghe nó thở dài, cười buồn khi đăng cái hình các anh xe rác đến thu rau đem đổ, rau ế vì không còn giao được đến ai, nhân viên nó không thể tự giao và người giao hàng chuyên nghiệp không thể nhận đơn. Nhắn hỏi nó giờ tính sao, nó nói để coi đã, còn mấy chuyến xe rau củ quả sẽ tìm cách để đến được tay người cần, sau đó tính tiếp. Lần này nó bật ra tiếng nhỏ, rồi lại cười, cười không giòn như trước.
Thành phố này còn rất nhiều người như nó, đó chính là cách thành phố này tạo ra văn hóa riêng, các hình dung có thể nhiều khi trái ngược: năng động, uyển chuyển, bình dân, thương cảm, hiệu quả, thích ứng, bỗ bã, nương tựa, nhường nhịn, nỗ lực…
Văn hóa ấy đang góp phần vào việc giữ một thành phố đứng thẳng, một thành phố không để ai ngã xuống khi người bên cạnh còn giữ được họ, một thành phố luôn tìm ra cách đỡ nhau.
Giờ tôi không mong cố lên hay cố xuống gì nữa, giữa những giải pháp tình thế này chỉ mong còn nhiều người chịu chơi như nó, xoay sở làm chỗ tựa cho những người khác còn có thể chịu chơi.
Còn lại, chỉ mong vaccine, ồ ạt chảy về, càng nhiều người chích càng tốt, để thành phố có thể yên tâm trở lại sự phồn tạp đã đời, đáng yêu của mình.
THUAN VUONG TRAN