Năm 13 tuổi, tôi từng “nhặt” được một bà cụ ở nhà vệ sinh công cộng.
Lúc tôi đang chuẩn bị đi, có một bà cụ ở phòng bên cạnh hỏi: “Cháu gái, cháu có giấy không?”
Tôi đưa hết giấy còn lại cho bà.
Lúc tôi vừa ra ngoài, bà cụ lại hô: “Chái gái, chân bà bị tê không đứng lên được.”
Tôi quay lại, phí sức chín trâu hai hổ mới đỡ bà dậy được.
Chân bà không khỏe, đi đường rất nhọc. Tôi vừa đỡ bà đi vừa hỏi bà muốn đi đâu.
Bà lắc đầu ngơ ngác, xong rồi bật khóc bảo: “Cháu gái, cháu đi đi, không cần để ý đến bà.”
Trông bà cũng vừa độ tuổi bà ngoại mới mất của tôi, nhưng người lại gầy gò, hốc hác hơn nhiều.
Vốn dĩ tôi đang vội đi chơi với bạn, nhưng lại không nhẫn tâm bỏ bà ở đó một mình nên mới hỏi tiếp: “Nhà bà ở đâu? Bà đã ăn cơm chưa?”
Bà cụ nói bà đến đây tìm người thân, nhưng người ta đã chuyển nhà đi rồi, bà không biết nên đi đâu, từ sáng đến bây giờ vẫn chưa có gì vào bụng.
Thấy bà đáng thương nên tôi dẫn bà về nhà.
Lúc đó bố tôi bị bệnh phải uống thuốc quanh năm, một mình mẹ lo cho mấy anh chị em chúng tôi cũng chẳng dư dả gì.
Tuy không biết bà, nhưng nghe bảo cả ngày bà chưa ăn cơm, mẹ tôi vẫn gấp rút nấu cơm mang lên cho bà.
Nói chuyện được một lúc thì bà bật khóc, bảo là bản thân không con không cái, lặn lội lên đây nhờ cậy họ hàng cũng không thấy người, không quen biết ai, trong người lại không có tiền, tối đến lại càng không biết ngủ nghỉ ở đâu.
Thời đại đó người ta không có sự đề phòng hay lòng nghi ngờ nặng như bây giờ, cho dù điều kiện nhà mình không được tốt mà gặp người khó khăn thì vẫn muốn đưa tay ra giúp đỡ một phen.
Bố mẹ tôi đều là người lương thiện, cả hai an ủi bà, bảo là thị trấn cũng không lớn, nếu bà không chê thì trước tiên cứ ở nhà tôi, rồi bố mẹ tôi sẽ nghe ngóng người họ hàng nọ xem sao, biết đâu có thể tìm được.
Cho nên, bà cụ bắt đầu ở lại nhà tôi, khoảng hơn nửa tháng.
Bố mẹ tôi có đi nghe ngóng, có dò hỏi, nhưng vẫn không tìm ra tung tích của người họ hàng nọ.
Bà sống ở nhà nên cũng biết hoàn cảnh gia đình tôi chẳng khá khẩm là mấy. Bà biết, mẹ tôi thường đi chợ đầu mối vào mỗi sớm tinh mơ để nhặt rau người ta bỏ đi mà vẫn ăn được mang về, tối thì mẹ cũng chỉ uống nước với ăn bát cháo loãng là xong một ngày.
Vậy mà bây giờ lại thêm một người già trong nhà, cuộc sống của chúng tôi càng túng quẫn hơn.
Nhưng bố mẹ không hề có ý ghét bỏ bà, ngược lại vẫn thường an ủi bảo bà đừng lo, cứ yên tâm ở lại đây, tuy điều kiện trong nhà không được tốt nhưng ít nhất vẫn có cái nhà để ở, có bát cháo ấm lấp bụng, dù gì vẫn tốt hơn là lang thang ngoài đường không ăn không mặc.
Tôi cảm thấy bà rất đáng thương, mà bà ngoại vừa mất, nên tôi càng thân thiết với bà hơn.
Bà ở nhà tôi được khoảng 20 ngày thì vào một buổi tối nọ, bà mới bảo là có việc muốn nói với bố mẹ, còn cố ý bảo tôi ở lại.
Bà khóc, bà nói nhà chúng tôi đều là người tốt, không nỡ làm phiền nhà chúng tôi thêm nữa.
Bố mẹ với tôi vội an ủi bà, bảo bà đừng nghĩ nhiều nữa, không tìm thấy họ hàng cũng không sao, cứ ở lại là được, nhà ai cũng thế thôi, thêm bà cũng chỉ là thêm cái bát đôi đũa thôi.
Bà bảo chúng tôi đừng giận rồi bà mới nói, thật ra bà có con trai con trái. Chỉ là chồng bà vừa mất, lúc chia nhà, chia tài sản có cãi nhau với con trai, bực tức quá nên mới bỏ nhà ra đi, trên đường vừa hay gặp được bác tài xế tốt bụng cho đi nhờ lên thị trấn.
Bây giờ bà nghĩ thông rồi, cảm thấy con trai con gái đều là những đứa nhỏ hiếu thảo, bà muốn về nhà. Tuy cuộc sống ở nông thôn cũng không tốt hơn bao nhiêu so với ở đây, nhưng bản thân có thể tự trồng rau nuôi cá, dù gì cũng không chết đói được, không giống như ở thành phố, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm.
Bố mẹ tôi không trách, ngược lại còn thấy mừng thay bà, lập tức liên hệ với các con của bà.
Buổi trưa hôm sau, con trai, con dâu, con gái, con rể của bà tức tốc chạy lên nhà tôi đón mẹ.
Con trai con gái bà vừa thấy bố mẹ tôi thì quỳ xuống dập đầu cảm ơn, chú còn xúc động bật khóc liên tục nói cảm ơn bố mẹ tôi, nếu không có nhà tôi, họ cũng không biết bà đã lưu lạc ở phương trời nào. Cả nhà dưới quê tìm bà hơn 20 ngày, lật hết cả trước núi sau núi một lượt mà cũng không thấy, vậy mà không ngờ bà lại dỗi lên trấn đi lang thang.
Sau đó, chú ấy không ngừng dỡ đồ đạc xuống xe, có gà có vịt, có trứng có rau, chú ấy bảo tất cả đều là của nhà trồng được, không đáng bao nhiêu tiền, mong nhà tôi cứ nhận lấy.
Bây giờ đến lượt mẹ tôi hốt hoảng rồi, bố mẹ tôi là kiểu người làm việc tốt không mong hồi báo, nếu thật sự nhận những đồ vật này, hai người mới ăn không ngon ngủ không yên.
Mẹ bảo: “Mẹ con vừa mới mất, nếu mẹ con cũng đi lạc bên ngoài như bà, khẳng định cũng có người giúp đỡ thôi, việc này không đáng là gì.”
Lúc đó bà mới vội nói: “Không ấy con nhận bà làm mẹ nuôi đi, sau này hai nhà chúng ta thường xuyên qua lại có được không?”
Cuối cùng, bố tôi bị con trai bà kéo ra dập đầu với bà một cái, nhận bà làm mẹ nuôi, còn nhận thêm em trai và em gái nữa.
Sau nữa thì bà cụ tôi “nhặt” được trong nhà vệ sinh trở thành bà nội của tôi, tôi còn có thêm một người chú và một người cô nữa.
Kể từ đó, nhà bà nội, nhà chú với nhà cô đã giúp đỡ gia đình tôi vượt qua những năm tháng khó khăn ấy rất nhiều.
Quan niệm của tôi là, ăn hiền ở lành thì cuộc sống không thể tệ đi đâu được. Xã hội lúc bấy giờ cũng toàn những người tri ân tất báo, mà bố mẹ và nhà bà nội lại như hình ảnh thu nhỏ của xã hội ấy.
Lúc viết những dòng này kể lại chuyện xưa tôi vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động như thuở ban đầu, chỉ cảm thấy thật hạnh phúc và may mắn.