Tôi vẫn nhớ dáng vẻ lần đầu tiên mình chửi thề.
Trước đó, tôi là cô gái không dám đòi lại tiền thừa dù cửa hàng có đưa thiếu tiền cho tôi.
Đúng vậy, chính là mẫu con gái được xã hội yêu thích nhất, một cô gái yếu đuối, lễ phép và tính tình dường như lúc nào cũng dễ chịu.
Đó là một ngày cuối tuần, tôi đang từ phòng tập về nhà. Tôi mặc chiếc áo phông bên ngoài, bên trong có mang bộ đồ tập múa mới mua. Một chiếc váy màu hồng lộ ra dưới chiếc áo phông dài.
Hôm đó trời mưa tầm tã, hơn nữa tâm trạng tôi đang không được tốt. Khi biểu diễn, thường tôi sẽ được đứng hàng đầu, thế nhưng phụ huynh của cô gái kia đã đút lót giáo viên và chiếm mất vị trí của tôi.
Tôi vẫn im lặng như thường lệ, chỉ là trầm ngâm hơn một chút.
Khi xe buýt đến, nó dừng ngay trước mặt tôi. Tôi nhanh chóng cất ô và chuẩn bị lên xe.
Một bà già chạy như bay tới đẩy tôi ra, người tôi cọ vào chiếc xe buýt lấm đầy bùn. Chiếc váy mới mua và cặp sách bám một lớp bùn dày. Chiếc giỏ tre của bà ta còn làm đứt sợi dây chuyền yêu thích nhất của tôi, nó lăn hai lần trên mặt đất rồi dừng lại trong vũng nước.
Lúc đó tôi rất sốc, khi định thần lại thì thấy mọi người đều đã lên xe. Bà ta hoàn toàn không ý thức được việc bà ta đã gây ra cho tôi, hay nói đúng hơn là biết nhưng không thèm để ý đến tôi.
Tôi xấu hổ bước lên xe, rưng rưng nước mắt. Thế nhưng tôi vẫn chịu đựng như thường lệ.
Khi lên xe, tôi nhìn thấy bà ta vừa ôm cái giỏ tre (hình như trong giỏ có vật gì dễ vỡ) vừa trò chuyện sôi nổi với những người bên cạnh. Tôi lặng lẽ đứng cạnh chiếc ghế phía sau bà ta.
Một lúc sau, dường như bà ta đã thấm mệt, định bỏ cái giỏ tre xuống, nhưng trước mặt bả là một người độ trung niên, khuôn mặt rất hung dữ, thoạt nhìn cũng yang hồ lắm nên bả không dám đụng vào. Sau đó bà ta quay lại và nhìn thấy tôi.
Bả giả vờ như không biết gì, đặt chiếc giỏ tre xuống đất, nhưng do chỗ rất hẹp nên khó có thể đặt nó xuống. Thế là bà ta ấn mạnh xuống, cái giỏ tre vừa thô vừa nặng cọ xát vào đôi chân không mang tất của tôi rồi cứ thế đặt thẳng lên chân tôi.
Không biết tại sao, tôi chỉ cảm thấy rất tức giận, mặt đỏ bừng, buột miệng nói: Bà là đồ đần ấy à?? Không nhìn thấy chân tôi hả?
Tôi thấy bà ta xịt keo ngay, có lẽ bả cũng không ngờ một cô gái như tôi lại có thể nói được vậy.
Nói cách khác, bà ta không ngờ tôi sẽ phản kháng.
Mọi người xung quanh đều đá mắt sang tôi. Không ai biết tôi đã trải qua những gì, họ chỉ nhìn thấy một cô bé vô học đang chửi bới người già. Im lặng một lúc, khắp nơi vang lên tiếng xì xào. Tôi có cảm giác như tất cả họ đang nói đến tôi. Nhưng tôi vẫn nghiến chặt răng và đứng đó.
Bà ấy lẩm bẩm điều gì đó như, “Tôi có cố ý đâu, sao giới trẻ bây giờ nó lại như thế nhỉ?”, vừa nói vừa cầm chiếc giỏ tre lên.
Khi đến trạm tiếp theo, mặc dù ở đó cách nhà tôi khá xa nhưng tôi vẫn thản nhiên bước xuống xe. Cầm ô đi bộ về nhà. Dần dà sự hoảng loạn và sợ hãi đều lắng xuống, chỉ còn lại niềm vui đã được giải tỏa.
Hai ngày trước, mẹ tôi đột nhiên ôm bụng nằm gục xuống phòng khách, tôi vội gọi điện cho anh trai đưa mẹ đến bệnh viện. Anh tôi đợi tôi lấy số ở phòng cấp cứu, còn tôi thì xếp hàng đăng ký.
Một bà già khác cứ đi qua đi lại, quả nhiên bà ấy chen chân vào khi tôi đang xếp hàng.
Tôi không hề do dự chút nào, trực tiếp gửi cho bà ấy những lời chào nồng nhiệt nhất bằng giọng nói vang vọng khắp sảnh: Không thấy mọi người đang xếp hàng sao? Tôi nhìn bà nãy giờ rồi đấy, biết ngay là bà sẽ nhảy vào chen hàng mà.
Bà ấy chỉ nở một nụ cười thân thiện, nhưng vẫn không biết đường mà lui ra sau, thậm chí còn không có ý xin lỗi tôi: “À thì xe máy tôi vẫn còn để bên ngoài, tôi sợ nó bị trộm mất nên làm thế cho nhanh ý mà.”
Xếp hàng dài như vậy, sao không chen người khác đi mà cứ chui lên trước mặt tôi? Tôi rất bất mãn, thế nhưng bà ta lại không hề có ý định lui hàng, như thể đó là điều hiển nhiên.
Tôi hỏi dõng dạc hỏi liền tù tì 3 câu: Ai mà không vội? Nhà nào không có bệnh nhân đang chờ được cứu? Cứ bám víu vào điều này bà không sợ đoản thọ hả?
Tôi thấy giọng điệu của bà ấy càng ngày càng trầm, cứ lặp đi lặp lại mấy câu giống nhau: “Ây da tôi đã bảo là mình để xe bên ngoài rồi mà.”
Lời cuối cùng của tôi: “Ra ngoài và tìm ai muốn nhường chỗ cho bà đi, tôi còn vội đăng ký.”
Mọi người đều liếc mắt sang, kể cả nhân viên bảo vệ. Thế là bả lẩm bẩm rồi rời đi.
Nhiều lúc tôi trở thành con chuột chù dữ tợn trong mắt bạn bè, người nhà, thậm chí có khi còn dùng những lời lẽ chửi thề thậm tệ nhất khiến đối phương đỏ mặt không nói được lời nào. Mặc dù tôi chỉ nặng chưa tới 40kg nhưng tôi luôn có thể bảo vệ những người mình yêu thương khỏi bị bắt nạt.
Tôi nghĩ việc chửi thề đúng hay sai còn tùy vào hoàn cảnh. Gặp người nào thì nên nói những lời đó, và nên có những thái độ đó với ai. Nói đạo lý với bọn xã hội đen là một trong những nguyên nhân khiến người có tri thức và người tốt bị bắt nạt.
Ngày thường tự nhiên đi nói tục chửi thề với bạn bè hay người nhà làm cái gì? Rồi dùng những lời lẽ văn minh với mấy đứa ngốc có ích gì cơ chứ?
Xã hội nuôi dưỡng những quý cô ngoan ngoãn và dịu dàng, nhưng khi cô gái đó phải bắt đầu trang bị cho mình sự bẩn thỉu hèn hạ thì không phải cô ấy có vấn đề, mà là xã hội nên suy ngẫm xem mình đã sai ở đâu.