Tôi thấy lý thuyết Rừng Tối được miêu tả khá hấp dẫn trong cuốn tiểu thuyết (Tam Thể) đấy nhé. Tôi cũng cho là giả thuyết đó khá hợp lý trong thực tế, dù tôi sẽ không đi sâu vào việc chứng minh. (Với khoa học viễn tưởng thì hợp lý thôi cũng khá là ổn rồi mà!)
Với câu trả lời này tôi sẽ giải thích cách hiểu của mình về lý thuyết này, và đồng thời sẽ đưa ra một vài luận điểm phản đối những câu trả lời muốn bác bỏ nó.
Đầu tiên, lý thuyết Rừng Tối là tiên đề trung tâm trong bộ ba tiểu thuyết Tam Thể của Lưu Từ Hân. Câu trả lời của tôi được đúc kết từ cả 3 cuốn sách nhé. Cảnh báo spoil nè.
Nhắc lại một chút, lý thuyết Rừng Tối bao gồm hai tiên đề:
- “Thứ nhất, nhu cầu cơ bản của bất kỳ nền văn minh nào ấy là sinh tồn”.
- “Thứ hai, các nền văn minh liên tục phát triển và mở rộng, nhưng tổng lượng vật chất trong vũ trụ lại là không đổi”.
Tiên đề đầu tiên khá đơn giản đúng không: các nền văn minh muốn được tiếp tục tồn tại. Đây là bản năng sống mà, nó sẽ được đặt ở mức cao hơn so với các nhu cầu kia.
Cần nói một chút về tiên đề thứ hai: trong thế giới Lưu Từ Hân tạo nên, chỉ có một lượng vật chất hữu hạn trong vũ trụ mà thôi. Tuy nhiên, các nền văn minh phát triển theo cấp độ lũy thừa sẽ liên tục sử dụng những tài nguyên này theo tốc độ ngày càng tăng. Nhân vật chính La Tập đã giải thích trong phần cuối tập Rừng Tối (tập 2):
“Khi một nền văn minh nào đó đạt đến trình độ công nghệ nhất định, việc mở rộng sự sống ra bên ngoài vũ trụ có thể trở nên cực kỳ đáng sợ. Hãy lấy ví dụ về tốc độ phát triển hiện tại của con người đi. Trong vòng 1 triệu năm, nền văn minh Trái Đất có thể tiến ra khắp thiên hà. Và với vũ trụ thì một triệu năm chỉ là con số rất nhỏ mà thôi”.
La Tập đưa ra so sánh với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân của một loài cây sống ở hồ. Chỉ mất có vài ngày là cả mặt hồ sẽ bị lấp đầy, từ đó xảy ra cuộc chiến tranh giành tài nguyên.
Từ đó lý thuyết Rừng Tối tiếp tục định nghĩa các nền văn minh “nhân từ” hay “độc ác”. Trong tập đó:
· Nhân đạo — nền văn minh sẽ không chủ động tấn công và tiêu diệt các nền văn minh khác
· Độc ác — nền văn minh sẽ chủ động tấn công và tiêu diệt các nền văn minh khác
Lưu gia không giải thích rằng dùng cách nào để phân biệt hai nền văn minh, song ngụ ý rằng hành động của nền văn minh phụ thuộc vào đạo đức, cấu trúc xã hội, lịch sử, và văn hóa của họ. Giờ ta đưa ra khái niệm tiếp theo, liên quan tớichuỗi ngờ vực:
Nếu nền văn minh A biết được về nền văn minh B, nhưng B lại không biết gì về A, A có thể:
· Chủ động liên lạc
· Không làm gì
· Hủy diệt B
Lý thuyết Rừng Tối nói rằng hành động hợp lý nhất ấy là hủy diệt B. Lập luận như sau:
· Việc chủ động liên lạc rất dễ sinh chuyện. Chúng ta sẽ phân tích kỹ các khả năng, nhưng hãy nhắc một chút về các điều kiện ban đầu:
o Trước khi liên lạc, A không thể biết được rằng B là nền văn minh độc ác hay nhân đạo.
o Trước khi liên lạc, A không thể biết được rằng công nghệ của B có phát triển hơn A hay không
· Nếu A không liên lạc với B, B cuối cùng vẫn sẽ phát hiện ra A nhờ phát triển công nghệ, bởi ngay từ đầu A đã có thể phát hiện ra B rồi mà. (Hãy nhớ rằng luận điểm này đặt ra trong điều kiện khoảng thời gian ở mức vũ trụ. Khi có đủ thời gian, họ cho rằng B cuối cùng sẽ phát hiện ra A thôi).
Hãy xem xét vài khả năng sau: - Nếu B có công nghệ vượt trội hơn A và có ác ý, A sẽ bị đe dọa. Vậy A nên tấn công B trước nếu có thể.
- Nếu công nghệ của B kém hơn A và có ác ý, A tạm thời sẽ không bị đe dọa. Nhưng sau này lại rất khác đấy.
a. Ngay cả khi A đảm bảo được với B rằng họ rất nhân đạo, B vẫn sẽ cảm thấy bị đe dọa và không tin tưởng A. Điều này được gọi là ‘chuỗi ngờ vực’ trong cuốn tiểu thuyết, và sự khác biệt giữa hai nền văn minh khác hành tinh này sẽ khiến mọi chuyện thêm trầm trọng. Tôi nói ngắn gọn nè: “B có thể sẽ cho rằng A đang nói dối, và sắm sửa vũ khí; A có thể cho rằng B nghĩ rằng A đang nói dối, và tấn công trước, B có thể cho rằng A nghĩ rằng B nghĩ rằng A đang nói dối, từ đó nỗi sợ của B càng lớn hơn, điều này cứ như vậy tiếp diễn theo một chuỗi dài dằng dặc”.
i. Từ đấy B sẽ cố gắng phát triển công nghệ của mình để bắt kịp A, để có thể đối phó với khả năng (dù rất thấp) rằng trong tương lai A sẽ trở thành nền văn minh ác ý.
ii. Trong thế giới Tam Thể, một nền văn minh có thể nhảy cóc để vượt mặt nền văn minh khác về mặt công nghệ: “Khả năng đột phá công nghệ luôn tiềm tàng trong mỗi nền văn minh, và nó có thể được kích thích bởi các yếu tố trong hay ngoài, cuối cùng nó sẽ tạo nên chấn động. Có thể mất tới 300 năm trên trái đất, nhưng chẳng có lý do gì khiến nhân loại là nền văn minh phát triển nhất cả. Có thể tồn tại những nơi phát triển một cách đột ngột hơn. Tôi yếu hơn bạn, nhưng khi tôi nhận được thông điệp và biết tới sự tồn tại của bạn, bắt đầu tồn tại chuỗi ngờ vực giữa chúng ta. Nếu ở bất kỳ thời điểm nào tôi có được bùng nổ công nghệ từ đó phát triển hơn bạn, tôi sẽ mạnh hơn. Ở quy mô vũ trụ, vài trăm năm chỉ là một cái búng tay mà thôi”.
iii. Ý kiến của tôi này: ngay cả khi B không thể tăng tốc độ phát triển công nghệ của mình theo tốc độ lũy thừa, thì sau vài nghìn năm, bất kỳ nền văn minh nào cũng có thể sở hữu được những vũ khí nguy hiểm. Và từ đó chúng ta có luận điểm sau:
b. Tiến bộ công nghệ là vấn đề của vũ trụ Tam Thể. Lý do ở đây là vì mọi nền văn minh đều đi theo một con đường phát triển công nghệ chung: đầu tiên họ phát triển vật liệu tương tác mạnh, sau đó là máy phát sóng hấp dẫn, rồi du hành tốc độ ánh sáng (từ đó mở ra khả năng tạo ra bẫy tốc độ ánh sáng) và cuối cùng là các vũ khí dựa trên các định luật vật lý cơ bản (vd: khả năng thu hẹp chiều không gian).
c. Vũ khí hóa được những định luật cơ bản cũng tương tự như việc phát hiện công nghệ hạt nhân vậy. Khi một nền văn minh sở hữu được nó, họ sẽ đe dọa sự tồn tại của các nền văn minh khác. Ví dụ, nếu B có được công nghệ như vậy, họ sẽ có thể đặt bẫy bong bóng tốc-độ-ánh-sáng-giản-lược vào hệ thống ngôi sao của A, hay đánh sập chiều không gian trong vũ trụ tính từ tọa độ của A. Chẳng thể nào phòng tránh được những vũ khí đó hay khắc phục được hậu quả mà nó gây ra, đồng thời tác động này còn ảnh hưởng tới cả vũ trụ — với vũ khí thứ nhất, bẫy tốc-độ-ánh-sáng-giản-lược, tốc độ của ánh sáng sẽ bị giảm đi mãi mãi. Với vũ khí thứ hai, chiều không gian bị đánh sập cuối cùng sẽ lan ra toàn vũ trụ, giết hết mọi sinh vật không thể chuyển sang trạng thái bị giảm chiều kia. - Nếu công nghệ của B cao hơn A và B nhân đạo, A sẽ rơi vào tình huống hệt như số (2) ở trên, chỉ khác là họ sẽ ở vào vị thế của B. Họ sẽ không tin vào ý định của B, hoặc lo ngại khả năng B hủy diệt A trong tương lai nếu có ác ý. Từ đó A sẽ xem xét khả năng tấn công B thay vì chủ động liên lạc. A cũng sẽ phải nỗ lực để bắt kịp công nghệ.
- Nếu công nghệ của B kém A và B nhân đạo, B vẫn sẽ lâm vào tình huống khó xử số (2) ở trên. Họ không thể tin tưởng A, và sẽ phải bắt kịp A để có thể cảm thấy an tâm.
Với những khả năng nêu trên, La Tập đi đến kết luận rằng dù lúc đầu, một nền văn minh có nhân đạo hay ác ý đều không quan trọng. Khi chuỗi ngờ vực đã xuất hiện, dần dần mọi nền văn minh sẽ bị buộc phải hành động theo một cách thức giống nhau. Họ sẽ “như nhau” mà thôi.
Thêm vài điểm để xem xét này.
Đầu tiên, nếu A có thể gửi đến những cỗ máy giám sát nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng (các ‘hạt trí tuệ’) tới B và quan sát B trước, thay vì trực tiếp liên lạc, thì sao? Theo La Tập, vấn đề ở đây là cả hai nền văn minh không thể có đủ điểm tương đồng để giao tiếp hay chỉ đơn giản là quan sát nhau:
“Loài người có rất nhiều đặc điểm giống nhau, cũng như những tương đồng về mặt văn hóa, hệ sinh thái, đồng thời khoảng cách gần gũi đồng nghĩa với việc, trong môi trường này, chuỗi ngờ vực sẽ chỉ ở mức một hay hai trước khi việc nó được giải quyết thông qua giao tiếp. Nhưng trong vũ trụ, chuỗi ngờ vực có thể sẽ rất dài. Điều gì đó tương tự như Trận Chiến Đen Tối sẽ xảy ra trước khi họ có thể giải quyết chuỗi kia nhờ liên lạc.
La Tập cho rằng khả năng vô tình kích động cho một cuộc chiến tranh nổ ra là quá lớn vì có quá nhiều khác biệt về đạo đức, cấu trúc xã hội, di truyền, và văn hóa giữa hai nền văn minh khác hành tinh. Ngay cả với chính loài người, học thuyết Đảm Bảo Hủy Diệt Lẫn Nhau trong Chiến tranh Lạnh là gần như không thể tránh khỏi. Thông qua La Tập, Lưu Từ Hân khẳng định niềm rằng trong vũ trụ, học thuyết đó càng đúng hơn.
Thứ hai, tại sao các nền văn minh không chọn cách dùng hạt trí tuệ để kìm hãm sự phát triển của nền văn minh yếu kém hơn, thay vì hủy diệt họ?
Có ba khả năng: - Một nền văn minh kém phát triển vẫn có thể nhân rộng ra từ đó tiêu thụ tài nguyên trong vũ trụ hữu hạn này (tiên đề 2)
- Không tin được hạt trí tuệ (chúng không thể đi qua được một số nơi trong vũ trụ)
- Khóa chết nhờ hạt trí tuệ có thể tốn công hơn là hủy diệt một nền văn minh nhờ ‘giọt nước’ hay ‘hạt ánh sáng’. Nhớ lại trong tập 3, Trình Tâm và La tập được thông báo rằng tấn công Rừng tối luôn có tính ‘tùy tiện’ và ‘kinh tế’, Bởi nền văn minh phát triển hơn thường có chiến tranh với các nền văn minh phát triển khác. Từ đó, ta có câu hỏi, tại sao lại không hủy diệt một nền văn minh còn non trẻ đi, rẻ quá mà?
Thứ ba, nếu hai nền văn minh nhân đạo phát triển bằng cách nào đấy có thể hợp tác với nhau thì sao? Điều này có giải quyết được chuỗi ngờ vực không?
Vũ trụ của Lưu gia khiến ta khó hình dung rằng mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng đó. Nhưng cứ tạm hình dung ra một thứ như thế đi: hai nền văn minh phát triển tương đương, và cùng nhân đạo có thể hợp tác mà không hiểu lầm nhau: - Một liên minh có thể áp đảo hẳn như vậy (cứ tạm cho là hai nền văn minh phát triển nhất vũ trụ đi), họ sẽ có khả năng chinh phục mọi nền văn minh còn lại, nhưng giờ phải cạnh tranh với nhau để sở hữu nguồn tài nguyên hữu hạn trên vũ trụ.
a. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ dẫn tới một điểm cân bằng ổn định.
b. Trên thực tế, khả năng hiểu lầm nhau sẽ ngày càng lớn. Coi lại Tiên đề số 2 đi. Với mọi khả năng, ta sẽ có một cuộc chiến dữ dội. - Nếu liên minh ấy không áp đảo, cả vũ trụ sẽ bị đe dọa bởi mọi nền văn minh sẽ tàn phá nó bằng các vũ khí nghịch-vật-lý.
a. Đây chính là điều đã xảy ra trong tập 3. Chẳng có liên minh nào có thể hoàn toàn áp đảo trong vũ trụ được hết. Thay vào đó, các nền văn minh như quê hương của Singer sử dụng chiến thuộc vườn không nhà trống bằng cách kích hoạt sụp đổ chiều không gian, và sát nhập vào những chiều không gian thấp hơn. Lúc bắt đầu tập 3, chúng ta đã được chứng kiến cảnh vũ trụ bốn chiều lụi tàn. Gần cuối tập này, chúng ta biết được rằng vũ trụ ba chiều cũng chuẩn bị suy tàn khi nghe Singer nói chuyện với cấp trên. - Dù kết quả của tình huống 1 và 2 có là gì đi nữa, mọi liên minh đều sẽ có xu hướng tiêu diệt những nền văn minh yếu hơn, để ngăn ngừa họ sở hữu những vũ khí hủy diệt hàng loạt đã nêu trên.
Thứ tư, liệu có tồn tại một liên minh sẵn sàng giúp đỡ các văn minh yếu hơn, hay tặng cho họ những thứ vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt không?
Về mặt lý thuyết, điều này sẽ dẫn tới ‘điểm cân bằng’ trong việc đảm bảo hủy diệt lẫn nhau giữa một số nền văn minh khác biệt. Ý tưởng này cũng khá giống với chuyện mọi thành viên thường trực của hội đồng bảo an LHQ trở thành các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phổ biến vũ khí hủy diệt ở quy mô vũ trụ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ (hãy nhớ lại ý kiến của La Tập cho rằng chuỗi ngờ vực có thể kéo dài tùy thuộc vào sự khác biệt về mức độ văn minh).
Hành động hợp lý sẽ là ngăn nền văn minh yếu hơn sở hữu công nghệ như vậy thông qua việc hủy diệt họ.
Lý thuyết Rừng Tối về cơ bản chính là song đề tù nhân.
Tôi cảm thấy rằng những câu trả lời trước đây không coi trọng lý thuyết này một cách đúng mực. Họ không thực sự hiểu được luận điểm của La Tập ở cuối tập 2, và họ không tính tới những điều chúng ta bắt gặp trong chiến tranh giữa các nền văn minh trong tập 3. Để có thể chỉ trích được lý thuyết này, trước hết người ta cần hiểu được ý nghĩa đầy đủ của nó.
Được rồi, vậy thì bản thân tôi nghĩ gì về lý thuyết Rừng Tối hả?
Tôi cho rằng với vũ trụ của Lưu gia thì ta có thể chấp nhận nó. Tôi chỉ có một góp ý nhỏ về phần hàn lầm trong bộ tiểu đó, tôi sẽ trình bày sau. Tuy nhiên, trên thực tế, lý thuyết rừng tối vẫn cần một điều trở thành hiện thực, để bản thân nó có tính hợp lý:
· Ấy là tồn tại nhiều nền văn minh ngoài hành tinh. (Tức là, không có ‘Sàng lọc lớn’)
· Và tồn tại những vũ khí hủy diệt hàng loạt ở quy mô vũ trụ.
· Và tiến bộ khoa học đều đi theo một lộ trình nhất định, mọi nền văn minh đều sẽ phải tuân thủ lộ trình đó.
· Và rằng chưa hề có liên minh nào ngoài vũ trụ kia.
Ngày nay, ta chưa chứng minh được mệnh đề nào ở trên là sai, vì vậy nên chẳng biết lý thuyết Rừng Tối là đúng hay sai nữa. Nhưng lại một lần nữa, ta có thể nói những điều tương tự về nghịch lý Fermi!
Sau cùng thì, đây là ý kiến của tôi về lý thuyết được nêu trong bộ ba này:
Tôi tin rằng Lý thuyết Rừng Tối có thể được mô hình hóa dưới dạng song đề tù nhân. Từ đó, chúng ta lại có hi vọng về vũ trụ của Lưu gia. Cuối tập 3, Trình Tâm đã trốn trong một tiểu vũ trụ nằm ngoài thời gian. Khi vũ trụ được ‘khởi động lại’, mọi người cùng những công nghệ tồn tại trong các tiểu vũ trụ có thể quay trở lại được vũ trụ vẫn có.
Ta có thể coi đây là phiên bản ‘vòng lặp’ của song đề tù nhân.
Trong song đề tù nhân thực sự, kết quả tổng hợp sẽ luôn xảy ra theo chiều hướng xấu. Song trong phiên bản lặp này, khi người chơi có thể nhớ kết quả của những lần ‘thử’ trước đó, chiến lược tối ưu tổng quát cho cả hai tù nhân chính là hợp tác dù có thể có một vài kết quả chưa được tối ưu nhất. Về dài hạn, họ sẽ lại giành chiến thắng.
Tôi tin rằng các nền văn minh khác xuất hiện trở lại sau khi vũ trụ được khởi động lại sẽ thực hiện đúng như vậy. Có thể sẽ mất nhiều lần, nhưng rồi cuối cùng chuyện sẽ là như vậy.
Giờ tôi rất muốn xem này!