[ND: Writer’s block là cảm giác đột nhiên không muốn viết thêm gì, đặc biệt xảy ra với các nhà văn, tác giả, khiến cho tiến độ làm việc trở nên trì trệ và đôi khi bế tắc. Đốn bút (頓筆): Khi đang viết đụng có việc gì phải ngừng bút lại (Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh). Cách dịch này được trang Ngày ngày viết chữ phổ biến, nay mình xin sử dụng ạ]
Đốn bút thực sự chỉ là nỗi lo không thể làm đúng theo kỳ vọng của chính mình. Mình rất thích lời khuyên của Dan Harmon.
Lời khuyên tốt nhất của tôi về đốn bút là: Lý do mà bạn bị khó viết là xung đột giữa MỤC ĐÍCH viết hay và NỖI SỢ viết dở. Theo mặc định, bản năng con người là chinh phục nỗi sợ hãi, nhưng cảm giác của chúng ta khó kiểm soát hơn nhiều so với những mục đích đã đặt ra, và do đây là sự xung đột GIỮA hai thế lực cản trở, nếu bạn đơn thuần thay đổi mục đích từ “viết hay” sang “viết dở”, bạn sẽ trở thành một suối nguồn con mịa nó chất liệu, vì đoán xem, bạn hiền ơi, chúng ta không muốn thừa nhận điều này, vì chúng ta được dạy rằng việc thiếu tự tin đồng nghĩa với tình trạng tê liệt, nhưng nói thật nhé: chúng ta chỉ có thể hy vọng được trở thành những cây viết hay. Chúng ta chỉ có thể mãi hy vọng và ước ao rằng điều đó sẽ xảy ra, đó là con săn sắt.
Con cá rô là: chúng ta gà thật. Chúng ta sợ hãi sự gà mờ đó, nỗi khiếp sợ này rất ngột ngạt và lan tỏa, vì chúng ta có thể thấy RÕ MỒN MỘT cái khả năng là chúng ta gà vê lù. Chúng ta quá quen với chuyện đó rồi. Chúng ta nắm được mình gà đến chừng nào, như thể nắm trong lòng bàn tay khô cứng, bất tài. Chúng ta có thể viết mịa nó nguyên một cuốn sách về một tác phẩm có thể dở đến nhường nào, nếu chúng ta xắn tay vào viết mịa nó đi, thay vì ngồi lì vào bàn, vò đầu bứt tai mà cố tìm hiểu làm sao để điều tiếp theo chúng ta viết trở thành tuyệt tác, bằng một phép màu nhiệm nào đó. Nó sẽ không tuyệt vời gì đâu. Bạn gà quá đi. Cứ viết để chứng minh điều đó đi. Rồi sẽ ngày một nhanh dần. Và rồi, sau khi viết xong một thứ gì đó dở đến khó tin trong sáu tiếng, việc dần dần cải thiện nó là không thành vấn đề, vì ngoài việc bất tài toàn tập, bạn còn là một NHÀ PHÊ BÌNH xấu tính, nhỏ mọn. Bạn biết mình gà đến mức nào, mọi thứ tệ đến mức nào, và một khi thấy thứ gì đó tệ hại, bạn biết chính xác giải pháp, vì bạn là một thằng khốn.
Đó là lời khuyên của tôi khi bị đốn bút. Hãy chuyển thái độ từ “Vào một ngày đẹp trời, tôi sẽ viết nên thứ gì hay ho” đến “Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài viết ra một đống rác”, vứt cái mã “tay viết tồi” mà thay bằng “nhà phê bình nhỏ mọn”, rồi nghênh ngang tiến bước và viết nên bản thảo thứ 2. Sau 15 bản thảo, hoặc một khi tư bản bắt đầu hối thúc, ai biết được mớ rác kia sẽ trở nên đủ hay, hoặc có thể mọi người trên thế giới sẽ trở nên ngu ngốc một cách vô vọng, đến nỗi coi những thứ dở là hay, và dù thế nào đi nữa, bạn sẽ dành ít thời gian nhìn bàn phím hơn nhiều, thay vào đó để tâm hồn lãng du theo một quán bar, nơi bạn thực sự thuộc về, vì thuốc thang, vì sang chấn tuổi thơ, vì bạn mang bầu ngoài ý muốn đến kễnh bụng rồi thì Tòa án Tối cao mới cho phép phá thai chẳng hạn. Hãy cứ dại khờ và vấp ngã!
Mình từng được khuyên là hãy viết cho tệ trong bản nháp đầu tiên, điều đó rất hữu ích.
Mình đang cảm thấy hơi bị bế tắc vào dự án hiện tại, những lời trên rất gợi nhớ luôn. Cảm ơn nhé!
Đúng rồi. Một khi bị mắc kẹt, bạn chỉ cần phải hạ thấp kỳ vọng thế nào là “đủ hay” để tiếp tục.
Bạn sẽ nhận ra rằng những sự kỳ vọng của bạn sẽ âm thầm trỗi dậy lần nữa, và chất lượng không phải cứ thế mà giảm sút đâu.
Một trong những cách để mình vượt qua đốn bút là nói ra ý tưởng thành tiếng. Mình nhận ra rằng đôi lúc, việc nói có thể giúp mở ra những suy nghĩ hoặc triển vọng mới mà bản thân không thể chạm đến chỉ bằng việc viết lách. Đó chính là lý do tại sao mình lập ra RambleFix. Nó lấy những lời nói và xuất khẩu thành văn. Điều này đã trở nên đặc biệt hữu ích trong việc thu nhặt những ý tưởng tuôn trào và chứng kiến chúng thành hình trên trang giấy, đặc biệt là trong những giờ phút nghi hoặc và suy nghĩ lòng vòng không thể tránh khỏi.
Một số tác giả tuyên bố “Tôi không bị đốn bút”. Mình từng nghĩ rằng họ chỉ nói vậy cho ngầu thôi. Rồi mình nhận ra rằng nếu chưa quên đánh chữ vào trang thì vẫn chưa quên cách viết. Có thể coi sự đốn bút là nỗi nghi ngờ.
Mình đã học cách phớt lờ đi sự nghi ngờ, để tiếp tục viết lách. Mình vẫn nghi hoặc bản thân chứ, nhưng dù sao vẫn viết thôi. Những câu chuyện chất lượng ra sao không quan trọng – chúng vẫn nằm trên mặt giấy. Nếu mình vẫn thích câu chuyện đó thì mình sẽ sửa. Không ích gì khi cứ cố nghĩ xem nó có hay không nếu nó chưa xong.
Sẽ là dối trá nếu nói rằng mình chưa từng để thua mối nghi hoặc bản thân; đôi khi mình vẫn bị đốn bút. Nhưng lúc đó, mình cứ tự nhủ “kệ mịa”. Mình đã nỗ lực rồi, có một chồng giấy trên bàn rồi, nhưng nếu cảm hứng chưa đến thì mình cũng chưa vội. Câu chuyện có thể chờ.
Mỗi khi bị đốn bút, vấn đề thường không phải là động lực hay nghi hoặc bản thân, mà là với một phân cảnh mà mình đang viết. Có thể là đang lạc nhịp, hoặc mình đang ép ai đó làm điều không khớp với nhân vật của họ, hay đơn thuần là phân cảnh này chán. Do đó, lời khuyên của mình là lùi lại một bước và tự vấn xem tại sao mình lại bị trở ngại. Việc duyệt lại kế hoạch bản thân bây giờ sẽ dễ hơn rất nhiều so với viết lại một mớ hổ lốn sau này.
Đầu tiên là tìm ra nguyên do, là đốn bút hay chần chừ.
Trên thực tế, mình đã bắt đầu một thói quen. Đó là tập thể dục rồi viết. Ngay cả khi viết nên mớ hổ lốn. Bất cứ điều gì mình viết được cũng thường trở thành một phần của câu chuyện khác. Mình thích coi đó là những mảnh ghép lạc quẻ của Frankenstein, dần hợp thành một câu chuyện hoàn hảo. Điều đó giúp ích vì mình viết truyện kinh dị là chính.
Nhưng việc tập thể dục là quan trọng. Nó không gây sao nhãng như game gủng. Đó là sự giải tỏa áp lực tuyệt vời sau những giờ làm việc, cho phép mình dành thời gian cho bản thân. Mình được thoát ly và suy nghĩ một chút. Một khi ngồi viết trở lại, mình vẫn rất hăng sức và có động lực, đến nỗi ý tuôn như nước.
Ngay cả nó dở (thường là vậy) thì vẫn đỡ hơn là không có.
Đối với mình, sự đốn bút thường xảy ra khi mình thiếu tầm nhìn rõ rệt về các nhân vật và tình huống mà mình đặt họ vào. Mỗi lúc xảy ra, nó giúp mình tự vấn về động lực của các nhân vật ấy. Một khi mình hiểu về động lực nhân vật, mình sẽ lật lại những chướng ngại vật trên con đường của nhân vật đó, rồi tiếp tục viết.
Ví dụ: Mình từng viết về một câu chuyện, trong đó một vua nhỏ tiếp một vị quý tộc không mời mà đến, trong một cuộc đàm luận lúc nửa đêm. Khi câu chuyện tiến triển được 1/4, mình chịu một cơn đốn bút kinh sợ. Mình đơn thuần là không biết cách tiếp diễn cuộc trò chuyện. Mình không thực sự hiểu động lực của các nhân vật là gì. Mình đã dừng lại và bắt đầu phỏng vấn các nhân vật (đó là một cách tuyệt vời để hiểu rõ nhân vật của bạn). Khi xong việc, mình đã có thể hoàn thành truyện ngắn này.
Lần tới gặp đốn bút, hãy thử dành một giây phút để tự hỏi bản thân một vài điều về động lực của nhân vật chính, và cách mà những trường đoạn của bạn củng cố hay cản trở động lực đó. Nó khá hữu ích đấy.