“Không ai quan tâm nếu bạn không biết nhảy múa. Hãy cứ đứng dậy và tiếp tục nhảy thôi.” — Dave Barry
Chúng ta thực sự là sinh vật đầy mâu thuẫn. Một mặt, chúng ta dành phần lớn thời gian lo lắng liệu người khác suy nghĩ về mình như thế nào. Mặt khác, chúng ta lại cho rằng dường như chẳng mấy ai quan tâm đến mình.
Những suy nghĩ miên man không dứt về những điều chúng ta đã nói, liệu chúng ta đã làm đúng, liệu người khác có thích chúng ta, liệu có ai nghĩ chúng ta là đồ ngốc,… luôn thường trực.
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy bất an bởi chúng ta sợ bị người khác từ chối. Chúng ta nghĩ rằng mình không đủ thông minh, xinh đẹp, quyến rũ, giàu có, hài hước và tốt bụng. Và ta cho rằng người khác nhìn thấy rõ những khuyết điểm của mình và họ sẽ phán xét chúng ta một cách tàn nhẫn như tự bản thân ta vậy.
Tất cả những điều này bắt nguồn từ một giả định sai lầm, rằng người khác luôn để ý đến ta.
Nhưng sự thật thì…
Không mấy người đủ quan tâm đến ta.
…Và thực ra đây là một chuyện may mắn.
Bởi điều này đồng nghĩa với việc bạn không cần phải lo lắng về suy nghĩ của người khác. Họ có điều quan trọng hơn để bận tâm — chính bản thân họ.
Tại sao không ai thực sự để tâm tới người khác? Vì tất cả chúng ta đều ích kỷ
“Tại sao bạn không cảm thấy hạnh phúc? Vì 99,9% suy nghĩ và hành động của bạn đều vì bản thân mình — và không còn gì khác.” — Wei Wu Wei
Thực tế là chúng ta dành 99,9% thời gian để bận tâm về mình.
Nếu bạn nghi ngờ điều này, chỉ cần nhìn vào trải nghiệm của chính bạn.
Bạn dành bao nhiêu thời gian để suy nghĩ về việc đồng nghiệp của bạn đã khó xử như thế nào trong cuộc trò chuyện gần đây nhất với anh ấy, so với việc suy nghĩ về việc bạn cảm thấy khó xử như thế nào trong cuộc trò chuyện đó? Và đồng nghiệp của bạn có lẽ đang nghĩ về việc anh ấy đã lúng túng như thế nào.
Mọi người đều quá bận rộn nghĩ về bản thân họ nên không mấy bận tâm đến hành vi có vẻ khó xử của bạn trong bữa trưa.
Vấn đề là chúng ta đã tin vào ý tưởng về những cá thể riêng biệt đến mức chúng ta cho rằng người khác không có gì để làm ngoài việc phân tích những sai sót, thiếu sót và khuyết điểm của chúng ta.
Không ai ngoài bạn quan tâm đến những sai sót của bạn. Trên thực tế, bạn là người duy nhất nhìn thấy những sai sót của mình. Được rồi, có lẽ vị đồng nghiệp xấu tính là ngoại lệ.
Dù sao đi nữa, nếu bạn muốn tiếp tục tin rằng mình có khuyết điểm, bạn có thể làm như vậy, nhưng ít nhất hãy biết rằng không ai khác bị ám ảnh bởi sự phán xét rằng bạn có thiếu sót.
Về bản chất tất cả chúng ta đều ích kỷ. Ngay cả những hành động vị tha cũng chỉ là sự ích kỷ trá hình thành sự vị tha. Bạn chỉ cần nhìn nhận một cách trung thực để thấy điều này.
Khi bạn làm điều gì đó cho người khác, chẳng phải bạn làm điều đó vì cảm giác tích cực mà nó mang lại cho bạn sao?
Đối với tôi có vẻ không vị tha. Nhưng bạn biết gì không? Không có gì sai với sự ích kỷ.
Nếu bạn cảm thấy vui khi giúp đỡ ai đó và họ cảm thấy vui khi được giúp đỡ, thì đó là đôi bên cùng có lợi. Đây cũng được coi là một mũi tên trúng hai đích đó chứ.
Và nếu bạn muốn quan tâm đến người khác và làm điều tốt cho họ, hãy tiếp tục làm điều đó. Tuy nhiên, hãy cẩn thận để không đi vào con đường trơn trượt của việc làm điều tốt và tự cho mình cao thượng. Nghĩ rằng bạn hơn người vì bạn làm cho họ nhiều hơn họ làm cho bạn thì còn tệ hơn là không làm gì cho người khác cả.
Nếu việc quan tâm đến người khác đến với bạn một cách tự nhiên, hãy cứ làm. Còn nếu không, đừng ép buộc bản thân. Bạn không thể tránh né mọi người và các mối quan hệ, đến một lúc nào đó, bạn vẫn sẽ giúp đỡ ai đó thôi.
Nỗi khao khát được công nhận ấy thật sự vô cùng mạnh mẽ, và tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nó. Chúng ta phụ thuộc vì đã quen với điều này từ bé, được lập trình để khao khát sự thừa nhận. Cha mẹ khen ngợi, dopamine tăng vọt, chúng ta sung sướng, và thế là lại muốn thêm nữa.
Đó là lí do chúng ta cố gắng vượt qua qua bao khó khăn để “mưu cầu” sự chấp nhận, luôn kèm theo nỗi sợ rằng liệu mình có làm gì sai hay không. Sợ người khác nghĩ gì, lại mong họ quan tâm, thật mâu thuẫn, chẳng khác nào chịu cảnh tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần.
Thay vì đi mưu cầu sự công nhận từ những người chẳng quan tâm đến bạn, hãy nhìn nhận khao khát ấy một cách tỉnh táo, và đừng cố gắng làm gì cả. Hãy quan sát suy nghĩ của mình, bạn sẽ giật mình nhận ra chúng xoay quanh việc kiếm tìm chấp nhận nhiều đến mức nào.
Hãy cho rằng chẳng ai quan tâm đến bạn, không phải vì nó đúng, mà là để giải phóng mình khỏi việc phụ thuộc vào sự công nhận và ánh mắt người đời. Khi cắt đứt sợi dây này, bạn sẽ có được tự do, một tự do chưa từng trải qua. Tưởng tượng xem, không còn bận tâm người khác nghĩ gì, không còn sống để được yêu thích, bạn sẽ sống thật với bản thân, sống cuộc đời cho chính mình.