BẠN HỌC GIỎI NHƯNG CHƯA CẢM THẤY THÀNH CÔNG, CÓ THỂ LÀ DO ĐIỀU NÀY

Đọc xong bài “Vừa giỏi giang chữ nghĩa, vừa tinh khôn chợ đời mới là tinh hoa xã hội”, mình chợt nghĩ đến “trường học” và “trường đời”. Quan sát của mình ở trường học chia ra thành các nhóm sau:

Nhóm 1: lúc đi học là học sinh giỏi toàn diện, chăm chỉ, con ngoan trò giỏi, là tấm gương sáng “con nhà người ta”, nhưng đến lúc đi làm thì cả đời là nhân viên, mãi không bao giờ leo thành quản lý được. Mình gọi nhóm này là hội academic, hay là hội “book smart”. 

Nhóm 2: lúc đi học là bọn học dốt, mải chơi, suốt ngày bị kiểm điểm nhưng lại nhiều bạn, thành phần nào cũng giao lưu được. Có những thằng thì xác định nát đời, về sau lông bông không làm nổi trò trống gì (tụi này mình bỏ qua đi). 

Nhưng cũng có những đứa đi làm lại trở thành nhân viên xuất sắc, kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ rất tốt, toàn chốt được khách xịn, sếp rất ưu ái. Thế là sự nghiệp tiến vèo vèo. Nhóm này là nhóm có kỹ năng mềm và attitude / aptitude tốt, hay chính là bọn “street smart” đấy.

Nhóm 3: lúc đi học thì là học sinh giỏi, đồng thời năng nổ hoạt động ngoại khóa. Lên Đại học còn vừa học, vừa hoạt động ngoại khóa, vừa đi làm, vừa đi thi, có khi lại còn vừa tán gái cưa trai bét nhè. Cái gì cũng thấy có mặt nó mà cái gì cũng thấy nó giỏi, thái độ rất tốt và luôn cầu thị. 

Nhóm này thường về sau sự nghiệp sáng lạn, là hạt nhân leader ưu tú ở bất kỳ đâu nó đến. Nhóm này là nhóm vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng mềm, thái độ tốt, lại nhiều trải nghiệm từ lúc còn rất trẻ nên chắc chắn độ lì – năng lực vượt khó, sự linh hoạt, khả năng giải quyết vấn đề rất tốt, tư duy nhạy bén v.v. 

Còn 1 loại khác, nhóm 4: chả bao giờ học gì, cũng chả bao giờ ngoại khóa, thậm chí phá làng phá xóm, nhưng bố nó giàu. Thế là sau này nó đi đâu cũng được cất nhắc thành sếp luôn. Cả ngày làm mỗi việc là tỏ vẻ bận rộn, chỉ có chỉ tay 5 ngón cho bọn nhân viên (chính là bọn học giỏi ý), rồi được người ta mời trà mời nước cung kính lắm. Mình gọi nhóm này là nhóm không có gì ngoài quan hệ. 

Vấn đề của những bạn ở nhóm 1 (mà mình nghĩ là rất nhiều người gặp phải) đấy là đánh đồng yêu cầu để thành công ở “trường học” với “trường đời”. Để trở thành tinh hoa ở trường học thì bạn chỉ cần học giỏi các môn ở trường học. Nhưng để trở thành tinh hoa ở trường đời, bạn cần phải giỏi ở rất nhiều môn, mà những môn đó chính là những môn yêu cầu ở bọn nhóm 2, 3 và 4:

– Kiến thức học thuật

– Kiến thức kinh tế, chính trị, hiểu biết xã hội

– Kiến thức chuyên môn

– Kỹ năng chuyên môn (khác với kiến thức chuyên môn)

– Kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp (nhiều người cứ thắc mắc: “sao tôi làm việc chăm chỉ mà sếp không đánh giá cao, còn thằng A/B chả làm gì, chỉ được cái nịnh sếp là giỏi, bình thường không bao giờ làm cùng anh em, nhưng đến lúc họp thì to mồm lắm, lại được thăng thành quản lý. Giờ nó là sếp tôi?” Thế thì là do kỹ năng giao tiếp – chính xác hơn là kỹ năng show off – của nó tốt hơn của bạn đó!), kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lắng nghe, phản biện, teamwork, leadership, kỹ năng ứng biến, v.v.

– Tư duy: tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy design thinking, innovative v.v.

– Các loại năng lực khác như thái độ cầu thị, ham học hỏi, tinh thần ownership, sự lì lợm, tinh thần vượt khó – kiên trì, linh hoạt, dám chịu trách nhiệm, dám take charge, biết nghĩ cho cái chung, self-motivation, năng lực thấu cảm, đạo đức v.v. vốn là những yếu tố rất quan trọng để xác định người có tố chất tinh hoa và không phải học giỏi mà có. 

Có những thứ là do Trời sinh, hoặc giáo dục từ bé, hoặc là được vứt ra đời sớm, trải nghiệm nhiều thử thách mà rèn được. Ai chỉ cắm đầu vào sách vở mà không tích lũy trải nghiệm ở trường đời thì thường hay bị thiếu mấy cái này. Các tỉ phú ở Việt Nam và trên thế giới không có ai giàu chỉ vì học giỏi cả, mà người ta rất lăn xả ngoài đời và sấp mặt bao lần rồi. 

– 1 năng lực không tự tích lũy nhưng cực kỳ may mắn là “quan hệ”, hay nhóm “nhà mặt phố bố làm to”. Hội này là tụi sinh ra ở vạch đích nên chả cần cố gắng thì người ta cũng săn đón. Chỉ cần về hô với bố 1 tiếng là ra đơn hàng khét lẹt cho công ty ngay. Loại này mình không chấp :)))) còn nếu bạn có năng lực này, mà lại còn cả các thứ trên thì chúc mừng bạn. Chắc bạn sắp thành Bill Gates rồi. 

Như vậy, để thành công ở trường đời thì bạn cần là học sinh giỏi toàn diện ở rất nhiều môn ở trên, chứ không chỉ các môn học thuật ở trường học. Mình còn chưa bàn đến chuyện kiến thức dạy ở trường học thực ra đã lạc hậu so với tốc độ mở rộng kiến thức trên thế giới những năm gần đây rồi, và rất nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc từ các nhà tuyển dụng. Thậm chí các nền giáo dục hàng đầu như Mỹ, Anh và các nước châu Âu khác cũng đã address được vấn đề này. Vậy bạn là học sinh giỏi ở trường nào?

Vấn đề tiếp theo: Ngoài chuyện học giỏi ra, số lượng đối thủ bạn phải cạnh tranh để trở thành “học sinh giỏi” ở 2 loại trường này cũng hoàn toàn khác nhau. 

Ở trường học thì bạn chỉ cần cạnh tranh với vài chục, cùng lắm là vài trăm người ở khu vực địa lý của bạn, vốn là 1 khu vực của 1 thành phố. Còn ở “trường đời”, đối thủ của bạn ở tầm khác hẳn. Đó không chỉ là những người bằng tuổi, cùng khu vực địa lý, mà là vô vàn những người ở các lứa tuổi khác nhau, đến từ các vùng khác nhau (thậm chí là từ các nước/châu lục khác nhau), với kiến thức, kỹ năng, năng lực vô cùng phong phú. Có những đối thủ cực kỳ aggressive, không hiền như ở “trường học”, sẵn sàng dìm bạn xuống để nâng mình lên. Game hoàn toàn khác! Nếu bạn không học tốt các môn ở “trường đời” thì đương nhiên bạn không ngóc đầu lên được rồi. 

Thậm chí kỹ năng viết CV, trả lời phỏng vấn cũng là những môn cơ bản ở “trường đời” mà nhiều bạn ở đây đang rất lúng túng. 

Vấn đề thứ 3: Trường đời còn có nhiều loại trường con như “trường Sales”, “trường Marketing”, “trường Finance” v.v. Bạn cần phải hiểu mình hợp với loại trường nào để đào sâu kiến thức và kỹ năng chuyên môn của trường đó. Nếu không thì khó mà lại được với rất nhiều “bạn học” cùng trường giỏi toàn diện ở tất cả các môn ở trên. Mình quan sát thấy nhiều bạn còn chưa xác định được mình nên vô trường chuyên nào, rất hoang mang, thiếu định hướng, thế nên không biết mình cần học môn gì chứ đừng nói là trở thành học sinh giỏi. 

Mình nhớ cách đây 10 năm, khi mình học master ở UK xong với tấm bằng Distinction, mình là nhóm 1. Thế rồi loe ngoe vào trường đời và choáng ngợp bởi nhiều môn khó quá, nhiều bạn học giỏi quá, hồi đầu toàn đội sổ :)))))))) 

Sẽ có những bạn phản biện là các bạn muốn đi theo hướng học thuật, nghiên cứu, giảng dạy thì chỉ cần học tập/nghiên cứu giỏi. Đừng nghĩ là bạn không cần những kỹ năng khác nhé, vì các bạn làm gì cũng đều phải tương tác với con người cả, vì vậy sớm muộn bạn cũng sẽ phải học thêm các môn kia, nếu bạn muốn tồn tại và phát triển thôi.

Chúc các bạn học giỏi!

Cre: chị Võ Minh Ngọc – Founder Impactus Academy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *