Từng có một lần tôi gửi email cho một vị giáo sư đã qua đời và điều bất ngờ nhất là, tôi đã nhận được email hồi âm.
Hồi năm ba ĐH, tôi có chọn một môn học có tên là “Mathematical Methods of Classical Mechanics” (tạm dịch: “Phương pháp toán học của Cơ học cổ điển”). Nội dung chủ yếu của môn học này là giới thiệu về Cơ học Lagrange trên đa tạp* và một số ứng dụng của Hình học symplectic trong cơ học. Môn học này thật sự rất khó, tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho nó.
Một người bạn X cũng học môn học này đã giới thiệu cho tôi một cuốn sách tham khảo có tên là “Introduction to Mechanics and Symmetry”, tác giả là giáo sư Jerrold Marsden của Viện Công nghệ California**. Cuốn sách này có nội dung vô cùng sâu sắc nhưng lời giải thích lại rất dễ hiểu, giúp người đọc có thể hiểu sâu hơn về nhiều vấn đề. Tôi đã bỏ ăn bỏ ngủ để nghiên cứu cuốn sách này, cuối cùng thì cũng đã thuận lợi qua môn.
*Đa tạp: Nói một cách dễ hiểu, đa tạp chính là khái niệm toán học mở rộng của đường và mặt.
**Viện Công nghệ California (tiếng Anh: California Institute of Technology, thường gọi là Caltech) là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở Pasadena, California, Hoa Kỳ. Caltech có sáu đơn vị thành viên, hướng trọng tâm vào các ngành khoa học và kỹ thuật và là 1 trong 10 đại học hàng đầu thế giới. Mặc dù có quy mô nhỏ, 72 cựu sinh viên và giảng viên Caltech đã được trao 73 giải Nobel (Linus Pauling là người đầu tiên trong lịch sử nhận 2 giải cá nhân), 4 huy chương Fields, 6 Giải Turing và 72 người đã nhận Huy chương Khoa học Quốc gia hay Huy chương Công nghệ và Sáng kiến Quốc gia của Hoa Kỳ, 112 giảng viên là viện sĩ của các Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, 4 trưởng khoa học gia của Không quân Hoa Kỳ. Caltech cũng là một đối thủ cạnh tranh lâu năm của Viện Công nghệ Massachusetts. Năm 2012-2013, Caltech xếp thứ nhất thế giới trong bảng xếp hạng các viện đại học của Times Higher Education.
Khi làm nghiên cứu ở năm bốn ĐH, tôi có gặp phải một số câu hỏi khó liên quan đến không gian vectơ, lúc đó tôi chợt nhớ ra mình đã từng nhìn thấy câu hỏi tương tự như thế này trong phần bài tập của cuốn sách Introduction to Mechanics and Symmetry, thế là tôi quyết định tìm lời giải phần bài tập của cuốn sách đó để xem đáp án tham khảo. Và may mắn là trong Lời mở đầu của cuốn sách có đề cập tới một địa chỉ website, đi kèm theo theo nó là lời chú thích có thể tìm thấy đáp án tham khảo của phần bài tập trên website đó.
Tôi vô cùng hào hứng truy cập vào website kia, thì ra đó chính là website cá nhân của tác giả cuốn sách. Lướt xuống bên dưới, tôi chợt nhìn thấy dòng chữ “Tác giả, giáo sư J. Marsden đã qua đời năm 2010”.
Khi đó tôi cũng shock đến đơ người luôn.
Ngày hôm sau tôi có đến hỏi Sếp của mình: “Lúc anh du học ở Mỹ có biết vị giáo sư già này không?” Sếp tôi trả lời: “Biết chứ, lúc anh học năm ba tiến sĩ thì ông ấy mất.”
Vậy là tôi lại lặng lẽ nghĩ cách khác.
Tuy rằng giáo sư đã không còn nhưng trên website vẫn để một địa chỉ email mà! Tôi nghĩ thầm, đã không làm thì thôi còn nếu đã làm thì phải làm tới cùng, quyết định gửi một email với nội dung như sau:
Giáo sư Marsden kính mến,
Em biết là thầy đã không còn trên đời nữa, nhưng em vẫn hy vọng mình có thể nhận được phần đáp án tham khảo của tác phẩm kiệt tác (masterpiece)《Introduction to Mechanics and Symmetry》của thầy.
Em là Hà Bằng Vũ (Pengyu He), hiện tại đang là sinh viên trường ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc, và mùa thu tới đây em sẽ trở thành nghiên cứu sinh ngành Computational Fluid Dynamics (tạm dịch: “Điện toán động lực học chất lưu”) tại Đại học Johns Hopkins*. Vào năm ba ĐH, em có vinh dự được đọc qua tác phẩm của thầy và nó thật sự rất rất thu hút em. Cuốn sách đã đem đến cho người đọc những nhận thức và cách nhìn sâu sắc trong lĩnh vực Cơ học, mở ra cảnh cửa Hình học cho bản thân em.
Trong khoảng thời gian học ĐH của mình, em đã từng nghiên cứu về Discrete Exterior Calculus (tạm dịch: “Phép tính bên ngoài rời rạc”) và Discrete Differential Geometry (tạm dịch: “Hình học vi phân rời rạc”) do giáo sư Mathieu Desburn nghiên cứu và phát triển. Em đã nhìn thấy tên của thầy trên website cá nhân của thầy ấy và sự ra đi của thầy là nỗi tổn thất vô cùng to lớn đối với giới Khoa học.
Em cũng không biết liệu email này có được ai đó đọc được không, toàn nói chuyện không đâu nên chắc nội dung của bức email này cũng kỳ cục lắm. Nhưng em vẫn rất hy vọng có thể nhận được phần đáp án tham khảo của cuốn sách để giúp đỡ cho phần ôn tập của bản thân.
Thầy ơi, mong thầy an giấc ngàn thu.
Pengyu He (Hà Bằng Vũ).
*Viện Đại học Johns Hopkins hay Đại học Johns Hopkins (tiếng Anh: Johns Hopkins University, thường được gọi là Johns Hopkins, JHU, hoặc chỉ đơn giản là Hopkins), là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở Baltimore, bang Maryland, Hoa Kỳ. Johns Hopkins đi tiên phong trong khái niệm của viện đại học nghiên cứu hiện đại tại Hoa Kỳ và đã được xếp hạng trong top các trường và viện đại học của thế giới như vậy trong suốt lịch sử của nó. Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) đã xếp hạng Johns Hopkins là một trong số các trường và viện đại học Mỹ trong tổng số khoa học, y tế và kỹ thuật chi cho nghiên cứu và phát triển trong 31 năm liên tiếp. Năm 2011, ba mươi sáu người giành giải Nobel có mối liên hệ với Johns Hopkins, và nghiên cứu của trường đại học là một trong những nguồn được trích dẫn hàng đầu thế giới
Sau khi gửi email đi, tôi khẽ thở dài, ngước nhìn bức ảnh chụp của giáo sư trên trang web Wikipedia. Vị giáo sư già đang cười híp mắt, vô cùng điềm đạm, hoàn toàn có dáng vẻ của một người có học thức uyên bác.
Sáng hôm sau thức dậy check email, lúc check tôi cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, thế mà điều bất ngờ là tôi đã nhận được một email hồi âm!
“Pengyu (Bằng Vũ) thân mến,
Cảm ơn vì bạn đã gửi email tới. Tôi là Alison, con gái của Jerry Marsden. Chúng tôi đã nhận được email của bạn và cũng rất vui được gửi cho bạn bản copy của phần đáp án tham khảo.
Tôi rất cảm kích vì những lời tâm tình của bạn dành cho bố tôi. Và ông ấy sẽ luôn sống mãi trong nỗi nhớ của chúng ta.
Tôi hy vọng rằng việc nghiên cứu của bạn sẽ luôn gặp nhiều may mắn.
Trân trọng,
Alison.”
Email hồi âm đến từ Alison Marsden – con gái của giáo sư Marsden, hiện tại thì cô ấy đang là giáo sư của UCSD*, không hổ là hổ phụ sinh hổ tử.
*UCSD: Đại học California, San Diego là một trường đại học nghiên cứu công tọa lạc ở khu vực La Jolla ở San Diego, California, ở Hoa Kỳ. Được công nhận là một trường đại học công lập tầm cỡ liên đoàn Ivy, UC San Diego là một viện nghiên cứu được đánh giá cao, xếp hạng 11 trên thế giới theo Chỉ số Thiên nhiên (Nature Index) thứ 14 trên thế giới của Xếp hạng Viện Scrimago (Scrimago Institutions Rankings), thứ 14 trên thế giới bằng Lens Metric, Đại học tốt nhất thế giới lần thứ 14 trên thế giới theo TBS Rankings, xếp thứ 16 trong xếp hạng các trường đại học toàn cầu năm 2017 của US. News & World Report, trường đại học tốt thứ 15 trên thế giới của Webometrics Ranking of World Universities, Thứ 15 trên thế giới do Xếp hạng Học vấn các trường Đại học Thế giới, Đại học tốt nhất thứ 16 trên thế giới do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Đại học Leiden xếp hạng, thứ 18 trên thế giới do Trung tâm xếp hạng Đại học Thế giới, Thứ 18 trên thế giới theo Xếp hạng Đại học theo Hoạt động Học thuật, và Đại học công cộng tốt thứ 5 trên thế giới do Xếp hạng Đại học Thế giới của Đại học Thế giới Times
Bên trong phụ lục đi kèm là file đáp án tham khảo của phần bài tập mà tôi mong muốn.
Tôi lẳng lặng ngồi trên ghế, khẽ nhắm mắt lại, nghiêm túc lĩnh hội về tinh thần kế thừa khoa học của những người trong gia đình Marsden mà không kìm nổi xúc động.
===========================================
Cập nhật ngày 3/9/2015:
Gần đây, tôi có học về Dòng chảy ổn định và dòng chảy rối nên có tới thư viện trường để mượn bộ sách Applied Mathematical Sciences do Springer xuất bản. Lật trang bìa sách ra, tôi bất ngờ nhìn thấy tên giáo sư J. Marsden trong danh mục tên người biên soạn. Thế là lại cảm thấy bùi ngùi vô cùng.
Nếu như giáo sư biết rằng những tác phẩm ông để lại cho đời đã từng đem đến vô vàn sự khích lệ và chỉ điểm cho một người trẻ tuổi đang bước đi trên con đường theo đuổi tri thức thì chắc có lẽ ông ấy ở trên trời cao kia cũng sẽ cảm thấy mừng vui thanh thản nhỉ.
Viết xuống những dòng này, với tất cả sự kính trọng.
___________________________
Lời người dịch: Thứ nhất là bởi vì trong bài có nhắc đến rất nhiều từ chuyên ngành nên mình cũng không thể chắc chắn nội dung liên quan tới phần chuyên ngành có thể chính xác 100%, nếu mọi người biết thì có thể cmt góp ý và bổ sung cho mình nhé.
Cái thứ hai là tác giả viết bài này vào năm 2015, khi ấy thì bà Alison Marsden – con gái giáo sư J. Marsden đang làm việc tại UCSD nhưng 2 năm sau đó (2017 thì phải?), bà đã chuyển sang công tác tại trường ĐH Stanford.
Cái thứ ba là một fun fact về tác giả: tác giả Hà Bằng Vũ là sinh viên viện công nghệ trường ĐH Bắc Kinh, tiếp theo đó là Computational Fluid Dynamics PhD tại ĐH Johns Hopkins nhưng sau đó không hiểu sao lại chuyển sang làm Data scientist ở American Express và hiện tại thì đang làm IT tại Google.
Và cuối cùng, bằng tất cả sự kính trọng, mình muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới những người đã và đang đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Và như tác giả hy vọng, có lẽ thầy Jerrold Marsden ở trên trời cao kia cũng đang cảm thấy rất vui, phải ha?

