Trước đây tôi đã từng trải qua bạo lực học đường. Vậy nên, tôi có một vài lời khuyên về tâm lý dành cho các bạn:
**1. Gia đình của những kẻ bắt nạt bạn không “quyền lực” như bạn nghĩ**
Trên đời này có rất nhiều người giàu có, nhưng khả năng cao là tôi và bạn sẽ không không gặp được một gia đình giàu đến mức có thể “một tay che trời”.
Hồi còn học Trung học cơ sở, tôi học tại một trường trọng điểm trong thành phố. Khi ấy tôi bị các bạn cùng lớp bắt nạt, thằng cầm đầu là một đứa có hoàn cảnh gia đình rất tốt. Nó thích sai những bạn nhà nghèo khác đánh tôi, còn nó thì đứng một bên cười ha hả.
Bởi vì lúc đó tôi không biết gì. Tôi đã nghĩ rằng nhà của cậu ta rất giàu, dù cho là báo giáo viên hay thậm chí là gọi cảnh sát thì cũng vô ích. Nhà cậu ta giàu như vậy thì chỉ có gia đình tôi chịu thiệt mà thôi.
Nhưng thực tế nhiều năm sau nhìn lại, tôi cảm thấy gia đình cậu ta đúng là giàu thật đấy. Nhưng đủ tiền để mua một chiếc điện thoại Apple, và có đủ khả năng để đổi trắng thay đen trước pháp luật là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Ít nhất là trước những cơ quan có thẩm quyền, thì cả tôi và cậu ta đều bình đẳng.
**2. Giáo viên không phải là hoàn toàn bất lực**
Tôi từng gặp rất nhiều trường hợp bị bạo lực học đường, họ đều có chung một tình trạng: Giáo viên của họ đều không giúp được gì.
Sai rồi, để tôi nói cho bạn biết, giáo viên không giúp được gì cho bạn là bởi vì giáo viên không muốn quản chuyện của bạn. Nếu bạn là người thân hoặc là một học sinh được giáo viên yêu quý, chắc chắn họ sẽ không để yên cho bạn bị như vậy.
Nên nếu giáo viên không có thiện cảm hay ưu ái đặc biệt gì đối với bạn, thì họ chỉ muốn duy trì sự ổn định và tránh phiền phức hết mức có thể. Những sự đau khổ mà bạn phải chịu không có ý nghĩa gì cho đối với cuộc sống của họ cả.
**Nếu bạn phải chịu đựng sự giày vò, đau khổ, hãy cố gắng để giáo viên giúp bạn. **
Đừng âm thầm chịu đựng một mình. Bạn phải thường xuyên tìm đến giáo viên, thậm chí là hiệu trưởng và cả hội phụ huynh. Bạn phải làm đơn tố cáo, làm phiền họ, buộc họ phải giúp bạn giải quyết vấn đề.
Vì bạn đã trả học phí, bạn nên có quyền được học tập bình thường.
**3. Cảnh sát sẽ giúp bạn, hãy tin họ.**
Bạn có sợ cảnh sát không?
Những người bắt nạt bạn cũng sợ cảnh sát giống như vậy.
Bạn là nạn nhân, nếu bạn thực sự bị tổn thương mà gia đình hoặc nhà trường không thể xử lý được thì bạn nên liên hệ với cảnh sát.
Khi tôi còn học trung học cơ sở, tôi bị một nhóm con trai cùng lớp chặn đánh. **Hãy nhớ kỹ, lúc bị bắt nạt tuyệt đối không được cam chịu, chỉ cần bạn âm thầm chịu đựng thì lần sau sẽ tiếp tục bị đánh.** Lúc đó tôi đã nghĩ, tôi không thể chết ở đây được. Nên tôi liều mạng phản kháng, đánh nhau với họ, tìm mọi cách để đánh trả khi bị vây đánh.
Tôi biết, nếu tôi cam chịu thì đời tôi đã tàn từ lâu rồi.
Nhìn thấy tôi phản kháng như thế thì mấy đứa nó cũng không muốn làm to chuyện, dần dần lảng đi. Tôi nhớ là sau khi bọn chúng đánh tôi xong, có một đứa cầm kính đưa cho tôi và bảo: “Được rồi, xin lỗi được chưa, đừng mách với cô chủ nhiệm.”
Tất nhiên là tôi không nói với giáo viên, tôi đã báo cho cảnh sát.
Bọn chúng sợ cảnh sát, cha mẹ chúng nó cũng sợ.
Cảnh sát nếu nhìn thấy một cô bé bị một nhóm con trai đánh đến thương tích đầy mình, tất nhiên họ sẽ cố gắng giúp bạn.
Vì vậy, hãy gọi cảnh sát, gọi cảnh sát, gọi cảnh sát. Đừng sợ bạn đã làm gì sai, chính bọn chúng mới là người nên sợ vì đã bắt nạt bạn.
**4. Đừng trừng phạt bản thân bằng những sai lầm của người khác**
Hồi ấy tôi luôn tự hỏi tại sao mình bị bắt nạt. Và tôi đã nghĩ đến một số lý do như thế này.
– Lúc đó tôi bị viêm xoang nặng, lúc nào cũng chảy nước mũi, bọn chúng thấy bẩn và kinh tởm.
-Tôi học hành không tốt lắm, điểm rất kém.
-Tôi không để ý đến chuyện ăn mặc nên bề ngoài rất luộm thuộm.
-Tôi rất nhạy cảm, dễ xúc động, có lẽ điều này khiến bọn chúng muốn đánh tôi để tìm niềm vui chăng?
-Tôi mập.
Có một thời gian, tôi thậm chí còn cảm thấy mình bị bắt nạt là đáng đời.
Nhưng không, đừng nghĩ như vậy.
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi học chung với một đứa đã từng bắt nạt tôi trước đây.
Lúc đó tôi vẫn cố gắng nói chuyện với nó như bình thường, và hỏi: Tại sao hồi đó lại luôn bắt nạt tao, tao cảm thấy rất khó chịu.
Nó nói bâng quơ:
– Hì hì, hồi đó tao cũng chán chán nên tìm niềm vui thôi.
Móng tay của tôi đâm sâu vào lòng bàn tay. Nỗi đau khiến tôi không kìm được mà rơi nước mắt.
Bạn có thấy nó nói gì không?
Bọn chúng bắt nạt bạn không phải vì bạn có khuyết điểm gì, là bọn chúng chán và cần một nơi để giải tỏa. Và bởi vì bạn thiếu may mắn cho nên mới trở thành đối tượng để bọn chúng bạo hành.
**5. Chúng ta cần làm gì?**
Khi tôi lên cấp 3, tôi sống rất tốt. Vì ở đây không còn ai để ý đến bạn ăn mặc như thế nào, bạn đánh nhau có giỏi không. Họ chỉ quan tâm xem trong lớp ai học giỏi, ai xuất sắc,… Vậy nên tôi cũng dần dần tìm được những cách để hòa hợp với tập thể hơn.
Tôi đã trở thành một cô gái với cuộc sống bình thường mà tôi mơ ước. Chứ không phải là một thứ “quái gở” trong mắt những kẻ khác.
Và nếu như bạn đã làm cha mẹ hoặc là giáo viên.
Xin đừng giống như cha mẹ của những kẻ bắt nạt tôi ngày trước.
Nếu thấy con mình bạo hành, đánh đập bạn khác, đừng nói kiểu “Nó còn nhỏ, nó có biết gì đâu.” Hãy dạy bảo con của bạn thật nghiêm khắc trước khi bọn chúng lớn lên rồi trở thành “quái vật”.
Nếu bạn giống như tôi, phải chịu bạo lực học đường từ các bạn trong lớp, bạn hãy nhớ rằng đừng bỏ cuộc, hãy cố hết sức để vượt qua những tháng ngày tăm tối này.
Chỉ khi bạn có thể vượt qua thì bạn mới chứng minh được giá trị của bản thân mình, và mới sống một cuộc đời như bạn mong muốn, làm những thứ bạn thích, giống như một người bình thường.
Trên thế giới này sẽ cần nhiều người lên án bạo lực học đường, chứ không phải là lấp liếm cho qua bằng câu nói “Trẻ con đánh nhau thôi mà, có gì to tát đâu mà làm quá lên” giống như những kẻ độc ác và thiếu hiểu biết khác.
Hiện tại tôi không thể giúp bạn được gì. Nhưng bạn hãy cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn xung quanh, tôi biết bạn có thể vượt qua được. Cố lên nhé, tôi sẽ đợi bạn ở tương lai.
