Ghét.
Không chỉ ghét thôi đâu, tôi còn không thể nói hết suy nghĩ thực sự của mình….
Người tôi ghét nhất là bà ngoại đã ngoài 90 tuổi của tôi, bà bị tàn tật, không thể nói, không thể ăn, không thể đi lại hay kiểm soát việc đại/tiểu tiện của mình. Là con út trong gia đình có 3 người con, mẹ tôi đã bỏ gia đình và việc kinh doanh để quanh năm ở nhà cậu tôi chăm sóc bà ngoại, mẹ tự nguyện đến đây để làm người giúp việc miễn phí, giúp mợ tôi – người nắm giữ tài chính của bà ngoại tiết kiệm tiền thuê người giúp việc.
Trong suốt 5 năm đó, vì phải thức dậy 3 – 5 lần mỗi đêm để thay tã cho bà mà mẹ không có nổi một giấc ngủ ngon. Ban ngày mẹ cũng chỉ được ngủ trưa 10 phút theo giờ giấc của bà, việc thiếu ngủ trầm trọng khiến mẹ tôi trông già đi tận hai chục tuổi, từ người phụ nữ rạng rỡ một thời trở nên héo mòn thành một bà cô gù lưng.
Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được được nhận vào biên chế, làm việc gần nhà bà, tôi ở chung với bà, cậu và anh họ, tôi ngủ cùng bà. Thời gian thực tập là một năm, lương thực tập mỗi tháng là 1.500 tệ (~5tr), tiền lương của 4 tháng đầu sẽ được trả vào tháng thứ 5. Tiền sinh hoạt thời đó của tôi là 1.200 tệ (~4tr) tiền góp nhà + 150 tệ (~500k) tiền xăng xe đi lại + 60 tệ (~200k) ăn trưa công ty + 500 tệ (~1tr8) tiền sinh hoạt đưa cho bà. Vì lương của tôi bèo bọt nên mẹ phải thay tôi đóng tiền cho bà, 5 tháng là 2500 tệ (~8tr8). Sau đó vì để cảm ơn bà đã chăm lo cho tôi nên mẹ lại đưa thêm 2.000 tệ (~7tr) bỏ vào phong bì.
Mọi giờ giấc ăn uống và sinh hoạt trong nhà đều xoay quanh anh họ, mỗi sáng tôi đi làm sớm, không kịp ăn sáng ở nhà, tôi chỉ đành ăn trưa ở căng tin công ty và ăn tối ở nhà bà. Nhà 4 người nhưng chỉ ăn 2 món, 2 năm đi làm tôi đã giảm 5kg so với thời đi học.
Bà tôi sống rất tiết kiệm, bà thường chạy đến tắt vòi nước khi tôi đang rửa mặt, rửa bát, rửa rau, giặt giẻ,.. bà còn hay mắng tôi “Mở nước to thế làm gì! Rửa mỗi thế thôi mà phí phạm bao nhiêu tiền!!”
Có lần anh họ mua được một túi dâu tây, tôi mang dâu đi rửa sạch, sau khi đặt lên bàn, bà tôi ăn thử một quả rồi nói: “Dâu ngon thế này vào tay mày rửa cũng nhạt thếch đi!!”
Cuối cùng cũng đến ngày nhận lương, tan làm về nhà, tôi vui vẻ mời mọi người ăn một bữa, bà tôi mặt lạnh tanh nói: “Lương về rồi thì đóng tiền sinh hoạt đi.” Đến giờ tôi vẫn không thể hiểu được mục đích của câu nói này.
Cả cuộc đời bà đều dành cho cậu và anh họ. Mợ đón bà ngoại về nhà cậu chăm sóc, lúc đó chỉ có tôi và anh họ ở nhà, bà ngoại gọi cho tôi nói: “Mày về nhà rồi thì nhớ đun nước ấm cho anh uống, đi mua thêm mấy quả cà chua đi, không biết làm món trứng chiên cà chua à? Rồi nhớ xào thêm ít thịt xá xíu, anh mày thích ăn món đó lắm. Rồi nhớ mua thêm mì nữa, anh thích ăn mì, tuần nào cũng phải ăn ít nhất một lần.” Cuối cùng, người chưa bao giờ nấu ăn như tôi đây đã háo hức chờ anh họ đi làm về và nấu mì cho tôi ăn.
Hồi đó tôi còn dùng con Nokia 3250 cùi bắp, một ngày nọ không may nó rơi xuống bồn cầu, anh họ đang dùng con Samsung đời mới nhất mà bà mua cho đã tặng tôi một chiếc Sony anh ấy vứt xó không dùng, các nút cũng bị hỏng, thỉnh thoảng lag giật. Nửa năm sau, nghỉ lễ tôi về nhà chơi, mẹ tôi nhìn con điện thoại cũ rích của tôi liền kéo tôi đi mua con Sony có màu xịn xò hơn.
Chị họ tôi là con gái của mợ, chị ấy và anh họ đều do bà ngoại một tay nuôi nấng từ bé, tôi thì được bố mẹ chăm sóc từ nhỏ nên ít tiếp xúc với ông bà, tình cảm cũng có phần lạnh nhạt. Chị họ hơn tôi mấy tuổi, chị rất thương tôi, có hôm chị mang cho tôi vài chiếc áo khoác mà chị không thích mặc trong lúc chốt đơn lúc 2h sáng, bà tôi giật lấy quần áo rồi nhét lại vào tay chị họ, nói: “Sao con lại cho nó quần áo đẹp thế này! Con giữ lấy mà mặc!”
Có một đêm nọ, khi tôi đang ngủ, bỗng đến 3 giờ sáng tôi chợt nghe có tiếng động lớn, tôi ngồi dậy bật đèn thì thấy bà ngoại đã ngã xuống, bà nằm trên sàn, mặt mày căng thẳng, mắt đờ đẫn. Tôi gọi anh họ ở phòng bên cạnh đến.
Anh tôi đến bế bà về giường, gọi cứu thương đưa bà vào bệnh viện. Hôm sau bà tỉnh dậy và nói với người thân đến thăm rằng: “Đêm qua tôi bị ngã, nó (ám chỉ tôi) đã gọi anh nó, thế là thằng anh bật đèn lên, thấy tôi đang nằm dưới đất nên đỡ tôi dậy, sao tôi đang khỏe thế này lại tự nhiên bị ngã thế nhỉ? (Nghiêng qua nhìn tôi và mỉm cười) Lẽ nào có ai đó cố tình đẩy tôi xuống. Giờ nghĩ lại mới thấy chắc bệnh thoái hóa não của bà ngày càng nặng rồi.
Tôi đã nhiều lần nài nỉ mẹ cho tôi ra ngoài thuê nhà một mình, mẹ luôn từ chối với lý do nếu tôi chuyển ra ngoài, người thân khác sẽ nghĩ bà không tốt với tôi. Cuối cùng, khi trả góp xong xuôi ngôi nhà, tôi nhanh chóng sửa sang và dọn vào ở. Cảm giác như thế giới tươi sáng đã quay trở lại, 3 tháng tôi đã tăng hẳn 5kg và còn có người yêu.
5 năm trước, hai tháng trước khi tôi cưới, mẹ đã làm một ca phẫu thuật. Sau 1 tháng dưỡng bệnh, mẹ đã nghỉ hưu và về sống cùng tôi để giúp tôi chuẩn bị đám cưới. Hôm sau mẹ tôi về nhà, cậu tôi dẫn bà ngoại đã lẫn đến, nói cậu đã chăm sóc bà nhiều năm, bây giờ đến lượt mẹ tôi chăm sóc, cậu sẽ chu cấp thêm 900 tệ (~3tr) để nuôi bà. Thế là tôi đã trải qua tháng cuối cùng của cuộc đời độc thân để chăm sóc mẹ và phục vụ bà.
Sáng ngày cưới, bà ngoại đến nhà tôi quậy phá, đập nát nồi niêu bát đĩa, mắng chửi mọi người. Khi chị họ và anh họ tôi kết hôn, bà đều cho họ mỗi người 1 vạn tệ (~35tr), cho anh họ tiền mua xe, chị dâu họ tới chơi bà cũng cho 2 vạn tệ (~70tr). Riêng tôi kết hôn bà không cho lấy một xu.
Sau này bà tôi dần mất đi khả năng cử động, bà không thể nói chuyện hay đi lại được nữa, bà đi đại/tiểu tiện không kiểm soát. Trước đây còn cho bà ăn bình thường, nhưng gần đây bà dường như không nhai hay nuốt được nữa. Mẹ tôi chăm sóc bà rất chu đáo, bà ngoại tuy đã ngoài 90 tuổi, mắc bệnh tiểu đường lâu năm nhưng không hề bị lở loét da, nội tạng vô cùng khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ tôi lại vì chăm sóc bà mà kiệt sức, trông mẹ như đang bị bà ngoại hút hết sinh khí vậy.
Đôi lúc tôi nghĩ, nếu bố tôi không qua đời, có lẽ tôi và mẹ sẽ không phải trải qua những chuyện này, không phải chịu ấm ức từ bà ngoại và cậu mợ. Mẹ tôi giờ đây vẫn sẽ là người phụ nữ thanh lịch, xinh đẹp như hoa, còn tôi cũng chẳng phải là cô gái suốt bao năm qua không có ai che chở, dựa dẫm, chỉ biết cặm cụi tự mình va vấp vô số lần để rồi tự mò mẫm bước đi trên con đường của riêng mình.