Bạn có biết được có tổng cộng bao nhiêu cấp bậc thiên thần được phân loại trong tín ngưỡng của Thiên Chúa Giáo hay không?

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến danh từ “thiên thần” ít nhất một vài lần rồi chứ? 

Nhưng liệu các bạn có biết được có tổng cộng bao nhiêu cấp bậc thiên thần được phân loại trong tín ngưỡng của Thiên Chúa Giáo hay không? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé.

Đầu tiên, các bạn cần phải biết thiên thần là các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền của Thiên Chúa Giáo đều nhất trí như thế. 

Các thiên thần cũng là những thụ tạo của Thiên Chúa nhưng khác biệt và hoàn hảo hơn chúng ta ở chỗ họ là các thụ tạo thuần linh, có trí năng, ý chí; là những thụ tạo có ngôi vị và bất tử, còn con người là thụ tạo hữu hình. 

PHẨM TRẬT THIÊN THẦN TRONG KITÔ GIÁO

– Từ thời trung cổ, các cấp bậc thiên thần đã được nêu ra trong nhiều tài liệu, tác phẩm thần học của các vị thánh Công Giáo như:

Tông hiến thời các Giáo Phụ (thế kỷ IV).

_ Sách Apologia Prophet David của Thánh Ambrosius (thế kỷ IV).

_ Sách Bài Giảng của Thánh Giáo Hoàng Gregory I (thế kỷ VI).

_ Sách Từ Nguyên của Thánh Isidore (thế kỷ VII).

_ Sách De Fide Orthodoxa của Thánh John thành Damascus (thế kỷ VIII).

_ Sách Scivias của Thánh nữ Hildegard của Bingen (thế kỷ XII).

_ Sách Summa Theologica của Thánh Thomas Aquinas (thế kỷ XIII).

_ Sách De Caelesti Hierarchia của tác giả Dionysus (thế kỷ VI).

Qua các tài liệu này, ta có thể thấy quan điểm chung nhất của các vị học giả và thánh sử đó là: Các thiên thần được chia ra 3 cấp, mỗi cấp gồm 3 đẳng. Từ đó có 9 đẳng hay 9 phẩm trật thiên thần. Dưới đây, mình xin nêu ra 9 phẩm trật này theo ngôi vị từ cao xuống thấp, có kèm theo trích dẫn Thánh Kinh cụ thể.

I. Cấp bậc một là nhóm các thiên thần chủ yếu làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa. Họ là những tạo vật kề cận Thiên Chúa nhất.

1. Luyến thần (Seraphim)

Từ Seraphim có thể dịch là những người đang rực cháy. Trong tiếng Do-thái, từ này đồng nghĩa với con rắn. Các Seraphim là các thiên thần cấp cao nhất. Họ có nhiệm vụ đứng chầu quanh ngai Thiên Chúa và không ngừng ca tụng, tôn vinh người. Họ được mô tả rất chi tiết trong Sách Ngôn Sứ Isaiah;

“Phía bên trên Người, có các thần Seraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,2-3)

*Fact: trước khi sa ngã, Lucifer cùng vài chúa quỷ khác cũng từng là một thần Seraphim.

2. Minh thần (Cherubim)

Các Cherubim được nhắc đến rất nhiều trong Cựu Ước: St 3,24  ·  Xh 25,17-22  ·  2 Sb 3,7-14  ·  Ed 10,12-14;28,14-16  ·  1 V 6,23-28. Họ là những thiên thần bảo vệ ngai Thiên Chúa và cũng có nhiệm vụ canh giữ đường đến cây Trường Sinh trong Vườn Địa Đàng. Về hình dáng, mỗi Cherubim có bốn cánh và bốn khuôn mặt: một người đàn ông, một con bò, một con sư tử và một con đại bàng, cùng với đó là đôi chân cừu (một số bản thì gọi là chân dê). Mỗi vị đều cầm thanh gươm rực lửa, chính các Cherubim là người đã đuổi Adam và Eva ra khỏi vườn Eden.

3. Bệ thần và Ngai thần (Thrones and Ophanim)

Các Bệ thần được nhắc đến trong Thư gửi tín hữu Colossians chương 1, câu 16 như đã nêu trên. Họ cũng được xác định là các “sinh vật hình bánh xe” trong Sách Ngôn Sứ Ezekiel (Chương 1, câu 15-21) và 24 vị Kỳ Mục trong Sách Khải Huyền (Chương 11, câu 16).

Các nhà thần học cho rằng các Bệ thần có nhiệm vụ lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa và chuyển cầu cho con người.

Về hình dáng, Ngôn Sứ Ezekiel mô tả họ có hình dạng bánh xe lấp lánh như mã não, xung quanh vành bánh xe thì đầy những mắt. Họ gắn bó mật thiết với các Cherubim.

II. Những thiên thần cai quản vũ trụ và loài người theo ý Thiên Chúa.

4. Quản thần (Dominions/Dominationes)

Quản thần (hoặc Dominationes) được coi là những thiên thần điều phối hoạt động của các thiên thần cấp dưới. Nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn vũ trụ theo đúng quỹ đạo bằng cách gửi sức mạnh cho những người nhà quản trị các quốc gia. Quản thần được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên thần. Tuy nhiên, để phân biệt với các thiên thần khác, các Quản thần có thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu.

5. Dũng thần (Powers/Virtues)

Dũng thần (hoặc Virtues) có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên. Họ tăng thêm sức mạnh cho những nhân vật tài năng dưới trần gian. Virtues (dũng thần) có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và uy lực. Dũng thần là các thiên thân luôn sẵn sàng, dũng cảm thi hành những việc phi thường.

6. Quyền thần (Authorities/Potestates)

Quyền thần giám sát sự phân chia quyền lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Quyền thần mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo. Có ý kiến cho rằng, Lucifer là thủ lĩnh nhóm Quyền thần trước khi bị Thiên Chúa phạt đày xuống trần gian. Các Quyền thần trợ giúp các Dũng thần giao tranh với ma quỷ, chiến đấu chống lại các thế lực xấu xa, đi ngược lại với trật tự quan phòng của Thiên Chúa.

III. Các thiên thần hướng dẫn, bảo vệ con người và là sứ giả của Thiên Chúa

7. Lãnh thần (Principalities/Principatus)

Lãnh thần thường xuất hiện để cộng tác năng lực với Quyền thần. Lãnh thần được tạo hình có đội ​​một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của họ là thực hiện tấn phong cho các lãnh chúa xứ sở và gìn giữ thế giới vật chất, giám sát các nhóm người. Họ là những quan thầy và bảo hộ cho các lãnh quốc trên Trái Đất. Ngoài ra, Lãnh thần còn truyền cảm hứng và tư tưởng cho chúng sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.

8. Tổng lãnh thiên thần (Archangel/Archangeli)

Từ “Tổng lãnh thiên thần” (hoặc Archangeli) chỉ xuất hiện hai lần trong Tân Ước (Thessaloniki 4:16 và Judas 1:09). Người ta chỉ biết nhiều đến hai tổng lãnh thiên thần là Gabriel và Michael. Ngoài ra, trong Sách Tobiah (được Công giáo và Chính Thống giáo chấp nhận) còn đề cập đến tổng lãnh thiên thần Raphael khi Raphael nói với Tobiah rằng ông là “một trong bảy người hầu cận trước mặt Chúa” (hàm ý sáu người còn lại có Michael và Gabriel). Thông thường, Công giáo và Chính Thống giáo coi bộ ba Michael-Gabriel-Raphael là tổng lãnh thiên thần còn Giáo hội Cơ Đốc phục lâm coi Michael là một tên khác của Chúa Jesus.

9. Thiên thần (Angel/Angeli)

Thiên thần cấp độ thấp nhất và tên gọi cũng thường được dùng chung cho mọi phẩm trật thiên thần. Nguyên nghĩa theo tiếng Hy-lạp, từ angelos mang ý nghĩa là sứ giả, người đưa tin, nó dùng để mô tả công việc hơn chỉ một chức vị.

Các thiên thần giúp chuyển lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa và loan báo thông điệp của Ngài đến con người. Các thiên thần hộ thủ hay thiên thần bản mệnh của mỗi tín hữu được cho là đến từ nhóm thiên thần này.

__________________________________

Bonus: Ác quỷ không phải được sinh ra, mà nó được hình thành do sự sa ngã của các thiên thần ở Thượng Giới. Và Lucifer, một thiên thần quyền uy bậc nhất Thượng Giới (chỉ sau Thượng Đế) đã trở thành một trong số đó, và còn là người đứng đầu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *