Chào mọi người, hôm nay của mọi người ổn chứ?
Tôi nhớ vài năm trước khi Lê Thiện Hiếu ra mắt bài hát Ông bà anh đã tạo nên một cơn sốt vô cùng lớn. Hồi đó đi đến bất cứ con ngõ nào, bạn cũng có thể thấy quán café, cửa tiệm thời trang phát bài hát này. Quả thật, nghe rất bắt tai. Không những vậy, lời bài hát còn khiến mỗi người chúng ta có một suy ngẫm khác nhau về tình yêu của mỗi lứa tuổi.
Tôi hồi trước luôn rất thắc mắc, tôi luôn muốn hỏi ở thời xa xưa đó, những con người yêu nhau thường thể hiện như thế nào khi kinh tế còn khó khăn, họ không mua được hoa, cũng chẳng mua nổi quà.
Hôm qua trên tiệm Coffee có một bạn đã hỏi tôi rằng, nghe cách tôi miêu tả bố chứng tỏ ông là một người khôn ngoan và có phần hơi ranh mãnh, không biết hồi xưa bố tôi cưa mẹ tôi bằng cách nào nhỉ? Thật sự để trả lời câu hỏi này tôi đã phải xuống dưới nhà để tìm nhân vật chính. Ấy thế mà bố tôi chỉ lắc đầu, quay ra hỏi nhân vật chính còn lại thì mẹ tôi nói.
- Là bố mày lừa.
Quả thật là một câu chuyện tình yêu không có một chút dư vị ngọt ngào, lãng mạn nào hết. Nhưng chê trách, bất bình thế thôi, bố mẹ tôi cũng sắp ở bên nhau được ba mươi năm rồi đấy.
Hôm nay trong lúc thanh toán ở một cửa hàng tạp hóa, tôi đã chứng kiến một câu chuyện rất thú vị, vậy nên muốn chia sẻ với mọi người một chút.
Ở chỗ tôi ở, tuy dân cư đông đúc nhưng lại không có siêu thị. Nói thẳng ra là người dân ở đây quen với việc mua bán ở các cửa hàng tạp hóa hơn là đi vào mua sắm ở các siêu thị như thành thị. Hồi trước có mấy người mang hình thức siêu thị mini về xây dựng nhưng lại không kinh doanh được, đành phải đóng cửa. Chính vì lẽ đó tuy nói chỉ là cửa hàng tạm hóa nhưng quy mô cũng khá lớn, không khác siêu thị mini là bao.
Đương nhiên, vì nó lớn nên tình trạng phải xếp hàng chờ thanh toán nó cũng không khá khẩm hơn hồi tôi sống trên Hà Nội một tí nào cả.
Đứng trước tôi là một người đàn ông tóc đã bạc trắng, dáng người cao gầy, hành động cũng không còn nhanh nhẹn nữa. Trên tay ông là một sấp tiền được cuộn tròn và nắm chặt trong bàn tay đầy gân guốc nhuốm màu tháng năm.
Trong cuộn tiền đó tiền lẻ có mà tiền chẵn cũng có luôn, chúng được ông xếp gọn gẽ rồi cuộn chặt buộc bằng cái nịt vàng. Chính vì ông đã già lắm rồi, nên hầu như đám thanh niên chúng tôi đều nhường ông lên tính tiền trước. Mọi người biết ông mua gì không? Ông mua một thùng bia đấy.
Ban đầu, chúng tôi chỉ cười là vì nhìn ông tuổi đã cao vậy mà còn mua đến tận một thùng bia. Không phải ở tuổi này thường các ông già có tuổi sẽ thích uống rượu đế, rượu quê hay sao?
Nhưng thôi, sở thích mỗi người một khác. Chúng tôi chỉ buồn cười vì ông dù gì cũng là một người đàn ông, ấy thế mà lại cứ đứng so đo, đong đếm hỏi người bán là bia này có ngon không? Bia này ngon hay bia kia ngon hơn?
Tôi nhớ cô bán hàng ở đây cũng là một người rất nhiệt tình. Đứng trước những câu hỏi có phần lặp đi lặp lại của ông lão, cô ấy chỉ cười rồi giới thiệu chi tiết từng loại bia cho ông. Thấy những người đứng sau ông càng ngày càng dài, cô bán hàng quay ra cười với chúng tôi.
- Thông cảm chờ thêm một chút nhé, người già hơi kĩ tính.
Quả nhiên, dù cho những người đứng sau đang ngày càng mất kiên nhẫn nhưng không ai phát cáu một câu nào cả.
Tôi giơ tay nhìn đồng hồ, quả thật là có hơi lâu rồi.
Đắn đo một hồi, cuối cùng ông lão cũng chọn cho mình được một thùng bia nhưng có vẻ vẫn chưa được hài lòng lắm. Ông xòe bàn tay ra, những tờ tiền phẳng phiu dần dần được ông trải ngay ngắn trên mặt bàn tính tiền.
Một tờ, hai tờ.
Trả đủ tiền cho thùng bia, số tiền trong tay ông lão cũng cạn sạch. Tôi thầm ngó sang đôi bàn tay gầy guộc ấy. Chà, còn hai mươi tư nghìn mọi người ạ. Tuy số tiền không lớn, nhưng ông vẫn cuộn tròn rồi buộc lại bằng một chiếc dây nịt vàng.
Cả chúng tôi và người bán hàng đều bật cười vì hành động này của ông lão. Cô bán hàng còn trêu.
- Hay ông ra làm cân lạc về nhắm bia cho mát. Tối nay uống xong đi ngủ thế là sướng như tiên ông nhỉ?
Ông lão quay lại cười khà khà.
- Nào tôi có được uống.
Cô bán hàng lại càng tò mò hỏi tiếp.
- Thế ông mua cho ai?
- Tôi mua cho bà nhà tôi. Bà ấy hay mất ngủ lắm, nói uống chai bia là ngủ một phát đến sáng nên tôi mua cho cả thùng đỡ phải đi mua lẻ. Đi mua lẻ người ta cười chúng tôi già rồi còn rượu chè bê tha.
Cả đám người trẻ chúng tôi đang đứng ở đấy bỗng lặng người đi đôi chút.
Các cô bác lớn tuổi đứng cạnh đó lại càng trêu ông lão hơn. Họ nói ông bà tình cảm, nói ông chiều bà ghê. Nghe đến đây, gương mặt lấm tấm những vết đồi mồi của ông lão cúi xuống.
- Nói thì lại bảo kể xấu vợ chứ bà ấy lấy được tôi là phúc bảy mươi đời đấy. Nhưng nói đùa thế thôi, vợ chồng sống với nhau cả đời rồi, chẳng biết còn được bao nhiêu ngày nữa, trước bà ấy chăm tôi, lo cho cả gia đình tôi, giờ bà ấy già rồi, tôi chiều được tí nào hay tí đấy.
Đám người trẻ chúng tôi đang đứng ở đó nghe thật lâu, nhớ thật rõ từng lời mà ông lão nói.
Lời lẽ mộc mạc, đơn giản, nghe thật giống như một lời tâm tình nhàn nhạt nhưng không biết để nói ra những lời đó rốt cuộc hai ông bà đã phải trải qua những gì, trải qua bao nhiêu năm tháng của đời người.
Một anh thanh niên đứng gần ông vội vàng bê thùng bia ra xe giúp, ông lão lúc này mới rảnh tay quay lại với đám trẻ vẫn đang xếp hàng phía sau nói bằng giọng ngại ngùng.
- Ngại quá, ông già lẩm cẩm bắt các cháu chờ lâu rồi.
Có chàng trai đứng phía sau lưng tôi cất tiếng.
- Mong ông bà thật khỏe, sau này cho chúng cháu đứng chờ thêm vài lần nữa cũng được ạ.
Ông lão cười, chào mọi người trong quán rồi bước ra ngoài.
Mọi chuyện sau đó như vào đúng guồng quay, chúng tôi rất nhanh được thanh toán. Nhưng đến lúc tôi ra đến cửa, ông lão vẫn còn ở đó chưa đi.
Thấy ông đang loay hoay buộc chặt thùng bia vào ghế sau xe đạp, tôi định chạy lên xem ông có cần giúp gì không? Tuy nhiên, chưa đi được mấy bước đã nghe thấy tiếng một người phụ nữ đang mắng ông xa xả.
- Đã nói ông nhờ cháu nó đi mua cho thì không nghe, đã lần mần, chậm chạp rồi mà còn cứ thích ôm đồm việc. Thấy chưa? Mất bao nhiêu thời gian mà mua được có mỗi thùng bia, còn không cả buộc được chắc chắn.
Người mắng ông lão là một bà mái tóc cũng điểm hoa râm. Chỉ là, người ta tóc đen điểm vài sợi bạc, còn bà lão tôi thấy là tóc bạc điểm lơ thơ vài nhánh tóc đen. Nhìn vậy hẳn là bà cũng không kém tuổi ông nhiều lắm.
Tuy miệng bà cứ mắng ông liên hồi nhưng bàn tay thì lại thoăn thoắt chằng buộc thùng hàng vào phía sau xe cho ông lão. Vừa mắng vừa làm, vừa làm lại còn vừa mắng tiếp không ngưng. Một lúc sau thấy ổn thỏa cuối cùng bà lão cũng ngẩng mặt lên nhìn ông.
- Đúng là chẳng làm người ta hết lo, việc gì cũng phải vào tay tôi thì mới xong là như nào? Ông cứ như này nếu sau này tôi chết trước thì phải làm sao?
Mọi người biết không, dáng bà lão rất nhỏ, bà đứng chỉ đến bờ vai ông thôi. Người già mà, lưng lại còng đi không ít. Thế nhưng, người đàn ông cao kều như ông lão lại cứ đứng nghe vợ mắng, vừa nghe mắng vừa cười tủm tỉm. Chắc hẳn ông cũng quen rồi.
Tôi còn đứng đó nhìn một lúc lâu, nhìn cho đến khi hai ông bà mỗi người đạp một chiếc xe đạp đi khuất.
Cuối cùng tôi cũng nhớ đến việc mình phải rời đi, ra đến xe bạn tôi hỏi sao tôi mua gì mà lâu như thế?
Tôi nói, tôi mua một chuyện tình.
Bạn tôi mắng tôi dở người rồi vội vàng khởi động xe.
Mọi người nghĩ thử xem, liệu bà lão có biết chồng mình vừa trút hết tài sản trong túi để mua đồ cho bà không nhỉ?

Liệu bà biết chuyện rồi có mắng ông lão tiêu hoang không?
Tôi thì không biết đâu, tôi chỉ biết rằng, so với những hứa hẹn thề thốt cao sang, thứ tôi cần ở một người đàn ông chính là tình yêu và sự thấu hiểu của anh ấy.
Còn bạn thì sao?
Bạn cần gì ở chính người đàn ông của mình?