Chu Thảo.
Nhiều người nghĩ rằng sinh con ra để nối dõi tông đường, để phụng dưỡng lúc tuổi già hay có người thờ phượng nhang khói lúc qua đời.
Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ đón một đứa con đến với cuộc đời này là nhân duyên, là báu vật được ơn trên ban tặng. Tôi không đặt bất cứ gánh nặng trách nhiệm nào lên đôi vai bé nhỏ của con mình, cũng không mong con trả hiếu nuôi dưỡng lúc tuổi già.
Tôi chỉ mong muốn mình nuôi dưỡng, dạy bảo con nên người. Mong con sống tử tế, có trách nhiệm với bản thân và xã hội… Vậy là đủ.
Tôi nghĩ khi tôi già, khi con đã trưởng thành, tôi sẽ chuẩn bị hành trang để mình sống những tháng ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Sống chậm lại, đọc sách, viết truyện hay học vẽ học đàn… Học những thứ mà lúc trẻ mình không có cơ hội học.
Khi già nữa, không còn tự chăm sóc cho bản thân mình được nữa thì sẽ chọn một viện dưỡng lão thật đẹp, đầy đủ tiện nghi vào đó để có người chăm sóc, vui với các bạn già…
Và khi qua đời, tôi muốn con tôi rải tro ra biển – thân cát bụi trở về cát bụi. Tôi không muốn con mình mỗi năm phải có trách nhiệm viếng mộ hay lên chùa thăm hũ tro cốt vô tri vô giác,
Thương nhớ chỉ là trong tâm tưởng.
Có người bạn là bác sĩ phản đối cách nghĩ của tôi. Anh nói phải để con ghi nhớ công ơn dưỡng dục của mình, phải xây mộ để mỗi năm con cái quây quần tưởng nhớ.
Tôi nói con mình bây giờ có 2 đứa, mỗi đứa có thể sau này sống mỗi nước khác nhau, có những công việc khác nhau. Mình sẽ làm khó con nếu ngày giỗ vì bận rộn con không về được, con sẽ áy náy trong lòng.
Tôi quan niệm gia tài để lại cho con là kiến thức, là những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất.
Và tôi biết, tình yêu với con cái là tình yêu vô điều kiện – yêu thương không cần báo đáp.
Và khi yêu con, mình sẽ nghĩ cho con chứ không còn nghĩ cho bản thân mình nữa.