ÁP LỰC TẠO KIM CƯƠNG? VÀ THẾ HỆ ĐI SAU KHÔNG BẰNG ĐI TRƯỚC

Có ai sống trên đời này mà không gặp áp lực cơ chứ. Cơm, áo, gạo, tiền – bài toán muôn thuở mà chẳng con người nào thoát khỏi, cộng thêm sự so sánh bản thân, một cái bẫy mà chúng ta đang rơi vào trên không gian mạng khi thấy xung quanh ai cũng lộng lẫy, hạnh phúc, nhà cửa xa hoa, có người yêu thật tuyệt vời.

Tới cái độ mà Instagram với hơn 1 tỷ người dùng có thể kinh doanh hàng tỷ đô dựa vào nỗi sợ của các cô gái, áp lực họ ngờ vực về giá trị của mình. Dường như thế hệ trẻ ngày nay được khuyến khích để sống giả tạo trên mạng với các thứ lấp lánh, để bớt áp lực cho bản thân và tạo áp lực lên người khác hay mình thường đùa với hội bạn là “phông bạt nào”.

Nhưng khoan, hãy tưởng tượng cùng mình như này:

Bạn là một sinh viên năm nhất lên Hà Nội học. Cuộc sống độc lập và tự lập đầu đời có quá nhiều thứ phải thích nghi nhưng bạn vẫn đang bị choáng ngợp. Bài tập ở lớp thì nhiều, khi teamwork thì gặp phải những người đồng đội lười biếng, thiếu trách nhiệm, bạn nhận được những con điểm tệ hại ngay vừa bắt đầu hành trình đại học. Bạn cảm thấy khủng hoảng, áp lực khi không thể kiểm soát được mọi thứ, học online bạn không tiếp thu được, bạn không biết có nên bảo lưu để ổn định lại cuộc sống rồi tiếp tục học không… Khi bạn kể câu chuyện của bản thân thì những gì bạn nhận được là “Áp lực sẽ tạo kim cương”, “Thích nghi đi, không được thì nghỉ học”, “Anh chị làm được thì em đừng có mà kêu”…

Dừng lại ở đấy.

Đó là những gì mình thấy trong khoảng thời gian vừa rồi ở một số confessions của các trường đại học: những bạn tân sinh viên gặp khó khăn trong những bước chân đầu của thế giới trưởng thành đầy áp lực.

Tạm ngưng, hãy quay về câu hỏi đặt ra ở tiêu đề: ÁP LỰC TẠO KIM CƯƠNG?

Đúng, nhưng chưa đủ. Và có một số lưu ý sau mọi người cần ghi nhớ khi sử dụng câu trên:

1, KIM CƯƠNG CẦN THỜI GIAN, VÀ CON NGƯỜI CŨNG VẬY.

Khả năng chịu áp lực của mỗi người là khác nhau, dựa trên trải nghiệm cá nhân trong quá khứ và được tôi luyện qua thời gian khi chúng ta phá được giới hạn chịu đựng. Nó cũng giống nỗi đau vậy: bạn không thể bảo một đứa trẻ lên 3 ngã trầy đầu gối không khóc òa lên được, hay ở ví dụ trên là các bạn tân sinh viên quản lý thời gian tốt chỉ sau vài ba tuần mới học.

Vậy nên sẽ thật là thiếu khôn ngoan nếu bất cứ cha mẹ nào quát nạt con là nín ngay, im mồm và đánh con nếu nó mãi không dừng. Nếu cái đó xảy ra, chắc cả cái cộng đồng mạng vào chửi mất. Và cũng thật vô lý khi có nhiều người, mà chủ yếu là tiền bối vượt qua được cái khó khăn rồi, sử dụng cái mức độ chịu áp lực tốt hơn các bạn để lên mặt, phán xét và dùng những từ ngữ không hề đọng một chút sự thông cảm.

Trong bài “3 phút”, Marzuz có viết “Stuck in the growing generation, Compared to the already-good generation”. Những người trẻ hơn luôn bị so sánh với thế hệ đi trước, thường là tiêu cực, chê bai rằng thế hệ đi sau phần lớn là bọn kém hơn. Giả sử điều đó là đúng đi, thì cũng dễ hiểu mà? Họ ít kinh nghiệm hơn, đơn giản là vậy. Nhưng có những người không bao giờ chịu hiểu, chịu thông cảm cho lớp trẻ và đi ban phát những lời khuyên vô giá trị, tiêu cực mà họ nghĩ là đang bố thí vài đồng bạc cho chúng, là “đã giúp như vậy rồi mà vẫn không làm được”.

Tất nhiên, than phiền trên mạng hay bất cứ đâu thường không giúp giải quyết được vấn đề. Nhưng đó là một trong những cách con người phản ứng với những áp lực dồn nén xung quanh. Nó cũng giống như khi ta gặp chuyện buồn, ta vẫn thường tìm đến những người bạn để kể phải không? Cho dù đôi khi cuộc hội thoại đó chẳng giúp ta có một giải pháp hữu hiệu, nhưng cái ta có được là sự lắng nghe, cảm thông và tiếp thêm động lục để chạy đà cuộc sống. Và mỗi người có cách để đối mặt với áp lực khác nhau, vậy nên hãy tôn trọng điểm khác biệt này.

Vậy nên, khi sử dụng câu “Áp lực tạo kim cương”, bạn cũng cần nhớ rằng mọi người cần thời gian để thích ứng, từng bước đẩy giới hạn chịu đựng của bản thân để được như bạn. Không phải ai cũng may mắn có được một sức chịu đựng thần kỳ hay đủ sự tôi luyện để trở nên rắn rỏi. Bất cứ người lính nào cũng cần thời gian luyện tập trước khi ra chiến trường thì mới làm tốt nhiệm vụ của mình được.

2, PHẦN LỚN NGƯỜI THAN PHIỀN ĐANG CỐ GẮNG TRONG CUỘC SỐNG.

Có một giả định thường được đưa ra với những người đi than phiền, kể chuyện họ bị áp lực là họ đang chẳng làm cái gì, vậy nên họ hãy trật tự và hành động đi. Mình nghĩ thực tế là ngược lại.

Xã hội đặt cho mỗi người quá nhiều áp lực khiến hầu hết không thể bình chân như vại, chỉ mở mồm gào thét, chửi đời như Chí Phèo, nhưng sau khi đã đối mặt và cố gắng giải quyết áp lực không thành công, người ta quay ra than thở, chán nản. Vậy nên những người than phiền thực chất là những người có hành động và cố gắng ban đầu nhưng đang bất lực trước cái áp lực họ va vào.

Trong quá trình lớn lên, chúng ta được dạy là phải biết sống tự lập, không được làm phiền tới người khác. Điều này dẫn đến tình huống là đôi khi gặp rắc rối, thử thách chúng ta không bao giờ tìm đến sự trợ giúp của người khác. Chỉ khi mọi thứ quá tệ, chúng ta mới í ới trong thoi thóp cùng bầu không khí chẳng mấy vui vẻ tới mọi người.

Có những bạn nhắn tin tâm sự hỏi mình vài câu rất bình thường, nhưng với họ là một vấn đề lớn, họ sợ mình sẽ thấy phiền. Hay bản thân mình cũng thế thôi: vẫn ngại nếu nhắn tin với một anh chị siêu đỉnh nào đấy về vấn đề abc xyz.

Họ còn than thở, là họ còn muốn kiếm tìm giải pháp và sự giúp đỡ. Chứ nếu họ bỏ cuộc, thì họ sẽ chẳng đếm xỉa tới vấn đề nữa. Vì từ bỏ thì dễ lắm, tiếp tục mới là chuyện khó.

Và cũng đừng nói rằng họ cố gắng chưa đủ, bởi thế nào là “Đủ” không dễ để trả lời đâu.

Vậy nên đừng dùng câu “Áp lực tạo kim cương”, để gạt phăng câu chuyện và góc nhìn của họ, rằng họ chẳng làm gì, rằng họ sẽ không khá hơn. Họ đang cố gắng, và nếu được thì hãy đưa ra những lời khuyên giúp họ hoặc đừng nói gì cả. Bạn chỉ đang tốn thời gian của mình thôi.

Đúng là tồn tại những người chỉ biết than phiền hoài than phiền mãi, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ phải hành động hoặc bị đào thải khỏi xã hội này. Khi họ trở lại với vòng quay áp lực của cuộc sống, hãy cho họ một cơ hội, một sự cảm thông và giúp đỡ. Một người từng thất bại hay than phiền hoài trong quá khứ, không có nghĩa họ không thể thay đổi. Ai cũng xứng đáng có một cơ hội thứ hai, để làm lại hay làm mới cuộc đời mình.

Cứ tưởng tượng lúc nào bạn nói về áp lực của mình đều nhận lại câu đó, thì cái có thể xảy ra chính là bạn cho rằng bạn là cội nguồn của mọi vấn đề, rằng bạn vốn dĩ hạ đẳng, thấp kém hơn với mọi người, không thể chịu được những áp lực cỏn con.

“Người khác làm được thì mình cũng có thể làm được”. Nhưng lật ngược lại thì cũng đúng “Người khác không làm được thì mình cũng có thể không làm được”.

Chúng ta có thể làm gì TỐT HƠN?

Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu phần nào lý do họ hành động như vậy, thông cảm và đưa ra góc nhìn của mình với một thái độ từ tốn. Vì bạn cũng chẳng bao giờ biết hết được câu chuyện của họ, biết hết mọi thứ trên thế giới này. Và nếu tồn tại xã hội mà ai cũng có sự đồng cảm cao, thế giới này sẽ đẹp hơn nhiều.

Áp lực ai mà chẳng có, áp lực ai mà chẳng qua và áp lực chẳng dễ bao giờ. Mỗi người hạ cái tôi, lắng nghe một chút, góp ý một chút thì chẳng phải mọi vấn đề sẽ nhẹ nhàng hơn sao.

Muốn ai đó trở thành kim cương, hãy cho họ thấy ánh sáng chứ không phải thêm áp lực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *