Sau khi luận bàn công tội của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ông mắc vào tội loạn luân tày đình này chính bởi mưu đồ cá nhân và xảo quyệt của chính cậu ruột mình – Trương Phúc Loan.
Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) là vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18) nhưng cũng cho rằng ông là người đưa dần sự nghiệp của các chúa Nguyễn xuống vực thẳm bởi loạn luân với một bà công nữ.
Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát còn gọi là chúa Khoát hay Vũ Vương, người gốc Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá và là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Trước nay, các đời chúa Nguyễn đều chỉ có tước công, trong khi các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã xưng vương từ 150 năm trước.
Lúc đầu, ông được phong là Chưởng dinh dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính hầu, làm phủ đệ ở Cơ Tiền Dực tại làng Dương Xuân (Thừa Thiên). Năm Mậu Ngọ (1738), ông nối ngôi khi 24 tuổi, được quan triều tôn là Thái bảo Hiểu Quận công, lấy hiệu là Từ Tế đạo nhân (vì ông chuộng đạo Phật).
Sau khi lên ngôi, chúa Khoát cho khởi công xây phủ mới, ở bên tả phủ cũ, và cho kiến thiết Đô thành Phú Xuân. Năm Kỷ Mùi (1739), công cuộc hoàn tất, triều thần tôn chúa là Thái phó Quốc công.
Cũng trong năm này, vua Chân Lạp là Nặc Bồn mang quân sang xâm phạm Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ cùng vợ là Nguyễn Thị Hiếu Túc đánh đuổi được. Nghe tâu, Chúa Khoát đặc cách phong Mạc Thiên Tứ làm đô đốc và vợ ông làm phu nhân. Năm Canh Thân (1740), chúa quy định lại phép thi. Ngày 12/4 năm Giáp Tý (1744), quần thần dân biểu tôn chúa lên ngôi vương.
Kể từ đó, có nhiều cải cách được ban hành, như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Võ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi…
Năm 1753, người Côn Man (tức người Chămpa sinh sống trên đất Chân Lạp) bị ngược đãi. Năm 1755, Chúa Khoát lại nghe vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Tong) thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Đàng Ngoài để lập mưu đánh mình. Lập tức, chúa sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên, giải thoát được khoảng 5.000 người Côn Man. Bị truy nã, Nặc Nguyên chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu lên chúa Nguyễn xin dâng hai vùng là Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công) để tạ tội (1756).
Năm 1757 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận dâng cho chúa Nguyễn vùng Préah Trapeang (Trà Vinh) và Srok Trang (Sóc Trăng) để được Chúa Võ phong làm vua Chân Lạp.
Nhưng sau đó Nặc Nhuận bị người con rể là Nặc Hinh giết và cướp ngôi. Con Nặc Hinh là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ che chở và cầu cứu với chúa Nguyễn. Nhận lời, chúa sai thống suất Trương Phúc Du sang đánh và giết chết Nặc Hinh, đưa Nặc Tôn lên làm vua Chân Lạp. Năm 1757, vua Nặc Tôn xin dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc bây giờ) để tạ ơn chúa.
Ngoài ra, Nặc Tôn còn tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ năm phủ là: Kompong Som (Vũng Thơm), Kampot (Cần Bột), Chal Chun (Chưn Rùm), Bantey M éas (Sài Mạt) và Raung Veng (Lình Quỳnh) để tạ ơn. Tuy nhiên, Mạc Thiên Tứ lại đem những đất ấy dâng chúa Khoát.
Năm Đinh Sửu (1757), theo đề nghị của ký lục dinh Long Hồ là Nguyễn Cư Trinh và thống suất Trương Phước Du, Chúa Vũ thuận cho dời trị sở dinh Long Hồ và châu Định Viễn từ Cái Bè (Tiền Giang) về xứ Tầm Bào thuộc địa phận Long Hồ thôn (tức vùng chợ Vĩnh Long ngày nay). Cử Tống Phước Hiệp làm lưu thủ, đồng thời còn cho lập ba đạo để hỗ trợ việc coi giữ đó là: Đông Khẩu (ở phía Nam Sa Đéc), Tân Châu (ở đầu Cù lao Giêng, không phải tại thị trấn Tân Châu ngày nay) và Châu Đốc. Đến năm 1757, kể như vùng đất Nam Bộ ngày nay đã thuộc về Chúa Vũ.
Loạn luân vì cậu ruột
Sau khi hoàn thành công cuộc Nam tiến của mình, trong những năm cuối đời, Chúa Võ đâm ra say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước nữa. Tuy nhiên dù ông có xa đọa đến mấy cũng khó có thể mắc vào tội loạn luân, dẫn đến việc soán đoạt ngôi đẫm máu làm tiêu tan sự nghiệp của các chúa Nguyễn Đàng Trong, nếu không có người cậu thâm độc, tham lam quyền bính bất kể thủ đoạn Trương Phúc Loan.
Trương Thúc Loan vốn đã được chúa tin cậy, trao cho rất nhiều quyền binh, nhưng vẫn chưa vừa lòng. Vốn là một tay gian hùng, tham lam, tàn nhẫn và thủ đoạn, Loan có thể làm bất cứ điều gian ác nào để có thêm quyền hành và của cải. Hành vi thâm độc nhất của Loan là đẩy đứa cháu mình đang ở ngôi vương vào vòng loạn luân.
Cô em con chú của Vũ Vương là công nữ Ngọc Cầu (ái nữ của Nguyễn Phúc Điền) có nhan sắc kiều diễm trang đài của một giáng tiên. Biết chúa là người hiếu sắc, Loan tìm cách tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi Vương… Kết quả của những lần lăn lóc ái ân vụng trộm, bà Ngọc Cầu đã mang thai với ông anh đồng đường và sinh ra một công tử. Cũng từ đó, Công nữ Ngọc Cầu nghiễm nhiên trở thành một cung phi được sủng ái bậc nhất trong phạm vi tả hữu hành lang.
Anh em của Ngọc Cầu đều được chúa trọng dụng ban quyền cao, lộc hậu: Nguyễn Phúc Viêm (anh bà) làm Chưởng thủy cơ, Nguyễn Phúc Nghiêm (em Viêm) giữ chức Nội hữu, Chưởng dinh quản Bộ Lại, Bộ Binh, lãnh Tả phủ Chưởng phủ sự dinh Quảng Nam. Hai anh em Viêm – Nghiêm là hạng người tầm thường. Viêm lười biếng, chỉ biết rượu chè, Nghiêm xa hoa, hiếu sắc, hậu phòng có tới trăm người, quanh năm chỉ biết rượu và gái đẹp.
Cuộc tranh giành quyền bính và sự suy vong của chúa Nguyễn
Công tử con của chúa Khoát với Ngọc Cầu đặt tên là Nguyễn Phúc Thuần. Mặc dù được cậu che chở, nhưng chúa không thoát khỏi mặc cảm loạn luân, vì vậy đã cho nuôi nấng Thuần một cách lén lút ở hậu cung và dĩ nhiên Thuần không được lập làm kế tử như mong muốn của Ngọc Cầu.
Nguyễn Phúc Thuần không được lập làm kế tử vì kết quả của một cuộc hoan lạc bất chính, hơn nữa, theo quy định Vương phủ việc lập kế tử đã được chọn lựa và đã quyết định rồi.
Theo nguyên tắc công tử Chương (con cả chúa Vũ) là kế tử. Chẳng may, Chương thọ bệnh đã thất lộc, con của Chương còn quá nhỏ nên chúa Vũ chọn người thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (tức là hoàng khảo của vua Gia Long sau này) làm kế tử.
Để Luân có thể kế nghiệp chúa một cách vẻ vang, chúa Vũ đã mời hai vị có tài năng và đức độ đến dạy dỗ là Nội hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh (được phong làm Thái phó) và Thị giảng Lê Cao Kỷ. Việc mời hai ông Trương và Lê lo vấn đề giáo huấn cho kế tử được các triều thần đứng đắn vui mừng thì lại làm cho Ngoại tả Trương Phúc Loan lo ngại.
Hai vị huấn đạo Trương – Lê càng cố công trong đào tạo Nguyễn Phúc Luân bao nhiêu thì càng làm trở ngại cho việc “phò ấu chúa” trong tay bà Ngọc Cầu của Trương Phúc Loan bấy nhiêu. Do đó, trong tâm trí đen tối của Loan nẩy ra ý đồ hãm hại những bậc trung thần này.
Ngày chúa Vũ mất, Nguyễn Phúc Thuần mới mười hai tuổi. Lúc đó ai cũng tưởng là đệ nhị công tử Nguyễn Phúc Luân, đương kim kế tử sẽ lên kế ngôi vương, không ngờ trong nội cung đang có âm mưu khác.
Ngoại tả Trương Phúc Loan cùng thái giám Chữ Đức và Chưởng dính Nguyễn Cửu Thống mật bàn việc giành ngôi cho công tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần (còn có tên là Hân). Vì lẽ Thuần có giữ được ngôi chân chủ thì Loan mới thực hiện được ý muốn của mình. Từ tham vọng quyền uy, một kế hoạch đen tối được tiến hành…
Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh được mời vào Di Nhiên đường bàn việc cơ mật đã bị giết ngay trong ấy. Thị giảng Lê Cao Kỳ bị một thích khách đâm chết ngay bên án thư nhà mình. Thái Giám Chữ Đức thân hành đem quan lính lên Dương Xuân bắt kế tử Nguyễn Phúc Luân tống ngục… Tất cả thân thích của ba người trên đều bị lùng bắt và tống ngục. Chỉ còn ông giáo Hiển là bạn tâm phúc của Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh chạy thoát được (sau này ông là người cộng sự đắc lực của Nguyễn Huệ).
Nguồn : Nguyễn Thái Sơn