VTV NỢ NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG RONG MỘT LỜI XIN LỖI

VTV NỢ NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG RONG MỘT LỜI XIN LỖI

• Phúc Lộc

Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo, gia đình sống bằng nghề ruộng vườn, sau đó với mong ước cho con cái có điều kiện học hành nên gia đình chuyển ra thành thị sinh sống, vì vậy mẹ tôi phải bán xôi để nuôi chị em tôi ăn học cho đến lúc thành người.

Công việc nấu nấu xôi của mẹ tôi thật vô cùng vất vả, nào phải thức dậy từ khuya để đốt lò nấu xôi và chuẩn bị các thứ trước khi gánh hàng ra chợ. Trải qua bao sương gió cuộc đời, mẹ đã mòn không biết bao nhiêu đôi dép, những chiếc gióng đã nhiều lần thay mới, cây đòn gánh cũng đã mòn nhẳn, vậy mà mẹ vẫn âm thầm một nắng hai sương khiến cho những nét hằn càng lúc càng in rõ trên khuôn mặt sạm nắng của người.

Trong ký ức của tôi, hình như ngày nào cũng như ngày nào, dù mưa hay nắng, mẹ tôi vẫn mặc chiếc áo túi bạc màu và đầu đội chiếc nón lá rách bươm, cứ đến giờ là cất gánh lên vai không bao giờ trễ hẹn. Gặp những ngày mưa gió, ế ẩm, mẹ tôi phải nán ở lại cho tới đứng bóng mới về tới nhà.

Đến khi tuổi già sức yếu, tuy giã từ gánh xôi nhưng lúc nào mẹ tôi cũng quyến luyến bộ đồ nghề, những thứ quen thuộc đã đi theo mẹ gần suốt nửa cuộc đời. Và để cho đỡ buồn, đỡ nhớ mẹ tôi đã treo hai chiếc gióng và cái xửng nấu xôi ở gần chái bếp, coi như những kỷ vật không bao giờ phai nhạt. Hôm nào ngoài đường có tiếng rao ” ai mua …xôi …hôn …” là mẹ miên man hồi ức nhớ lại những gánh xôi đã cùng mẹ tất tả ngược xuôi trên từng con phố vắng. Bản thân tôi cũng thế, mỗi lần nhìn thấy cây đòn gánh và những di vật của mẹ là tôi lại nhớ đến khuôn mặt thân thương và trìu mến của mẹ, nhớ đến nao lòng.

Thật ân hận, lúc mẹ còn gánh xôi, tảo tần thì mình không có dịp trả ơn trả hiếu. Đến khi mình thành đạt thì mẹ đã đi xa, giống như ai đó đã từng nói “Khi mình hiểu được lòng mẹ thì mẹ mình đã ra người thiên cổ.

Giờ đây, mỗi lần nhìn các bà mẹ, các chị quẩy gánh hàng rong, chân bước liêu xiêu trên các vĩa hè, lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ đến mấy câu thơ của Hoàng Cầm:

“Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong.

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút…”

Cuộc đời của mẹ lúc nào cũng oằn vai gánh vác để nuôi con đến ngày khôn lớn. Tất cả việc làm của mẹ tôi đều có thứ ánh sáng toát lên từ cái tâm thiêng liêng từ mẫu. Có lẽ hôm nay và cả mai sau, hình ảnh những người chị, người mẹ lưng còng quẩy gánh hàng rong sẽ còn in bóng mãi trên các vĩa hè và nơi đầu làng cuối phố.

Cho dù mai nầy các siêu thị mọc lên khắp đó đây song cũng không thể thiếu “gánh hàng rong” vì nghề gánh gồng, rong ruổi đầu làng cuối xóm để mua bán những mặt hàng bình dân hoặc những món ăn dân dã phục vụ tại chỗ như bánh, xôi, cơm rượu, bắp, khoai, tàu hủ, chuối nấu …sẽ tồn tại muôn đời.

Trong thời công nghiệp hiện nay, giữa một thành phố nhộn nhịp với muôn ngàn âm thanh náo động, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn nghe âm vang của tiếng rao hàng, đặc biệt là những chiếc đòn gánh cong quằn trên đôi vai nhỏ bé của các chị, các mẹ già thấm đẫm mồ hôi đã khiến tôi ngậm ngùi nhớ đến những bà mẹ suốt ngày lầm lũi, chịu thương chịu khó quẩy gánh ra đi, cắc cỏm từng đồng để nuôi con ăn học, trong đó có những người con thành đạt từ gánh xôi của mẹ.

Mẹ già quẩy gánh nuôi con

Hai vai trĩu nặng, quanh năm gánh gồng.

Theo PHÚC LỘC





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *